Bên cạnh theo đuổi các xu hướng sống, hình thức giải trí, cập nhật các giá trị văn hóa mới mẻ thì người trẻ hiện nay vẫn rất hứng thú với những giá trị truyền thống của Việt Nam ngày trước. Chẳng hạn ở TP HCM giới trẻ rủ nhau săn vé đến thưởng thức kịch nói, ngồi đông ở dưới khán đài của các đoàn lô tô, kéo nhau ra công viên tập khiêu vũ trền nền bản nhạc vàng... Ở Hà Nội, các bạn cũng rủ nhau xem chèo, xem hát xẩm, đi tour đêm Hoàng Thành Thăng Long để trải nghiệm văn hóa lịch sử xưa...
Trào lưu tìm lại trải nghiệm các dịch vụ, hình thức giải trí, bộ môn văn hóa nghệ thuật xưa phổ rộng ở các mảng từ ăn uống quán lâu đời, làm đẹp ở tiệm tóc bình dân, đến học các kỹ năng mềm. Chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1973, Hà Nội) đang dạy bộ môn tỉa hoa truyền thống của Hà Nội xưa cho biết: "Có rất nhiều bạn trẻ từ sinh viên, dân văn phòng, chủ doanh nghiệp... hứng thú với bộ môn tỉa hoa đu đủ chẻ cánh lắm. Khi chị nhận dạy ở quán cà phê thì lớp đông kinh khủng, chị thấy các bạn trẻ rất quan tâm, hỏi học bộ môn này rất nhiều. Đa phần học viên của chị hiện tại là nữ, gồm các cô lớn tuổi, những bạn đã đi làm ổn định, nhưng bên cạnh cũng có các bạn trẻ đăng ký học".
Người gìn giữ bộ môn nữ công tinh hoa của phụ nữ Hà Nội xưa
Chị Thu kể, giống như nhiều gia đình Hà Nội những năm 1980, chị được mẹ cho đi học một trường trên phố Bà Triệu về lớp nữ công tinh hoa. Trường sẽ dạy rất nhiều bộ môn nữ công cho phụ nữ thời đó nhưng chị thích nhất là bộ môn tỉa hoa đu đủ chẻ cánh.
Chị Nguyễn Thị Thu (Bình An).
"Thời đấy ở Hà Nội, cứ đám cưới, sinh nhật hay tiệc tùng gì thì sẽ có những bông hoa đu đủ chẻ cánh bày trang trí thay hoa tươi như bây giờ. Bộ môn cắt tỉa hoa quả là của Thái Lan, còn phương pháp hoa chẻ cánh này là của Việt Nam mình. Dụng cụ để làm thô sơ hơn nhiều, chỉ cần một chiếc dao chẻ cau, đũa, tăm, kéo, màu nhuộm thực phẩm và quả đu đủ.
Công đoạn làm ra một bông hoa cũng đơn giản, bước đầu tiên là dùng dao chẻ cánh, sau đó dùng kéo sửa cánh. Tiếp theo mình sẽ ngâm hoa vào nước, uốn cánh bằng đũa, tạo vân bằng tăm rồi ngâm vào phèn chua để định hình bông hoa và mang ra tô màu."
Khi rời nước sang Nga sống, chị Thu vẫn giữ niềm đam mê tỉa hoa khi còn là thiếu nữ Hà thành. "Tuy nhiên, ở Nga không có đầy đủ điều nên chị lại nghiên cứu về tỉa dưa hấu, bộ môn cắt tỉa hoa quả từ Thái Lan. Sau 15 năm trở về nước, chị tham gia sinh hoạt vào một câu lạc bộ tỉa rau, củ, quả ở Hà Nội và khi ấy chỉ có duy nhất chị là tỉa các hoa bằng đu đủ ở triển lãm, dùng toàn bộ là phương pháp chẻ của Việt Nam. Từ lần "gặp lại" đam mê hồi ấy, chị bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu bởi vì một phần tự hào của dân tộc là mình theo đuổi bộ môn của Hà Nội, của Việt Nam mình, đến nay cũng được 10 năm".
Một số tác phẩm của chị Thu.
Xu hướng học tỉa hoa không chỉ vì mê cái đẹp mà còn giúp "thiền chữa lành"
Thoạt nghe qua tỉa hoa bằng đu đủ khá nhiều người sẽ nghĩ đây là một kỹ năng trong lĩnh vực ẩm thực, tỉa hoa bằng rau củ quả, nhuộm màu thực phẩm để trang trí trong các bàn tiệc cho bắt mắt, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên hiện tại, đây là bộ môn được khá nhiều người gặp áp lực trong cuộc sống, một số vấn đề về tâm lý học để cải thiện sức khỏe tinh thần.
"Ban đầu chị chỉ thấy đơn giản là những nỗi buồn hay nỗi đau của mình cứ thế nguôi ngoai đi khi mình ngồi tỉa hoa. Sau này khi những học viên họ có theo thiền chia sẻ với chị đây là phương pháp thiền tương tự, khi chị mang những bông sen đã tỉa vào trong chùa thầy trụ trì ngắm bông hoa và thầy nói môn tỉa hoa này chính là một "phương pháp thiền cao cấp". Khi nghe, chị xâu chuỗi lại rất nhiều học viên đến với bộ môn này đa phần đang có khá nhiều áp lực trong cuộc sống. Lớp chị có rất nhiều đối tượng, học sinh, sinh viên, giáo viên hoặc chủ doanh nghiệp... họ bị áp lực cuộc sống với các vấn đề khác nhau và tìm đến môn này để vui, để có những giờ phút thả lỏng tinh thần".
Một số tác phẩm của chị Thu.
Anh Tuấn, trải nghiệm lớp học tỉa hoa đu đủ chẻ cánh chia sẻ rằng tỉa hoa không chỉ là làm một thứ trông đẹp mà thực sự là một phương tiện "thiền chữa lành". Quan sát từng bước đi của dao để thành hình từng cánh một, thật chậm như là tỉnh thức, chánh niệm trong mỗi hành động. Khi dành cho mình những giây phút tĩnh lặng, uốn từng cánh hoa mong manh, thấy lòng yên thì ấy là lúc mình tự chữa lành cho mình, cho những dậy sóng trong lòng và xô bồ trong đời.
Một học viên nữ trẻ tuổi của chị Thu cũng thích thú: "Ai muốn xoa dịu tâm hồn, tự chữa lành những tổn thương hay đơn giản là tìm cho mình một đam mê, đủ duyên thì có thể tìm đến lớp của cô. Tiếng nhạc thiền nhẹ nhàng, không gian thoáng, đặt tâm mình vào từng cánh hoa, muộn phiền vơi bớt đi nhiều. Vì thế mà lớp học của cô có nhiều lớp tuổi lắm, mình luôn cảm thấy biết ơn cô thật nhiều".
Phần lớn học viên của lớp là chị em phụ nữ ở nhiều độ tuổi.
Những ai biết đến lớp của chị đều gọi bộ môn tỉa hoa đu đủ là nghệ thuật “tỉa hoa tiên". Theo như chị Thu giải thích, về kỹ thuật thì chỉ dùng một phương pháp chẻ cánh thôi nhưng sẽ uốn ra được hàng chục loại hoa khác nhau. Về giá trị tinh thần, bộ môn có khả năng xoa dịu được nỗi đau, nỗi buồn, giúp người tỉa bình tâm, mang lại niềm vui và sự thư thái.
"Ở mỗi một loại hoa sẽ học được một cái chữ áp dụng trong cuộc sống của mình. Nói đơn giản, ví dụ khi chị chinh phục được hoa cúc, chị sẽ học được chữ "nhẫn". Khi mình cắt chẻ từng lát cánh, chỉnh từng cánh cúc mà bông hoa hàng chục, hàng trăm cánh cúc thì sẽ rèn được chữ "nhẫn", nếu mình vượt qua được chuyện nản chí. Khi mọi người uốn được cánh hoa sen, nét đẹp của hoa sen khi xoã xuống cảm giác lại rất "an"...".
Cũng chính vì những giá trị tinh thần mà nó mang lại, có khi chị Thu lại chào đón một học viên từ Thái Nguyên lặn lội đến lớp, có khi vào TP HCM chơi lại có duyên gặp gỡ học trò ở Gò Công, miền Tây.
Tác phẩm tỉa hoa sen của chị Thu.
"Nếu là trào lưu thì rất mong có thể duy trì mãi"
Chị Thu luôn mong muốn có thể tạo một không gian cho mọi người giải tỏa tinh thần
"Thực ra hoa đu đủ chẻ cánh có tính dụng rất cao, ngoài các giá trị mang lại cho tinh thần còn là hữu ích cơ bản trong trang trí bàn tiệc cưới, sinh nhật đến cắm lẵng hoa để bàn, làm hoa để thắp hương, dâng chùa chiền...
Ai cũng có thể bắt tay vào thử bộ môn tỉa hoa này, vì chương trình học không cần phải theo lâu dài hay có tiến trình tiếp nối, ở mỗi buổi học viên sẽ học tỉa được một loại hoa luôn".
Vì các học viên trẻ ở lớp chị Thu cũng ổn định và sự quan tâm ngày càng gia tăng, đây là một tín hiệu đáng mừng.
"Chị nghĩ có duyên với nghề là may mắn của chị, nên chị phải có nghĩa vụ gìn giữ và phát huy những truyền thống của phụ nữ Hà Nội ngày xưa. Với một điểm nữa chị thấy ở các nước khác đều theo đuổi nghệ thuật cắt tỉa hoa quả của họ, trong khi ở Việt Nam mình cũng có thì sao mình phải tìm ở đâu, mình cũng có thể học để vận dụng, phát huy nghệ thuật tỉa hoa của nước mình.
Trong tương lai, chị cũng muốn thực hiện một cuốn sách để lưu lại, hướng dẫn bộ môn nữ công tinh hoa truyền thống này".