Làm thế nào để cải thiện tình trạng không muốn đi làm sau khi nghỉ Tết?

Thực tế, cảm giác uể oải và chán chường trong ngày đầu tiên đi làm sau khi nghỉ Tết là chuyện bình thường.

01

Cách đây vài ngày, trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn. Bởi vì kỳ nghỉ sắp kết thúc, cô ấy cảm thấy mình nghỉ ngơi chưa đủ, nghĩ đến việc quay trở lại thành phố, phải chen chúc trên đường đi làm để chấm công đúng giờ, trong lòng cảm thấy hụt hẫng, khó chịu nên đã than thở với tôi.

Tôi nghĩ rằng bạn mình không phải là người duy nhất có cảm giác này. Đó là “hội chứng hậu nghỉ lễ”, cứ nghĩ đến việc đi học, đi làm sau thời gian nghỉ là lại cảm thấy uể oải, chán chường, lo lắng và mệt mỏi,...

Thực tế, không chỉ nghỉ lễ mà mọi người dễ có sự lo lắng này sau bất kỳ sự kiện đặc biệt nào, chẳng hạn như dự đám cưới, hoàn thành công việc quan trọng,... Điều này là do chúng ta phải trở lại cuộc sống bình thường từ các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi mới lạ và phong phú. Vì vậy mà nồng độ hormone trong cơ thể, đặc biệt là adrenaline giảm đột ngột.

Làm thế nào để cải thiện tình trạng không muốn đi làm sau khi nghỉ Tết? - Ảnh 1.

Sự uể oải, chán chường khi đi làm sau Tết là chuyện bình thường

Những thay đổi sinh lý sẽ tạo ra một chút ảo tưởng về mặt cảm giác. Ngay cả khi ngày nghỉ không vui lắm, chỉ toàn ăn với ngủ thì bạn cũng phóng đại quá mức về sự khác biệt giữa công việc và ngày nghỉ, lý tưởng hóa kỳ nghỉ và cảm thấy việc đi làm đặc biệt đau khổ. Sự thật không tệ như bạn tưởng, đây là một kiểu đánh lừa cơ thể của não bộ và là hiện tượng tâm lý rất bình thường.

Nhưng phải thừa nhận, "cú lừa" này không hề thoải mái chút nào.

02

Nếu bạn muốn thoát khỏi "hội chứng hậu kỳ nghỉ" như vậy sau Tết Nguyên đán, thích nghi với nhịp điệu cuộc sống và công việc bình thường càng sớm càng tốt thì có một vài phương pháp nhỏ dưới đây:

- Có thể đưa các yếu tố liên quan đến nghỉ lễ vào công việc một cách phù hợp

Bạn có thể mang một số thứ liên quan đến kỳ nghỉ vào công việc, để ranh giới giữa nghỉ ngơi và đi làm không quá rõ ràng đồng thời tạo cho mình một khoảng đệm tâm lý. Chẳng hạn như mang đồ ăn từ quê lên thành phố ăn thêm vài ngày, tiếp tục xem bộ phim hay đọc quyển sách đang dở dang trong kỳ nghỉ, đăng ảnh mà bạn đã chụp trong kỳ nghỉ,... Những hoạt động này cho phép bạn nhớ lại trạng thái lễ Tết trong đầu, tránh cảm giác hụt hẫng khi phải kết thúc kỳ nghỉ.

Làm thế nào để cải thiện tình trạng không muốn đi làm sau khi nghỉ Tết? - Ảnh 2.

Tạo một khoảng đệm tâm lý giúp bản thân tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi phải đi làm sau kỳ nghỉ Tết

- Chú ý nghỉ ngơi

Đột ngột chuyển từ vòng lặp chỉ ăn với ngủ sang trạng thái sinh hoạt có giờ giấc, đi làm đúng giờ sẽ không tránh khỏi sự khó chịu về mặt tâm lý. Lúc này không cần tạo áp lực quá lớn cho bản thân, khi mới quay trở lại học tập và làm việc, nếu có thể hãy sắp xếp cho mình ít việc hơn một chút. Nếu hiệu quả công việc trong những ngày này không cao như bạn tưởng tượng, đừng quá hà khắc với bản thân.

Đồng thời, hãy cố gắng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn có thể sắp xếp một số hoạt động ngoài học tập và công việc như chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè,... Đây đều là những cách giải trí giúp bạn chuyển tiếp suôn sẻ trong giai đoạn này.

- Xem những ngày cuối tuần đầu tiên trong năm như ngày nghỉ Tết

Cách đây vài ngày, trên MXH lan truyền một bài đăng có đại ý rằng còn 384 ngày nữa mới đến cái Tết tiếp theo. Ý nghĩ này có thể khiến nhiều người chán nản hơn khi quay lại làm việc. Nhưng nếu bạn coi những ngày cuối tuần đầu tiên trong năm như một dịp nghỉ lễ chính thức thì hoàn toàn có thể tự nhủ bản thân rằng lại sắp được nghỉ rồi.

Ngoài ra một số kế hoạch mới mẻ cho dịp cuối tuần đầu năm cũng sẽ mang lại những trải nghiệm mới cho cuộc sống của bạn. Bởi có nghiên cứu phát hiện ra rằng những người coi ngày nghỉ cuối tuần là nghỉ lễ chính thức thì sẽ có thời gian nghỉ ngơi chất lượng và làm việc hiệu quả hơn.

***

Miễn là bạn kiên nhẫn hơn một chút với bản thân và thực hiện các hành động giúp chuyển trạng thái suôn sẻ, "hội chứng hậu kỳ nghỉ lễ" sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực hơn. Hy vọng rằng tình trạng học tập và công việc của mọi người ngày càng tốt hơn trong năm mới!

(Nguồn: Sina)