Theo công ty tư vấn thị trường MarketScale, ngành tiếp thị qua những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội có giá trị hơn 16 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay công việc của những "người có ảnh hưởng" trên mạng xã hội lại chưa được định hình chắc chắn và chưa thể tự chủ hoàn toàn. Hiện tại đã xuất hiện những nguy cơ đối với sự tồn tại của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (các KoL/Influencer).
Hiện tại, những người này làm công việc chia sẻ thông tin, nội dung, kể về đời mình và những gì diễn ra hàng ngày và được trả tiền cho công việc kể chuyện này. Tuy nhiên, công việc của những người ảnh hưởng trên mạng xã hội nhiều khi bị coi không phải là một nghề thực sự. Ngoài ra, trong vài năm gần đây, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội liên tục phàn nàn về hàng loạt thay đổi, các thuật toán không rõ ràng, quy định kiểm duyệt nội dung của các mạng xã hội làm hạn chế độ tiếp cận của họ đến công chúng. Họ không thể liên lạc với quản lý ứng dụng khi gặp sự cố. Tức là cho đến giờ, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa thể tạo áp lực với các mạng xã hội tạo điều kiện cho họ làm việc.
Phong trào chống người có ảnh hưởng trên mạng xã hội
Trong cộng đồng người dùng mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện xu hướng nghi ngờ ngày càng lớn đối với những "người có ảnh hưởng" khi họ quảng bá cho các sản phẩm. Các xu hướng trên mạng xã hội như 'bác bỏ người ảnh hưởng', 'chống lại xu hướng' (#deinfluencing) tạo nên các thách thức đối với công việc thúc đẩy doanh số cho các nhãn hàng.
Thông thường các video này tìm cách thuyết phục người xem không chi tiền quá nhiều hay trở thành nạn nhân của những xu hướng mua sắm quá mức. Hashtag deinfluencing được tương tác với hơn 455 triệu lượt xem trên TikTok, cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của phong trào chống lại những "người gây ảnh hưởng" trên mạng xã hội để bán hàng.
Các nước siết hoạt động của "người có ảnh hưởng"
Ở cấp độ chính phủ các nước, Pháp sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên quản lý những "Người có ảnh hưởng" trên Internet, nhằm áp đặt các giới hạn đối với những sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ có thể quảng cáo trên mạng xã hội.
Dự luật sẽ buộc những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải tuân theo các quy tắc giống như những quy định đang áp dụng cho phương tiện truyền thông truyền thống, đó là đặt các giới hạn cho việc quảng bá các sản phẩm tài chính và tiền điện tử, cũng như rượu và thuốc lá. Các quảng cáo sẽ phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe khi quảng cáo thực phẩm có hàm lượng đường hoặc muối cao. Dự luật cũng sẽ cấm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhận tiền để quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ.
Nếu vi phạm các quy tắc mới sẽ phải nộp khoản tiền phạt lên tới 375 nghìn euro, tương đương hơn 9,5 tỷ VNĐ và có thể sẽ bị phạt tù 6 tháng và tài khoản mạng xã hội bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Còn Trung Quốc thì cấm các công ty chứng khoán thuê những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để thu hút khách hàng mới. Trung Quốc cũng cấm các khuyến nghị đầu tư thông qua những buổi livestream. Những người tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội phải có bằng cấp để livestream về một số chủ đề như luật, tài chính, y học, giáo dục.
Nguy cơ ảnh hưởng từ người có ảnh hưởng xấu
Những động thái siết lại của chính quyền hay các xu hướng phản ứng trong công chúng đối với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thực chất cũng là sự nhìn nhận về ảnh hưởng thực sự lớn của họ. Chính vì những ảnh hưởng lớn này mà trong xã hội mới có những lo ngại về những trường hợp gây ảnh hưởng không tốt. Một ví dụ là vụ án của một người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là Andrew Tate. Andrew Tate và em trai đã bị bắt ở Romania từ tháng 12 năm ngoái vì bị buộc tội buôn người, cưỡng hiếp và lập nên một tổ chức tội phạm. Andrew Tate có tới 5,8 triệu người theo dõi trên Twitter.
Khi ông Nick Hewlett - Hiệu trưởng trường liên cấp St Dunstan's ở thủ đô London, Anh, nghe một phụ huynh nói về nhân vật có ảnh hưởng gây tranh cãi trên mạng xã hội Andrew Tate, ông còn chưa bao giờ nghe đến cái tên ấy. Nhưng ngay sau đó ông đã phát hiện ra rằng học sinh trường ông rất quen thuộc với các bài đăng kỳ thị nữ giới của Andrew Tate trên mạng xã hội. Vậy là trường St Dunstan's đã quyết định đưa vào các lớp học các thảo luận về quan điểm của Andrew Tate ngay trước cả khi anh ta bị bắt.
Ông Nick Hewlett - Hiệu trưởng trường liên cấp St Dunstan, Anh: "Các em học sinh sống trong thế giới, trong không gian mà chưa chắc các em đã kể với nhà trường hay bố mẹ, rào cản đó là cái mà chúng ta phải phá bỏ, vì chúng ta cần phải có có tiếng nói ở thế giới đó. Chúng ta cần phải góp phần hướng dẫn các bạn trẻ lựa chọn đúng và định hướng đi đúng".
Chỉ đến khi Andrew Tate bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái ở Romania nhiều bậc phụ huynh mới biết rằng anh ta là một ngôi sao trên mạng xã hội đối với thiếu niên ở nhiều nước. Anh ta đăng những video đưa ra quan điểm về nam tính là phải chiến đấu và thành công là dựa trên tài sản và sự thống trị, sở hữu phụ nữ và những chiếc ô tô đắt tiền.
Hiện trường St Dunstan đã đưa vào chương trình dạy học sinh từ 11 tuổi trở lên về các định kiến và bình đẳng giới. Tới tuổi 13, các em được học về các quan điểm 'nam tính độc hại'.
Cuộc sống của "người có ảnh hưởng" trên mạng xã hội
Andrew Tate là một trong những trường hợp cực đoan của "người có ảnh hưởng trên mạng xã hội". Tuy nhiên, cuộc sống của đa số những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói chung gặt hái nhiều thành công, nhưng con đường cũng không chỉ trải hoa hồng.
13 triệu euro là số tiền mà YouTuber số 1 thế giới kiếm được trong một năm. Hay chỉ với 1 bức ảnh cũng mang lại 100 nghìn euro cho một người có tầm ảnh hưởng trên Instagram ở Italy. Hai cầu thủ Đức nổi tiếng nhất trên Instagram cũng có cho mình 14 triệu fan mỗi người. Tiền tài và danh vọng hay có thể dùng cụm từ đang hot thời gian gần đây là "hào quang rực rỡ" là những cái lợi một khi ai đó trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Họ sẽ bỏ túi 1.200 euro cho mỗi bài đăng nếu tài khoản có hơn 1 triệu người theo dõi trên Instagram. Họ thường sẽ được các công ty trong ngành giải trí, y tế và du lịch mời làm đại diện. Những gương mặt này được nhận định là những tỷ phú mới nổi, nhưng tiền có dễ dàng rơi từ trên trời xuống như vậy không?
Iran Ferreira, hay còn được biết đến với cái tên Luva de Pedreiro, đã chinh phục hàng triệu người bằng các video trên mạng xã hội thể hiện kỹ năng đi bóng bằng chân và luôn đeo găng tay mỗi khi xuất hiện. Thành công nhanh chóng khiến báo giới ví anh với những ngôi sao như Neymar, Ángel Di María hay Ronaldinho Gaucho và mang về cho anh những bản hợp đồng triệu đô dù tuổi đời chỉ mới 20. Nhưng vài tháng gần đây mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
Anh Iran Ferreira - Người có ảnh hưởng, Brazil: "Tôi đã cố chơi bóng chuyên nghiệp nhưng không thể, tôi không có cơ hội. Tôi đã quá mải mê đóng quảng cáo nhãn hàng và chạy theo cái tiếng là một người có ảnh hưởng trên mạng, phong độ đá bóng của tôi đang ngày một giảm sút".
Chàng trai trẻ này nhận ra rằng công việc chính của anh là đá bóng chứ không phải quảng cáo. Vì nếu một ngày anh đá dở tệ thì điều đó cũng sút bay cả những hợp đồng quảng cáo khác nữa.
Để nổi tiếng và duy trì sự nổi tiếng thì những người có ảnh hưởng đều phải vừa sáng tạo, cẩn trọng, duy trì phong độ và quan trọng nhất là thật khôn ngoan. Vì ngày càng có nhiều quốc gia đang "siết" lại hoạt động của những "người có ảnh hưởng" nhằm bảo vệ bảo vệ người tiêu dùng và các giá trị nền tảng xã hội.
Thực tế là trẻ em, đặc biệt là thiếu niên và cả người trưởng thành dễ bị ảnh hưởng bởi các quan điểm được thể hiện mạnh mẽ trên mạng xã hội, dễ thấy nhất là từ những "Những người có ảnh hưởng". Thiếu niên thì đang trong thời kỳ lớn lên, định hình các quan điểm sống. Vậy nên, rất cần được mở rộng tầm mắt, lắng nghe nhiều chiều để hình thành các quan điểm sống tỉnh táo, lành mạnh trước những ảnh hưởng muôn hình muôn vẻ trên mạng xã hội.