- Sống ảo, chơi game, dùng app thì giỏi đấy, mà đụng đến cái máy in, máy fax thì lại chịu?
- Đi làm đòi chế độ này đãi ngộ nọ nhưng những kỹ năng văn phòng cơ bản nhất đôi khi nắm còn chưa vững? Liệu có xứng không!
- Chưa biết dùng máy in thì quay về trường học lại rồi nộp hồ sơ lần tuyển dụng sau em nhé.
Đó là suy nghĩ dễ gặp ở những người đã đi làm lâu năm, khi đánh giá về kỹ năng sử dụng thiết bị văn phòng của những nhân viên mới vào công ty. Bởi đã có hàng loạt các câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra với nhóm bạn trẻ này khi đụng đến nghiệp vụ văn phòng như photocopy, scan tài liệu, đánh fax,...
Người gật gù đồng tình: Đi làm mà không biết những điều cơ bản như dùng máy in, máy photo thì... không đáng mặt. Nhưng có người lại giật mình bảo: Ơ hay, vì công việc không hay liên quan đến các nghiệp vụ văn phòng cơ bản nên mới không biết, chứ học thì cũng dễ thôi mà, có gì phải nâng cao quan điểm như thế!
Còn những người trong cuộc, từng có những cuộc "va chạm" với kỹ năng văn phòng - họ nghĩ gì về chuyện thành tạo kỹ năng sử dụng các thiết bị này?
Làm trái ngành bị cho nghỉ việc vì không có kỹ năng dùng máy photo
Phương Thảo (24 tuổi, chuyên viên Phân tích dữ liệu) từng là sinh viên ngành kinh tế, nhưng khi ra trường thì ba mẹ bắt làm nhân viên văn phòng cho ổn định, rồi lấy chồng. Khi đó cô nàng cũng chẳng suy nghĩ nhiều mà chấp nhận vị trí ba mẹ lo cho.
Thảo vào một công ty và mạnh dạn đề xuất mức lương 9 triệu/tháng. Sếp vui vẻ đồng ý vì hồ sơ đẹp. Tuy nhiên, làm được 1 tháng thì Thảo nhận lại câu nói: "Đòi mức lương 9 triệu, trong khi cái báo cáo làm không ra hồn, máy photo thì không biết xài. Áp lực một xíu là than!".
Thảo bị cho nghỉ việc vì đánh giá là thiếu kỹ năng văn phòng.
Tập trung vào trau dồi chuyên môn, không cần thiết phải ôm đồm quá nhiều thứ. (Ảnh minh họa Pinterest)
Kể ra câu chuyện này, Thảo muốn chia sẻ rằng đôi khi bạn bị chê thiếu kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu công việc là vì bạn đang chọn 1 nghề không hề phù hợp với mình. Thay vì cảm thấy sốc, tổn thương hay cảm thấy tự ti thì hãy trau dồi thêm và cách tốt nhất là tìm một vị trí đúng so với năng lực của mình.
Thảo đã tìm được 1 công việc phù hợp hơn ở hiện tại. Cô cho biết có thể kiếm được 15-20 triệu/tháng mà không cần biết sử dụng máy photo, máy in,... Mà thay vào đó, Thảo phải thành thạo về excel, các loại app phân tích, công nghệ,...
"Hiện tại mình theo đuổi đúng chuyên môn về mảng phân tích dữ liệu của một công ty chuyên bán lẻ khá lớn. Tại đây sẽ có một bộ phận chuyên làm những việc liên quan để xử lý dữ liệu và cần sử dụng thành thạo các loại máy văn phòng. Vậy thì ở những bộ phận, phòng ban khác không nhất thiết phải học điều này", Thảo cho biết.
Phương Thảo tổng kết lại kinh nghiệm mình từng trải qua: "Thế nên ở đây ý mình nói, chỉ cần tập trung vào đúng chuyên môn của mình là tốt nhất. Còn những kỹ năng liên quan nếu cần thiết hãy học, không nên quá ôm đồm nhiều thứ để rồi gì cũng biết nhưng không giỏi".
Mỗi vị trí có một thế mạnh riêng, đừng cái gì cũng gọi tên "Gen Z"
Còn với Sang (26 tuổi, Thiết kế đồ họa, TPHCM) thì anh chàng có suy nghĩ: "Không phải cứ nhắc tới văn phòng là dính tới máy fax, máy in. Mỗi một vị trí trong công ty đảm nhận vai trò khác nhau. Nếu công việc không yêu cầu phải sử dụng các thiết bị đó thì việc bạn thành thạo ngay trong lần đầu là điều khá khó. Nhưng nếu như ngược lại, bạn bắt buộc phải học hỏi cách dùng nếu đảm nhiệm việc photo tài liệu, gửi fax cho khách hàng,... vì đơn giản nó phụ thuộc vào tính chất công việc mà cá nhân đó theo đuổi. Không đánh đồng bất cứ gen nào".
Sang (26 tuổi, Thiết kế đồ họa, TPHCM)
Sang không thích cứ việc gì tiêu cực là lại nhắc tới cụm từ "Gen Z" vì cậu cảm thấy thế hệ nào cũng có người này người kia. Không phải cứ anh chị 8x, 9x là giỏi việc văn phòng, hay các em 2k thì kém:
"Đây là kinh nghiệm và kỹ năng của từng cá nhân nên không thể gộp chung lại.
Như bản thân mình, từ khi ra trường đến nay đều làm các công việc liên quan đến thiết kế. Những việc này không yêu cầu sử dụng máy photo, fax, in, scan hay excel, word gì hết. Mà thay vào đó sẽ có một bộ phận riêng chịu trách nhiệm về việc này. Dù không biết làm những nghiệp vụ kia nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hiệu suất công việc hay đánh giá của sếp. Biết sử dụng những chiếc máy kia chỉ là phần rất nhỏ thôi. Nó phụ thuộc vào tính chất công việc mà mọi người ứng tuyển nên mình không đánh đồng".
Sang cũng gói gọn ý kiến của mình, rằng nếu công việc yêu cầu điều gì thì phải cố hết sức để làm tốt nó, chứ không cần biết những thứ không liên quan. Vấn đề này theo Sang cũng không liên quan tới Gen Z hay Y gì cả, vì nó là vấn đề chung của tất cả các thế hệ!
Kỹ năng quan trọng nhất là không ngừng học hỏi
Như Sang hay Thảo, cả hai đều không thành thạo sử dụng một số thiết bị văn phòng, tuy nhiên, họ buộc phải mở rộng/ đa dạng hoá danh mục "kỹ năng mềm" của mình bằng những kỹ năng khác. Mục tiêu cuối cùng là: Hoàn thành công việc được giao.
Thế mới nói, kỹ năng quan trọng nhất khi đi làm không phải là kỹ năng sử dụng 1 chiếc máy mà là kỹ năng ham học hỏi. Vì sao?
Trương Kiệt (30 tuổi, Quản lý ngân hàng) trả lời: "Việc các bạn trẻ mong muốn nhận lương cao, môi trường tốt thì đồng nghĩa phải có khả năng. Một trong số đó là không ngừng học hỏi và trau dồi các kỹ năng cần thiết. Kỹ năng văn phòng cũng vậy, ai rồi cũng cần học. Kỹ năng đơn giản thì học nhanh, khó thì tốn thì giờ. Nhưng cứ mang trong mình một tinh thần ham học hỏi vẫn hơn, trước hết là tốt cho mình, sau đó là tốt cho tập thể!".