Câu chuyện quản lý chi tiêu vốn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là trong thời điểm người người nhà nhà đang sống trong cơn "bão" giá như hiện nay. Không chỉ là những cặp vợ chồng có con nhỏ mới chật vật trong vấn đề cân đối chi tiêu, mà ngay cả những người trẻ còn độc thân, thu nhập khá cũng đang loay hoay tìm hướng giải bài toán "tiêu khéo chi khôn".
Làm việc ở một công ty về lĩnh vực kỹ thuật số ở Hà Nội, thu nhập của anh Sang (30 tuổi, độc thân) rơi vào khoảng 13-15 triệu đồng tùy tháng, thỉnh thoảng có tháng được 17 triệu đồng. Đây là mức thu nhập không thấp. Khi được hỏi, mỗi tháng tiêu hết bao nhiêu % thu nhập, anh Sang thẳng thắn cho biết: "Mình tiêu hết sạch, không dư đồng nào".
Là đàn ông nên cũng ngại ghi chép tỉ mỉ, anh Sang chỉ liệt kê được một số khoản chi cố định mỗi tháng như:
- Thuê nhà: 3 triệu đồng.
- Ăn uống: 3 - 4 triệu đồng.
- Trích ra đầu tư: 3 triệu đồng.
Số tiền còn lại, anh Sang chủ yếu dùng để mua sắm quần áo, đồ công nghệ, "thấy gì hay hay thì mua" và đi cafe, gặp gỡ bạn bè, đi đám cưới, đi lại về quê.
"Mình cũng ít đi tụ tập bạn bè hay ăn uống sang chảnh lắm, về quê cũng ít. Buổi tối thường mình đi làm đến 19h mới về đến nhà, lười nấu nướng nên mình hay ăn ngoài hàng. Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp rủ thì mới đi ăn lẩu một bữa thôi. Mình chưa có bạn gái nên không đi hẹn hò gì", anh Sang kể thêm.
Anh Sang không lên kế hoạch chi tiêu cho bản thân mà chỉ chi theo nhu cầu và thấy rằng những khoản đó đều là cần thiết. Nhận lương tháng nào, anh Sang tiêu hết tháng đó, nếu phát sinh nhiều vấn đề, anh còn phải vay thêm. Chàng trai này không nắm rõ mình đã tiêu cụ thể những gì.
Về khoản tiền trích ra dùng để đầu tư mỗi tháng, anh Sang đã duy trì được nửa năm nay. Thời gian đầu anh đầu tư nhiều hơn, tính đến hiện tại tổng khoản đầu tư này là khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Ban đầu khoản đầu tư có sinh lời, nhưng đến hiện tại thì lại đang bị lỗ. Dẫu vậy, anh Sang vẫn muốn duy trì việc đầu tư để đợi hồi phục chứ không muốn từ bỏ. Lên Thủ đô làm việc đến nay đã được 4 - 5 năm, anh Sang vẫn chưa để ra được một khoản tiền tiết kiệm nào.
Thời gian gần đây, anh bắt đầu suy nghĩ đến việc tính toán để có thể lập một quỹ dự phòng, phòng khi đau ốm hay tích góp lo cho tương lai. Tuy nhiên vì hay có những khoản phát sinh, tiệc tùng nên đến giờ anh vẫn chưa lập được quỹ. Một phần nữa do lương không được trả hết một lần mà trả rải rác thành nhiều lần trong tháng nên nam thanh niên này khó tiết kiệm.
Nghĩ về tương lai, anh Sang cũng có chút lo lắng vì sau này khi lập gia đình, chắc chắn sẽ có thêm nhiều khoản cần phải chi. Để giải bài toán khó, chàng trai này chia sẻ sẽ chọn cách tìm hướng để có thể tăng thêm thu nhập trong thời gian tới, thay vì tính toán tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu.
Theo anh Sang, chỉ có tăng thu nhập mới giúp anh duy trì cuộc sống thoải mái, tăng khả năng tích lũy cho tương lai.
Ảnh: NVCC