KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình "siêu to khổng lồ"

"Từ hàng trăm, hàng ngàn chi tiết nhỏ, người kiến trúc sư sẽ 'điều phối', kết hợp chúng, để có thể tạo nên một công trình lớn đồ sộ và hoàn hảo nhất có thể".

KTS Trần Minh đã có 15 năm học tập và làm việc trong lĩnh vực kiến trúc. Không theo đuổi con đường trở thành "ông chủ" của bất kỳ studio nào, quan niệm của anh là muốn trở thành "người thợ lành nghề" trong một phong cách, loại hình thiết kế nhất định. Cụ thể, đó chính là Hospitality Industry, hay nói dễ hiểu hơn là các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Cũng bởi điều này mà trong suốt quãng thời gian làm nghề, những công trình có sự tham gia của KTS Trần Minh đều là những công trình có quy mô lớn.

PROFILE KTS TRẦN MINH:

- Họ tên: Trần Hoàng Minh

- Năm sinh: 1990

- 2008 - 2010: Học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội

- 2011 - 2014: Học tại University of Wisconsin - Milwaukee, Mỹ

- 2015 - 2017: Làm việc tại Continuum Architects and Planners - Công ty chuyên về các dự án cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng của tòa nhà tại Mỹ

- 2017 - 2020: Làm việc tại Baumschlager Eberle - Công ty chủ yếu về các dự án hospitality của Thụy Sĩ, văn phòng tại Hà Nội, Việt Nam

- 2020 - nay: Kiến trúc sư trưởng tại Tập đoàn Leadvisors Capital Group

- Các dự án đã tham gia: Khu nghỉ dưỡng Movenpick Phú Quốc, chung cư Ocean Gate Nha Trang, khách sạn Melia Hạ Long, khách sạn Dusit Từ Hoa Công Chúa Hà Nội...

CÓ HÀNG TRĂM, HÀNG NGÀN CHI TIẾT NHỎ, MỚI CÓ MỘT CÔNG TRÌNH LỚN HOÀN HẢO

Chào KTS Trần Minh, đã từng học tập tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng tại sao sau 2 năm, anh lại quyết định đi du học?

Tại thời điểm đó, có rất nhiều lý do đưa tôi đến quyết định "start over" tại Mỹ. 2 năm học tại đại học Kiến trúc có thể đã cho tôi nhiều kiến thức và trải nghiệm, nhưng tôi cảm nhận như vậy vẫn là chưa đủ. "Start over" có nghĩa là, tôi gần như là một kẻ tay mơ hoàn toàn khi đến Mỹ.

Tôi đăng ký học lại từ đầu thay vì học theo dạng liên kết của những người đã có kinh nghiệm. Và đến hiện tại, tôi đánh giá đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nói một cách dễ hiểu, nếu như môi trường ở Việt Nam dạy các kiến trúc sư tương lai một cách rất đầy đủ về chi tiết về những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong xây dựng để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể ra làm nghề luôn, thì ở Mỹ, chúng tôi được dạy cách tư duy nhiều hơn. Để ngay cả khi nhận được một đề bài "khó nhai", người kiến trúc sư vẫn sẽ suy nghĩ được và làm mọi cách để đáp ứng được đề bài.

Tôi còn nhớ đề bài đồ án đầu tiên ở Mỹ mà các giáo sư giao cho chúng tôi, đó là có 1 hình vuông, chúng tôi phải đục lên đây 5 cái lỗ, sao cho ra công trình biểu trưng cho phong cách 1 kiến trúc sư chúng tôi yêu thích. Hay có những bài tập mà các giáo sư phải khẳng định với chúng tôi rằng: "Nếu không thức trắng đêm nay, chắc chắn các cậu không thể hoàn thành nó đúng hạn". Tuy nhiên tất cả quãng thời gian học tập ở cả Việt Nam và Mỹ, hay quãng thời gian đi thực tập đã khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều và ít nhất là có được những thành tựu như ngày hôm nay.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 2.

Khi ở Mỹ, anh làm trong một công ty chuyên thực hiện các dự án cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng. Vậy anh có thể ví dụ về 1 dự án anh từng tham gia như vậy không?

Hmm... tôi sẽ kể về một dự án có thể nói là phải thay đổi khá nhiều và trở thành một bài toán khó cho các kiến trúc sư. Cụ thể thì trước kia dự án này là một bệnh viện, tuy nhiên sau thời gian dài, bệnh viện làm ăn thua lỗ nên đóng cửa. Chủ mảnh đất đó bán lại cho một đơn vị khác, nhưng vị chủ mới này lại muốn biến bệnh viện thành một trường học.

Tính chất của 2 công trình này là rất khác nhau. Ở bệnh viện thì các khu vực đều đề cao sự riêng tư còn ở trường học thì ngược lại, các phòng học nên được liên kết với nhau, có không gian sinh hoạt chung cho mọi người và hành lang cũng là hang lang mở. Dựa trên các yếu tố đó, các kiến trúc sư đã phải cân nhắc cực kỳ cẩn thận sao cho ít phải can thiệp đập phá nhất có thể, đồng thời tối ưu chi phí cho khách hàng mà vẫn đạt kết quả đúng mong muốn nhất.

Thời điểm đấy tôi mới chỉ là một Junior Architect, nên công việc chủ yếu là triển khai các bản vẽ hay các yêu cầu của cấp trên thôi. Nhưng giờ khi đã lên tới kiến trúc sư trưởng thì tôi thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng của một công trình là cả 1 quá trình rất gian nan đấy.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 3.

Dự án The Peak Hạ Long mà KTS Trần Minh tham gia

Là một người "quen tay" với những công trình quy mô lớn như những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, anh thấy nó có khó hơn so với những công trình nhỏ như nhà ở?

Về cơ bản thì rất khó để nói cái gì là khó hơn, dễ hơn, nên tôi sẽ đi vào những điểm giống nhau và khác nhau của một công trình quy mô lớn và một công trình quy mô nhỏ.

Đầu tiên về điểm chung, thì dù là công trình lớn hay công trình nhỏ, người kiến trúc sư vẫn phải trải qua từng ấy bước, trải qua từng ấy bản vẽ, qua từng ấy giai đoạn thiết kế. Còn về điểm khác biệt, thì ở những công trình quy mô nhỏ, tính chất công việc sẽ có phần đơn giản hơn, nhưng người kiến trúc sư sẽ phải đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Ở những công trình lớn, tính chất công việc lại phức tạp hơn, thường thì người kiến trúc sư sẽ tập trung vào lĩnh vực kiến trúc của họ, và sẽ là đầu mối, kết nối, phối hợp thêm với nhiều chuyên gia khác để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.

Ví dụ như ở một căn hộ chung cư, một người kiến trúc sư sẽ phải lo từ những chi tiết nhỏ nhất, từ cái ổ điện, con ốc vít, tường làm sao, trần nhà như thế nào, cửa thế này có hợp lý không... Nhưng ở một khách sạn, thì từng hạng mục lại có một người chuyên trách riêng. Trong những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng mà tôi đã thực hiện thì trung bình một công trình lớn sẽ có khoảng 10 mảng, được phụ trách riêng bởi 10 chuyên gia khác nhau. Bao gồm như kiến trúc, cơ điện, cảnh quan, hệ thống chiếu sáng, bảng biển...

Tuy nhiên người kiến trúc sư trưởng vẫn phải đóng vai trò là người điều phối tất cả sao cho làm việc ăn ý nhất với nhau, nhằm tạo nên một tổng thể lớn hoàn hảo.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 5.
KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 6.

Khách sạn Dusit Từ Hoa - Hà Nội, dự án KTS Trần Minh chịu trách nhiệm là KTS trưởng

Như anh đã nói thì kiến trúc được tạo nên bởi rất nhiều chi tiết nhỏ. Vậy có phải là những chi tiết dù rất nhỏ này có vai trò rất quan trọng, kể cả trong một công trình lớn?

Các chi tiết nhỏ có vai trò cực kỳ quan trọng là đằng khác. Nếu ngồi lại và thử "bổ" một tòa nhà hay một căn phòng ra để phân tích, ta sẽ thấy hàng trăm, thậm chí hàng ngăn chi tiết khác nhau. Thậm chí có những chi tiết mà chính gia chủ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà chỉ khi người kiến trúc sư, người thiết kế giải thích, hoặc sau quá trình sử dụng nhận thấy được hiệu quả, thì mới biết.

Tôi sẽ lấy ví dụ là khi làm mái hiên của một ngôi nhà. Những người bình thường có thể nhìn vào chỉ nhìn được hình thức hoặc nhận định được chất liệu của chiếc mái thôi. Còn đi vào sâu xa trong kiến trúc, chiếc mái này phải đảm bảo được cả nhiều yếu tố khác về kỹ thuật. Có thể kể tới như khí hậu, vị trí của ngôi nhà. Nếu ở Hà Nội, Việt Nam, nơi có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, thì phần mái này sẽ phải đáp ứng được 3 thứ, là cắt được nước mưa để bảo vệ cho hệ thống cửa, cửa sổ bên dưới không bị thấm; tạo được bóng đổ để ngăn quá nhiều ánh nắng chiều vào nhà, làm nóng nhà; và thông được gió tự nhiên để không khí trong nhà được thoáng mát.

Nếu không xem xét các yếu tố cả khách quan và chủ quan, thì những chi tiết nhỏ sẽ không thể được thi công một cách tốt nhất và phù hợp nhất, từ đó gây bất tiện với người sử dụng. Hay những cái khác như ổ điện lắp thế nào, cánh cửa này mở vào trong hay mở ra ngoài, chi tiết trên tường trạm trổ ra sao, tất cả chúng tuy nhỏ xíu, có cái chỉ vài cm thôi nhưng rất quan trọng. Thậm chí nếu làm sai sẽ phải thi công lại, ảnh hưởng tới tiến độ của công trình.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 7.

CÔNG TRÌNH CÀNG LỚN, NHIỀU PHẦN, NHIỀU NGƯỜI, CÀNG PHẢI SÁT SAO HƠN

Vậy điều anh cảm thấy khó nhất khi chịu trách nhiệm thực hiện một công trình lớn là gì?

Như tôi đã nói lúc đầu. Một công trình lớn, ví dụ như khách sạn Dusit Từ Hoa - Hà Nội tôi đang thực hiện, nó có nhiều mảng và có nhiều người cùng tham gia, đóng góp vào phần kiến trúc. Là một người kiến trúc sư trưởng, tôi sẽ phải điều phối tất cả sao cho mọi thứ được ăn khớp nhất với nhau để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ như "ông" nội thất bố trí cái đèn thế nào sao cho không va phải cái ống điều hòa của "ông" cơ điện; hay các thiết bị khác làm thế nào để không làm hỏng "ông" thiết kế cách âm...

Người kiến trúc sư trưởng gần như là quan tòa ở giữa, phán xử xem là mảng nào phải nhường mảng nào, thay đổi thế nào sao cho phù hợp với nhau nhất có thể.

Ngoài các mảng liên quan đến chuyên môn mà tôi còn phải phối hợp làm việc với nhiều phòng ban khác như phòng đầu tư, phòng kế toán rồi đầu bài của khách hàng nữa.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 8.

Công việc đầu tiên anh làm khi nhận một đề bài từ khách hàng là gì?

Điều đầu tiên chắc chắn một người kiến trúc sư cần làm khi nhận được 1 đề bài, đó là ngồi lại cùng chủ nhà, phân tích một cách càng sâu, càng kỹ càng tốt. Chúng tôi sẽ cùng bàn bạc để hiểu rõ nhau hơn. Có những chủ nhà họ đưa ra rất nhiều ý tưởng, tuy nhiên không phải ý tưởng nào cũng hợp lý. Lúc này người kiến trúc sư lại cần đưa ra lời khuyên thích hợp hơn cho họ.

Cũng nên thống nhất với chủ nhà ngay từ đầu để không xảy ra trường hợp, đang làm được nửa chừng, chủ nhà lại nảy ra ý tưởng mới và mong muốn được thực hiện. Khi đó sẽ rất khó cho cả người kiến trúc sư và đội ngũ thi công công trình.

Dự án khách sạn Lapis trên đường Thi Sách, thủ đô Hà Nội

Sau hơn 10 năm học tập và làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, anh cảm thấy mình đã được và mất gì?

Đối với tôi, ngành này là một ngành khá hay. Vì không chỉ kiến thức về xây dựng, tôi hay những anh em đồng nghiệp khác sẽ được biết thêm kiến thức nhiều lĩnh vực khác nữa như địa lý, khoa học, văn hóa hay cả về kinh doanh.

Lại quay lại ví dụ là dự án khách sạn Dusit Từ Hoa - Hà Nội mà tôi đang thực hiện. Ý tưởng của chủ đầu tư là xây dựng một khách sạn kiểu lifestyle, tức là sẽ không quá chú trọng vào căn phòng ở, mà sẽ tập trung nhiều vào những không gian chung như quầy bar, nhà hàng, quán cà phê... Khi nói chuyện với chủ đầu tư thì tôi sẽ hiểu thêm được là tại sao họ lại chọn như vậy thay vì xây dựng một khu nghỉ dưỡng hạng sang.

Hay yếu tố "Việt Nam" cũng được chủ đầu tư rất chú trọng, thậm chí gọi đây là "Vietnamest Hospitalily". Tôi phải tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, về công chúa Từ Hoa - người được đặt tên cho khách sạn, để rồi đi sâu vào các chi tiết cũng như tổng thể thiết kế chung, sao cho đúng ý chủ đầu tư nhất.

Còn nói về cái mất, thì có lẽ là mất nhiều thời gian. Các tài liệu từ Mỹ thống kê rằng, những sinh viên ngành kiến trúc 1 tuần trung bình sẽ phải bỏ thêm ra 40 giờ ngoài giờ trên lớp để học và làm thêm. Trong khi ở ngành Business, con số này chỉ là 18 giờ thôi. Vì vậy, với những anh em mới vào nghề, phải hi sinh thời gian rất nhiều và khá vất vả. Tuy nhiên sau tất cả, chứng kiến những công trình được "vẽ" nên bởi đôi bàn tay và óc sáng tạo của mình, thì chắc chắn chúng tôi đều rất vui và không hối hận khi làm nghề.

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 10.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

KTS Trần Minh: Từ con ốc vít, viên gạch mái hay những ổ điện, tạo nên những công trình siêu to khổng lồ - Ảnh 11.