Trong giới doanh nhân Việt, Lê Diệp Kiều Trang (sinh năm 1980) là một nữ doanh nhân nổi tiếng. Nhắc đến Kiều Trang, có lẽ không thể bỏ qua cột mốc cô cùng chồng - doanh nhân Sony Vũ sáng lập Misfit và startup này sau đó bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD năm 2015.
Sau thành công này, Kiều Trang lại đi làm cho các công ty toàn cầu. Cô giữ vị trí Giám đốc Điều hành Fossil Việt Nam, Phó giám đốc Điều hành Fossil Group rồi trở thành Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook trước khi làm TGĐ Go-Viet. Hiện tại Kiều Trang là Chủ tịch Quỹ Alabaster, chuyên rót tiền vào các giải pháp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu.
Mới đây trong một podcast với MC Quốc Khánh của chương trình Vietsuccess Growth, doanh nhân Kiều Trang đã có những chia sẻ về ngành công nghệ thông tin (Information Technology, viết tắt là IT) ở Việt Nam. Khi được MC Quốc Khánh hỏi về góc nhìn của mình về nhân sự công nghệ Việt Nam sau 10 năm, nữ doanh nhân cho biết lực lượng kỹ sư công nghệ trong nước đã phát triển lên rất nhiều.
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang và MC Quốc Khánh
Thời điểm Kiều Trang thành lập Misfit 10 năm trước, Việt Nam gần như không có team kỹ sư xây dựng sản phẩm, còn hiện tại thì rất nhiều. Điều này cho thấy chặng đường mà các kỹ sư công nghệ đi được là rất nhanh, mặt bằng lương của họ cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên theo nữ doanh nhân, năng lực của các kỹ sư công nghệ lại không tăng tương ứng:
“10 năm trước cái mức lương đó so với bây giờ có khi chỉ bằng 10% trong một số vị trí, thậm chí là chị so ở những cái vị trí ngang nhau. Năng lực của các bạn cũng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên câu hỏi là ‘Năng lực của các bạn có tăng lên 10 lần hay không?’ thì chị nghĩ là không. Năng lực của mình không tăng lên gấp 10 lần nhưng mà mặt bằng lương của mình đã tăng lên 10 lần”.
Với kinh nghiệm đầu tư vào rất nhiều công ty công nghệ, Kiều Trang nhận thấy đây là một trong những lý do khiến gần đây nhiều công ty đã bỏ qua thị trường Việt Nam, hướng đến các nước Đông Âu. “Mặt bằng lương ở Việt Nam thực ra không còn hấp dẫn nữa, bị cao so với cái năng lực của các bạn” - nữ doanh nhân nói.
Lý giải rõ hơn về hiện tượng này, Kiều Trang cho biết: “Trong 10 năm vừa rồi, thị trường nhân lực của kỹ sư công nghệ phát triển quá nóng, có nghĩa là nhiều công ty cùng vào nên cùng đẩy mức lương lên chỉ để giành được các kỹ sư về với mình. Tuy nhiên bao nhiêu công ty trong đó sẽ dành cái thời gian đầu tư cho những con người này? Những con người này trong 10 năm vừa rồi có giỏi hơn về mặt công nghệ không? Hay là họ chỉ xây dựng những cái mà họ đã làm từ 10 năm về trước hoặc làm được nhiều hơn một xíu? Những con người này trong 10 năm vừa qua họ đã trưởng thành lên vị trí quản lý rồi nhưng năng lực quản lý của họ có cao không? Hay là họ vẫn còn quản lý theo cách tự phát vì không ai chỉ cho họ?
Chưa kể là 10 năm sau đó thì những con người này có khả năng xây dựng đội ngũ hay không? Tại vì các bạn lên vị trí quản lý rồi thì là doanh nghiệp, chị sẽ kỳ vọng các bạn có thể tuyển thêm những kỹ sư nhỏ hơn, làm việc dưới mình. Chị cho là có khá ít các kỹ sư với một mức lương cao như vậy có thể đáp ứng được những nhu cầu này”.
Kiều Trang cho rằng hiện tại, kỹ sư công nghệ ở các nước Đông Âu không chỉ mạnh về khoa học mà tiếng Anh cũng rất khá, thành quả công việc của họ sẽ tương xứng với mức lương hơn. “Kỹ sư Việt Nam nhiều bạn giỏi vẫn còn rất lười học tiếng Anh, nếu như vậy thì làm với team quốc tế rất khó. Các bạn kỹ sư giỏi cũng rất lười phát triển những kỹ năng để quản lý. Các bạn có thể ngồi một góc xây dựng những sản phẩm rất hay nhưng mà một ngày cũng chỉ có 24 tiếng thôi, các bạn không thể làm được sản phẩm lớn được. Vì vậy để làm một sản phẩm lớn phải dùng rất nhiều người khác nhau. Trong khi đó cùng một kỹ sư như vậy ở Đông Âu mức lương của họ hợp lý hơn, năng lực của họ có thể làm ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều”.
Cuối cùng, nữ doanh nhân khẳng định lương tăng là một điều đáng mừng, đem lại cho Việt Nam rất nhiều nguồn lực, là phần thưởng xứng đáng cho giới trí thức nhưng cô cũng muốn nhắc mọi người đừng ngủ quên trên chiến thắng. Vì nếu không theo kịp với các năng lực, kỹ năng khác của người quản lý thì trong vòng 5 năm và 10 năm tới, cơ hội sẽ đi về Đông Âu vì thị trường Việt Nam sẽ không còn hấp dẫn các công ty, nhà đầu tư nữa.