Trong cuộc trò chuyện với KTS. Hồ Khuê kéo dài khoảng 1 tiếng 35 phút, tôi luôn gặng hỏi nhằm tìm được câu trả lời thoả đáng cho chia sẻ trước đó của anh. Đó là kiến trúc không phải là nghề làm giàu.
Cho đến khi cuộc trò chuyện diễn ra và kết thúc, tôi dần hiểu được câu chuyện làm nghề của những người được ví như những nhà toán học mang tâm hồn bay bổng, lãng mạn của người nghệ sĩ.
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc kiến trúc sư và lấy kiến trúc bền vững làm kim chỉ nam?
Tôi tin vào câu nói nghề chọn người. Ở ngã rẽ từ cấp 3 lên ĐH, tôi không được ai định hướng nghề nghiệp tương lai. Bản thân tôi cũng không hiểu kiến trúc là gì. Chỉ biết rằng có năng khiếu vẽ từ những năm tháng học phổ thông, tôi chọn thi vào những trường có môn này. Ở thời điểm đó, khối xét tuyển vào trường Đại học Kiến trúc TP.HCM có môn vẽ nhân đôi. Tôi nộp hồ sơ đăng ký và đi thi.
Đam mê vẽ quá lớn, trong suốt những năm đại học, tôi tập trung và hứng thú học những môn liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật.
Sau khi học xong, tôi vào làm việc cho một công ty như bao người. Ở đây, tôi có cơ hội tham gia vào các dự án, công trình có quy mô lớn như văn phòng làm việc, nhà cao tầng. Sau nhiều năm làm nghề, tôi nhận thấy các công trình mình cùng tham gia thiết kế mọc lên một cách đơn điệu. Thực tế, nó không khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Có những công trình chỉ đáp ứng được đúng mục tiêu của chủ đầu tư là xây dựng nhằm kinh doanh. Còn người sử dụng nó cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản. Nó thực sự không mang lại cho tôi cảm xúc. Điều này tác động lớn đến đam mê làm nghề của một kiến trúc sư. Nó khiến tôi rơi vào cảm giác chán chường trong thời gian dài.
May mắn có cơ hội đi nhiều nước để tham quan học hỏi, được ngắm nhìn những công trình đẹp, những đô thị đẹp. Điều này làm tôi phải suy nghĩ và tự đặt ra nhiều câu hỏi. Bởi bản thân mình là người làm nghề nhưng chưa thực hiện được điều mình mong muốn.
Thêm vào đó, trong giai đoạn này, tôi được tham gia vào dự án có sự tham gia của các đơn vị tư vấn nước ngoài. Đối với mỗi công trình, các tư vấn quốc tế luôn nghĩ về môi trường và người sử dụng.
Với tất cả những điều kiện đó, sau 10 năm làm nghề, tôi bắt đầu tham gia vào các chương trình đào tạo kiến trúc bền vững. Từ đây, tôi nhận ra có lẽ chỉ phong cách kiến trúc này mới làm cho mình cảm thấy hạnh phúc để có thể tiếp tục giữ lửa nghề.
Cảm xúc hạnh phúc mang đến cho người KTS được hiểu như thế nào?
Quá trình được sáng tác những điều mình thích đã là một hạnh phúc. Trong quá trình thi công, khó khăn xuất hiện, tôi có cơ hội được tìm tòi và giải quyết từng vấn đề với chủ thầu xây dựng và chủ đầu tư. Điều này khiến tôi được tham gia và là một phần của vào dự án. Chắc chắn, khi mỗi hạng mục của công trình được hoàn thành, tôi không thể không hạnh phúc.
Khi theo đuổi kiến trúc bền vững, KTS gặp những khó khăn gì?
Theo tôi, cái khó thứ nhất đó là vấn đề mưu sinh, câu chuyện của cơm áo gạo tiền. Kiến trúc vốn không phải là nghề làm giàu. Khi chọn một ngách bé hơn - kiến trúc bền vững, tôi đang tự hạn chế điều kiện kinh tế của mình. Đã khó, tôi lại chọn một hướng đi khó hơn.
Cái khó thứ 2 là sự nhẫn nại trong quá trình làm nghề. Ai cũng có cái tôi, luôn cho rằng mình đúng, cả KTS và chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong câu chuyện này không có cái đúng, cái sai. Điều quan trọng là thiết kế nào giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người sử dụng và làm đẹp cho xã hội.
Khi xây dựng một công trình bên bờ biển, tôi không muốn đó chỉ là một toà nhà phục vụ nhu cầu sử dụng hay thương mại của chủ đầu tư. Thứ tôi cần là công trình xuất hiện phải làm cho bãi biển đẹp hơn. Cảnh quan đô thị cũng trở nên hài hoà hơn. Người được ở trong không gian đó cũng cảm thấy sướng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ khó chấp nhận được viễn cảnh đó. Không có chuyện họ xây dựng một công trình để cho người đời được ngắm. Điều họ quan tâm là có được công trình chất lượng và hiệu quả, dễ dàng cho việc kinh doanh
Song là một người làm nghề, tôi cần mang những kì vọng tương lai cho chủ đầu tư. Tôi phải dành thời gian dài để tương tác, nói chuyện và tư vấn khách hàng để họ sẵn sàng hy sinh một phần diện tích để dành cho các không gian xanh, hay các giải pháp liên quan về vấn đề bền vững. Quá trình tư vấn khách hàng đi đúng hướng không phải điều đơn giản.
Khi chấp nhận hy sinh một phần không gian như vậy, chủ đầu tư sẽ nhận được điều gì?
Đất chật người đông. Chủ đầu tư nào cũng muốn tối đa hệ số sử dụng đất. Để thuyết phục họ cắt bớt một phần diện tích sàn nhằm nhường chỗ cho những khoảng xanh chỉ có thể đưa bài toán lợi ích 1-1. Tức là, nếu tôi lấy 1 phần diện tích, chủ đầu tư sẽ nhận được một giá trị đắt giá và ấn tượng.
Mới đây nhất, tôi đã hoàn thành thiết kế và thi công một khách sạn ở Đà Nẵng. Thông thường, với diện tích tương đương, chủ đầu tư khác có thể sở hữu đến 230 phòng. Tuy nhiên, để công trình đi theo hướng bền vững, tôi chỉ làm 190 phòng. Như vậy, tôi đã lấy đi 40 phòng, tương ứng với 1200m2. Bớt đi một diện tích lớn như vậy, tôi sẽ trả cho chủ đầu tư một không gian xanh lồng ghép vào tiện ích và trải nghiệm của người sử dụng.
Nếu như một giá phòng của một khách sạn thông thường cùng vị trí địa lý có giá 2 triệu đồng/đêm. Tuy nhiên, với không gian xanh, mang đến cảm xúc cho khách hàng, chủ đầu tư có thể cho thuê với mức giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Một ví dụ rõ ràng hơn về lợi ích mà chủ đầu tư nhận được khi công trình phát triển theo hướng bền vững, chính là resort Amanoi ở Ninh Thuận. Với diện tích 42ha, resort chỉ thiết kế 36 phòng nhằm nhường chỗ cho không gian xanh và cảnh quan. Trong khi đó, họ hoàn toàn có thể tăng số lượng phòng lên rất nhiều.
Sự hy sinh này đổi lại bằng việc chủ đầu tư có thể bán giá phòng ở mức 30 triệu đồng/đêm, thậm chí là 100 triệu đồng/đêm.
Tóm lại, khi lấy đi một phần lợi ích của chủ đầu tư, kiến trúc sư cần trả lại họ bằng một giá trị vô hình nhưng có thể đem lại giá trị tài chính trong tương lai.
Lợi ích chủ đầu tư nhận được và chi phí họ bỏ ra liệu có cân bằng?
Nếu đặt lên bàn cân, 2 yếu tố này chắc chắn không cân bằng. Bởi lợi ích mà chủ đầu tư nhận được lớn hơn mức phí họ bỏ ra.
Một công trình bền vững đáp ứng đúng yêu cầu sẽ giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái. Việc tận hưởng các mảng xanh trong không gian sống hay áp dụng các vật liệu bền vững sẽ giúp ích cho sức khỏe của người sử dụng. Hơn thế nữa, những công trình còn không gây ra tác hại cho môi trường tự nhiên. Những lợi ích này sẽ gắn liền với vòng đời của công trình.
Thông thường, một công trình bền vững sẽ có vòng đời kéo dài lên đến 50-100 năm đối với công trình lớn. Điều này tương ứng, người sử dụng sẽ được tận hưởng trọn vẹn lợi ích từ không gian sống trong suốt khoảng thời gian đó.
Thực tế này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vậy tại sao các chủ đầu tư không đi theo kiến trúc bền vững khi giá trị lợi ích lớn như vậy. Điều cản trở có lẽ xuất phát từ kế hoạch tài chính.
Chi phí của một công trình kiến trúc bền vững sẽ có mức giá cao hơn thông thường. Với công trình nhỏ, khoản tiền đầu tư sẽ cao hơn 5 - 10%. Còn với công trình lớn, con số này sẽ tăng lên 3-5%, tương ứng một số tiền đáng kể. Nếu đi theo kiến trúc bền vững, có thể, kế hoạch tài chính của họ bị phá vỡ. Nên họ từ chối thực hiện là điều dễ hiểu.
Khi rót tiền vào một dự án, đa phần các chủ đầu tư không có tầm nhìn dài hạn. Họ chỉ ước tính vòng đời của dự án dừng ở mốc 20 năm. Thêm vào đó, một số chủ đầu tư không tin vào câu chuyện tương lai của một công trình kiến trúc bền vững. Số khác lại cho rằng hướng đầu tư của họ đang phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam. Với tất cả những lý do trên, không ít chủ đầu tư từ chối phát triển công trình của mình theo hướng bền vững.
Theo anh, một công trình bền vững cần đạt được yêu cầu nào?
Thứ nhất, công trình phải đáp ứng được cảm xúc con người, gồm người thiết kế, người xây dựng, người đầu tư, người sử dụng và những người quan tâm đến công trình. Nếu thiết kế được công trình đáp ứng được cảm xúc của tất cả, mọi người sẽ cùng nhau xây dựng và giữ gìn nó.
Ví dụ như đô thị Hội An có thể tồn tại đến 500 năm và trở thành điểm đến của toàn thế giới. Nếu như khi thiết kế đô thị này, người xưa không gắn nó với văn hoá, giá trị của địa phương thì khó có thể tồn tại cho đến ngày nay. Những mái nhà lô xô thấp tầng, diện tích chật chội nhưng vẫn sừng sững ở đó để rồi trở thành di sản văn hoá vật thể của thế giới. Thực tế này chứng minh, khi mọi người cùng cảm xúc với một công trình, tất cả sẽ cùng nhau giữ gìn nó.
Thứ 2, công trình phải vì thiên nhiên môi trường. Ngôi nhà chúng ta đang sống là một phần của Trái Đất này. Chúng ta phải tôn trọng quy luật vận hành của tự nhiên.
Thực tế, một công trình khó có thể không tác động đến môi trường. Song chúng ta có thể giảm tác hại đến thiên nhiên bằng cách phủ xanh không gian sống, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch… Từng chút một, bạn đang góp phần bảo vệ Trái Đất này.
Anh có thể chia sẻ về công trình mà bản thân cảm thấy hứng thú khi nói về?
Thực tế, mỗi công trình đều có một câu chuyện riêng, từ căn nhà 3 tầng cho đến dự án nghỉ dưỡng lớn. Tuy nhiên, tôi có 2 công trình luôn muốn kể với mọi người khi có dịp.
Thứ nhất, đó là công trình khách sạn M Garden City có quy mô 25 tầng với tổng diện tích sàn hơn 23.000m2, được tọa lạc ở Đà Nẵng. Lý do tôi muốn nhắc đến công trình này bởi đây là dấu ấn đẹp. Trước thời điểm này, tôi chỉ thiết kế những dự án cao tầng nhưng phục vụ nhu cầu của chủ đầu tư là chính. Phải mất đến 15 năm sau đó, tôi mới có thể thực hiện một dự án có quy mô lớn thể hiện đúng cá tính và mong ước của bản thân.
Khi thực hiện công trình này, tôi may mắn có mọi điều kiện thuận lợi từ việc chủ đầu tư là một người có tầm nhìn dài hạn, đội ngũ xây dựng và các đơn vị cộng tác thiết kế đều thuộc top đầu của Việt Nam cho đến ban quản lý dự án cũng đều là những người giỏi và có tâm. Nhờ thế, công trình có điểm khác biệt về mặt kỹ thuật, không gian. Nó trở thành một điểm nhấn kiến trúc cho bãi biển khu vực. Sau 5 năm triển khai, công trình này dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Công trình thứ 2 tôi muốn chia sẻ là Nhà Trưng bày Nghệ thuật quận Sơn Trà với nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đúng như tên gọi, công trình phục vụ mục đích trưng bày nghệ thuật và là nơi giao lưu của các văn nghệ sĩ trong khu vực.
Thông thường, những công trình này khá khô cứng, rập khuôn. Tuy nhiên, được sự tin tưởng của lãnh đạo địa phương, tôi đã có cơ hội sáng tạo và thể hiện cá tính trong thiết kế. Lấy cảm hứng từ cánh chim hải âu, công trình được thiết kế với hình thái kiến trúc bay bổng trên diện tích đất 1.600m2. Công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Giá trị nào đọng lại cho người KTS nhằm giúp bản thân yêu nghề sau mỗi công trình kể trên?
Đối với tôi, mỗi công trình là một thách thức. Sau khi vượt qua những khó khăn đó, thứ đọng lại trong tôi và anh em cộng sự đó là sự trưởng thành và cơ hội được học hỏi.
Bên cạnh đó, những lời khen chê và mối quan tâm của mọi người đến công trình cũng là giá trị mà kiến trúc sư mong muốn nhận được. Nếu như người sử dụng hay người quan tâm thích thú về công trình, đó là lúc chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng. Còn với lời chê, chúng tôi hiểu ra rằng mình cần hoàn thiện hơn nữa.
Tôi sợ nhất công trình của mình làm ra không ai khen, cũng chẳng ai chê. Điều đó có nghĩa là tôi cần phải xem lại định hướng thiết kế của mình.
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm làm nghề, khó khăn lớn nhất anh gặp phải là gì?
Kiến trúc không phải là nghề làm giàu. Thời điểm đầu làm nghề, tôi từng rơi vào trạng thái giữa theo đuổi đam mê kiến trúc hay làm công việc cho mình thu nhập khá hơn. Mâu thuẫn này kéo dài nhiều năm. Nó thực sự là khó khăn cản trở bước tiến của tôi ở thời điểm đó.
Để tháo gỡ, tôi phải tự cân bằng chính mình. Điều quan trọng là phải biết thế nào là đủ. Nhờ thế, tôi có thể giải phóng nhu cầu của chính mình, mong muốn tìm kiếm hạnh phúc thay khao khát giá trị vật chất.
Khi không còn ràng buộc về tài chính, tôi yên tâm phát triển nghề. Một điều thú vị là khi chuyên tâm với công việc, bạn sẽ nhận về giá trị tài chính. Nhờ thế, cho đến nay, tôi đã có thể đạt được cả 2 thứ, có thể kiếm tiền từ đam mê của mình.
Để chia sẻ một vài điều đến các bạn trẻ đang nuôi giấc mơ trở thành một KTS, anh sẽ nói điều gì với họ?
Tôi nghĩ để trở thành kiến trúc sư ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để trở thành kiến trúc sư đem lại giá trị cho xã hội, bạn cần 3 yếu tố.
Thứ nhất, đam mê phải song hành với việc trau dồi tri thức. Nếu chỉ chạy theo đam mê mà không có tri thức, bạn dễ bị lạc hậu, tạo ra sản phẩm không tốt. Tức là bên cạnh đam mê, bạn cần biết tiếp cận với tinh hoa của thế giới, luôn học hỏi.
Thứ hai, bạn cần biết lắng nghe và biết nói không. Mọi người đa phần thích nói chứ không thích lắng nghe. Đối với tôi lắng nghe là yếu tố quan trọng của người làm nghề kiến trúc. Bởi đây sẽ là sợi dây kết nối giữa bạn, chủ đầu tư và các bên liên quan nhằm hiểu vấn đề và đạt được mục đích của khách hàng.
Trong quá trình hành nghề, cám dỗ rất lớn nhưng bản thân phải biết nói không. Nhiều thời điểm công ty tôi không có việc. Đã xác định theo đuổi kiến trúc bền vững, tôi nhất quyết nói không với các dự án không cùng định hướng này.
Thứ ba, bạn phải biết sống tích cực và yêu thương. Mọi vấn đề xảy ra luôn tồn tại mặt tích cực. Đôi khi, gặp vấn đề không đúng ý, bạn nên nhìn vào giá trị lớn để tích cực và lạc quan hơn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!