Thất tình, cô gái Hà thành Nam tiến lập nghiệp
Con đường dẫn đến thành công không bao giờ chỉ có "hoa hồng", bằng phẳng dễ đi từ đầu chí cuối. Con đường ấy luôn chứa đựng nhiều chông gai, thử thách. Do đó việc đôi lần thất bại là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta biết kiên cường đứng dậy sau thất bại, để viết tiếp ước mơ cho mình.
Đó chính điều mà cô gái Lê Thu Hằng (32 tuổi, Hà Nội) đã làm được trong hành trình xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Thu Hằng là founder của một công ty chuyên cho thuê homestay, khách sạn, căn hộ cao cấp, đồng thời cũng là founder và CEO của công ty phân phối sữa hạt, chuỗi quán đồ chay.
Thu Hằng là founder của một công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú - chuyên cho thuê homestay, khách sạn, căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Cô đồng thời cũng là founder và CEO của công ty phân phối sữa hạt, kiêm chuỗi quán chuyên kinh doanh các món chay.
Trước khi có được sự nghiệp như hiện tại, Thu Hằng đã phải nếm mùi rất nhiều thất bại trong đời. 6 năm trước, Thu Hằng khi ấy chỉ mới là cô gái trẻ non nớt, một mình quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Lý do là thời điểm ấy, cô không chịu được cú sốc tình cảm cùng nhiều áp lực khác mà cuộc sống đưa đến: "Năm 2016, mình vào Nam lập nghiệp do bị thất tình. Lúc đó mình lại có vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe nữa, cảm thấy chán cuộc sống ở Hà Nội với những áp lực vô hình từ xung quanh đưa đến.
Đi lang thang vào miền Nam, mình thấy môi trường sống ở Sài thành rất tốt, cảm thấy hợp nên quyết định ở lại luôn.
Thời điểm đó thận mình có vấn đề, phải lọc máu và dùng thuốc Tây. Cơ thể mệt mỏi, mình quyết định ăn thực dưỡng, kết hợp tìm những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Mình tin rằng cơ thể con người luôn luôn thay đổi, nếu mình ăn đúng, sống đúng nó sẽ tự chữa lành. Cũng từ đây, mình bén duyên với mảng đồ ăn chay, thực phẩm chay".
Thất bại liên tiếp vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu
Trong suốt 6 năm lập nghiệp, Thu Hằng không ngần ngại tâm sự cô trải qua liên tiếp 4 lần thất bại.
Lần đầu tiên là khi mới chập chững bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh đồ ăn chay. Cô đã bị "đẩy ra ngoài" khi quán đi vào hoạt động ổn định.
Lần thứ hai và thứ ba là những lần Thu Hằng góp vốn cùng mở quán bán đồ chay qua mạng với những người bạn của mình. Nhưng cũng vì thiếu kinh nghiệm, làm việc theo cảm tính nên việc kinh doanh không ổn định. Cuối cùng, quán chay online của Hằng đành phải đóng cửa vì bạn của cô không tiếp tục đồng hành được nữa, còn Thu Hằng thì không thể lo liệu mọi thứ một mình.
"Đến lần thứ tư, mình vừa mở homestay, vừa bán quán chay ngay tại homestay luôn. Rút kinh nghiệm, lần này mình không làm chung với ai nữa vì sợ phụ thuộc vào người ta. Một mình làm hết thì cực kỳ chủ động, nhưng ngược lại, tiền vốn mình không đủ mạnh để duy trì và không có tài chính để thuê đủ bộ máy vận hành.
Kèm thêm việc phải san sẻ thời gian để khởi nghiệp kinh doanh homestay, nên cuối cùng mình cũng đành chấp nhận đóng cửa quán chay. Sau 4 lần thất bại, mình rút ra được bài học: Thất bại là kết quả của những hành động sai. Hành động sai là kết quả của suy nghĩ và tư duy sai.
Từ đó, mỗi lần cảm thấy việc làm của mình không ổn thì mình sẽ chọn dừng lại, dành thời gian để thay đổi suy nghĩ, tư duy, thay vì tiếp tục cố đấm ăn xôi".
Trong quãng thời gian khó khăn vì liên tục khởi nghiệp và cũng ngần ấy lần thất bại, Thu Hằng tìm thấy cho mình một ngã rẽ đặc biệt. Chính lối đi riêng này đã mở ra cho cô một chân trời mới, giúp cô gái trẻ nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống mà trước đây đã bỏ lỡ.
Cứ mỗi năm, Thu Hằng (Thứ 3 từ trái sang) lại quay trở lại Myanmar tham gia khóa tu kéo dài 3 - 4 tháng
Thu Hằng nhớ lại: "Năm 2016, mình tham gia khóa thiền, tu tập tại Thái Lan, lúc này mình rất nghèo, tiền đi xe ô tô qua Thái cũng là được người ta cho. Sức khỏe khi ấy cũng kém, da dẻ xanh xao, tái mét. Nhưng sau 1 tháng tu tập thì mình thấy khỏe người hơn.
Cũng trong năm đó, mình tiếp tục sang Myanmar tu tập tại Thiền viện của thiền sư Ottamathara. Mình chọn đi tu thiền vì tu thiền Vipasana theo Phật Giáo là cách mình thấy hiệu quả nhất trong việc giúp cho bản thân chỉnh sửa lại tất cả những suy nghĩ sai lầm.
Khóa thiền đã giúp mình thay đổi nội tâm bên trong, khiến mình có cuộc sống hạnh phúc hơn mỗi ngày, sức khỏe cũng tốt lên rất nhiều".
Sau đó, Hằng trở về Việt Nam tập trung cho công việc kinh doanh, nhưng cứ mỗi năm, Thu Hằng đều dành ra 3 đến 4 tháng để sang Myanmar tu tập. Khi về Việt Nam, cô vừa làm việc, vừa kết hợp tổ chức các khóa thiền tại thành phồ Hồ Chí Minh, miễn phí cho tất cả mọi người.
Hiện tại, sau 2 năm dịch bệnh, việc kinh doanh của Thu Hằng đã dần đi vào quỹ đạo. Công ty chuyên cho thuê khách sạn, căn hộ ngày càng phát triển. Hằng có điều kiện để tập trung mở lại quán chay lần thứ năm. Lần này, cô nàng xây dựng được thương hiệu cá nhân tốt hơn, tích lũy vô số kinh nghiệm, biết cách duy trì dòng tiền.
Thu Hằng bắt đầu từ chính việc chia sẻ về lối sống lành mạnh của mình để lan tỏa cảm hứng ăn sạch, sống xanh đến mọi người.
Thu Hằng ăn chay trường kết hợp tập luyện để có cơ thể săn chắc, khỏe mạnh và lan tỏa lối sống lành mạnh đến mọi người
Cô ăn chay trường, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày từ nhiều năm nay. Sự thay đổi tích cực này đã giúp cô có một cơ thể và tinh thần tươi trẻ, nhẹ nhàng hơn.
Hiện kênh TikTok, Facebook chuyên chia sẻ những thực đơn ăn uống, tập luyện khoa học của Hằng đã có hơn 170.000 lượt tương tác, nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực từ mọi người.
Đời thay đổi khi chính ta thay đổi
Đó là điều mà Thu Hằng rút ra sau 6 năm bươn chải, tự mình gây dựng sự nghiệp. Với cô, "trái ngọt" ngày hôm nay có được chính là thành quả nhờ những lần cô tự thay đổi, sửa lỗi.
"Thành công sẽ đến khi mình sửa lại chính tính cách của mình. Không ai vốn đã hoàn hảo, con người ai cũng có thể sai lầm. Quan trọng mình nhìn nhận được và biết sửa sai. Ví dụ: Bản tính mình trước đây rất nóng vội, làm việc theo cảm xúc, không suy nghĩ sâu xa, không kiên trì. Nếu việc này không thành công thì bỏ qua làm việc khác.
Nhưng sau này, mình đã thay đổi. Trong suốt 2 năm dịch, công ty không kinh doanh được, một mình mình làm việc những vẫn cố gắng duy trì, gồng lỗ, sống tích cực. Chính nhờ sự kiên trì đó mà khi dịch bệnh qua đi, mình bắt nhịp thị trường nhanh và phục hồi lại công ty trong vòng 6 tháng.
Quán chay cũng vậy. Trước đây mình là một đứa rất ẩu. Làm gì cũng theo cảm tính nên nấu ăn hôm mặn hôm nhạt, thất thường. Còn hiện tại, nếu đã làm gì mình sẽ cố gắng làm hoàn hảo việc đó, dù chỉ là nhỏ nhất. Mình đã bắt bản thân phải vào định lượng từng gram thực phẩm để đưa ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng.
Từ việc cố gắng thay đổi mỗi ngày, tự dạy dỗ bản thân, mình đã có kinh nghiệm để training lại cho nhân sự của công ty". - Cô gái Hà thành bật mí.
Với Thu Hằng, "đại gia chống lưng" của cô chính là sự chăm chỉ, sống đúng đắn, và biết đủ.
Từng bị mọi người đồn đoán là "con nhà đại gia" hay có đại gia "chống lưng" vì liên tục khởi nghiệp và vực dậy rất nhanh sau dịch bệnh, Thu Hằng cho hay cô cảm thấy rất "buồn cười" trước những lời đàm tiếu đó.
Với cô gái trẻ, nhu cầu về vật chất, tiền bạc chưa bao giờ là ưu tiên. Tiền kiếm được cô chỉ dùng vào hai việc, đó là đầu tư cho bản thân: sức khỏe, kinh doanh học tập... và thứ hai là để cho đi.
"Mình không quan tâm nhiều đến tiền mà mình kiếm được, tiền kế toán giữ. Khi nào cần thì xin vài triệu tiêu. Mình chỉ cần biết là công ty vẫn có lãi, nhân viên đủ lương, được ăn uống đầy đủ, công ty hoà thuận không cãi vã là đủ.
Khi ấy, mình mới có nhiều thời gian rảnh để tập thể dục, tu tập. Đối với mình như vậy là được rồi. Mình đi xe bus đi làm từ nhà hoặc đi xe ôm, ở Đà Nẵng thì đi xe đạp.
Quần áo cũng dùng đồ bình dân, ở nhà thuê và tối giản nội thất, thậm chí mình không nằm giường đệm vì nằm đệm mềm không tốt cho cột sống của mình. Một cô gái đản đơn đến mức ấy thì cặp với đại gia làm gì chứ? Người ta thấy mình kinh doanh mà không phải đau đáu vì tiền nên mới nghĩ mình có đại gia chống lưng".
Với Thu Hằng, "đại gia chống lưng" đứng sau những thành quả ngày hôm nay của cô chính là sự chăm chỉ, sống đúng đắn, và biết đủ.
(Ảnh: NVCC)