Cảnh báo: Nội dung bài có thể tiết lộ trước một phần nội dung phim.
Trong buổi ra mắt Mai, Trấn Thành cho biết đây không hẳn là một bộ phim về tình yêu, hay nói cụ thể hơn là “tình yêu” theo nghĩa hẹp mà một số người hình dung ban đầu. Mai là một bộ phim về tình yêu, nhưng không chỉ về tình yêu lãng mạn giữa Mai và Dương. Tình yêu lớn hơn như vậy nhiều. Tình yêu lãng mạn cũng nằm trong tình yêu lớn nhất này: Tình yêu cuộc sống.
Yêu bản thân rồi mới có thể yêu người khác
Lời nói đạo lý này có lẽ chúng ta đều từng nghe nhiều lần, nhưng bạn đã thực sự có thể hiểu và thấm thía nguyên lý căn bản của cuộc sống này chưa?
Trấn Thành và Bình Bồng Bột đã dần dần bóc từng tầng tổn thương của Mai theo tuyến thời gian trong phim. Chúng ta biết về những khó khăn và nỗi đau mà cô ấy trải qua trong 37 năm một cách từ từ: ban đầu là việc cô vất vả ra sao khi làm mẹ đơn thân khi còn trẻ, cô có một ông bố liên tục nợ nần, cô có công việc hay bị người đời hiểu lầm. Bi kịch được đẩy lên dần dần đến cuối thì bùng nổ. Ở mâu thuẫn cuối cùng, lớp tổn thương sâu kín nhất, đau thương nhất, bi kịch nhất của Mai mới được (bị) bày ra.
Nỗi đau trần trụi này khiến người xem bị ngợp, bị khó chịu vì phải tự hỏi: tại sao biên kịch lại phải hành hạ số phận người phụ nữ này đến thế?
Nhưng nhất định là phải thế.
Dù đây có phải là thủ pháp làm phim đẩy tình tiết lên cao trào hay không, Mai cũng phải đối mặt với những tổn thương của mình. Cô phải nhìn trực diện vào nó, ôm ấp nó, mới có thể chữa lành nó mà bước tiếp. Đó là lối thoát duy nhất. Việc để những tổn thương chìm dưới đáy biển suốt hàng chục năm không giúp Mai xóa chúng đi được. Chỉ có cách là lôi chúng lên bờ, khóc thét vì đau đớn, đối mặt đến tận cùng với cảm xúc trong mình, Mai mới có thể làm lành với quá khứ, làm lành với chính mình.
Cô ấy tên Mai, họ Mai, nhưng như nhân vật tự nói vào 4 năm trước: “Có lẽ hạnh phúc của em cũng giống như ngày mai vậy, là thứ không bao giờ đến”.
4 năm sau, không biết hạnh phúc đã đến với Mai chưa, khi cô đã lột xác trở thành một người phụ nữ giỏi giang và thành đạt, có cuộc sống bình yên an ổn hơn xưa rất nhiều. Có lẽ là chưa hẳn, vì có một mảnh ghép quan trọng trong lòng Mai vẫn chưa thể lấp đầy: Dương đã không đợi cô.
Dẫu vậy, Mai vẫn cảm ơn Dương vì đã không đợi cô. Lời cảm ơn của Mai là thật lòng, vô cùng thật lòng. Vì dù rơi nước mắt, nhưng cô có thể buông bỏ được anh thật sự, vì cô đã yêu anh bằng tình yêu thật sự, mà tình yêu thật sự nghĩa là mong người mình yêu hạnh phúc, dù có bên cạnh mình hay không.
Mai là người phụ nữ không được ông trời yêu thương, vậy nên cô đã tự yêu thương chính mình. Trải qua quá nhiều biến cố xé nát tâm can trong cuộc đời, Mai vẫn sống tiếp, và sống ổn, sống tốt.
"Cố gắng sống hạnh phúc kiếp này đi đã. Chắc gì kiếp sau đã được làm người"
Dù cuộc đời không đẹp, thường xuyên không đẹp, nhưng chúng ta vẫn có thể thiết tha yêu cuộc đời này. Có như vậy, đi qua được hết thảy bão giông, mới nhìn thấy vẻ đẹp thật sự ở cuối đường hầm. Đó là cái cách mà nhân vật Mai đã sống.
Bởi vì dù khó khăn là thế, Mai vẫn sống tiếp cuộc đời của mình.
Gần 40 tuổi, trên vai đầy gánh nặng, Mai vẫn muốn yêu và dám yêu. Dù liên tục kiệt quệ lo trả nợ cho ông bố cá độ, mang nỗi tự ti làm mẹ đơn thân, bị người đời ghét bỏ vô cớ, cô vẫn dám sống cho mình.
Nhưng mà Mai không phải là người duy nhất đã yêu chính mình và yêu cuộc đời, dám dũng cảm sống tiếp cuộc đời mình, dám sống cho mình trong phim.
Sâu (Dương) là một hoàng tử đích thực trong vòng tay mẹ. Nhưng sâu vẫn muốn phá kén hoá thành bướm và đã dám làm như vậy. Dương bỏ nhà ra đi để thoả ao ước bay. Hành động anh quyết trả lại mẹ hết thẻ ngân hàng, cãi lời mẹ để ở bên Mai không chỉ để chứng tỏ anh yêu Mai, mà còn chứng tỏ anh dám sống theo trái tim của mình.
Mẹ của Dương đã sống cả đời vì con. Bà hy sinh thanh xuân và khao khát tình yêu bình thường của một người phụ nữ vì con, hoặc cho rằng như vậy là vì con. Nhưng sau cùng, bà đã hét lên bảo thằng con trai quý hoá hãy trả lại thanh xuân cho mình. Bà cũng khao khát được sống cho mình.
Bình Minh - con gái Mai là một đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khó và không có cha. Có lẽ vì vậy mà Bình Minh mới hiểu chuyện đến thế dù còn rất nhỏ. Em sống nội tâm, mang đầy “không khí” của một đứa trẻ đầy tổn thương. Nhưng Bình Minh là con gái của Mai, nên tất nhiên em cũng giống như Mai, vô cùng dũng cảm. Bình Minh thoải mái dám công khai tính hướng của minh, dám theo đuổi ước mơ âm nhạc, dám cắt tóc ngắn, làm một đứa trẻ “giới tính không rõ ràng” một cách đầy tự hào. Bình Minh cũng đã dám sống cuộc đời của chính mình.
Người phụ nữ đanh đá không có tên trong khu tập thể luôn bênh vực Mai là người “dám sống” nhất theo biểu hiện bên ngoài. Cô chỉ nói vài lời suốt gần 2 tiếng phim, nhưng lời nào cũng là lời thật lòng. Giống như Mai, cô cũng bị ghét vì bị người ta hiểu nhầm là làm gái. Cô hoàn toàn không đếm xỉa và sẵn sàng lên tiếng chửi bới bất kì ai động đến mình. Xù xì, có phần quá thật, nhưng thử hỏi mấy ai trên đời này dám dũng cảm một cách trực tiếp đến vậy?
"Làm con gái đã thiệt thòi rồi em ạ, Cố gắng sống hạnh phúc kiếp này đi đã. Chắc gì kiếp sau đã được làm người", một lời thoại ý nghĩa đi thẳng vào tim của người phụ nữ không tên dành cho Mai và có lẽ cũng dành cho tất cả những người đến với bộ phim.
Dù vẫn đầy khiếm khuyết, nhưng mỗi một nhân vật trong Mai đều rất đời, đều là người bình thường khao khát những mong muốn bình thường. Và bằng cách này hay cách khác, họ đều đang cố gắng sống với gương mặt thật sự của mình và đương đầu với những bi kịch cá nhân của bản thân.
Dù khó khăn là thế, họ vẫn sống tiếp cuộc đời của mình.
Tôi tự chăm sóc bản thân, tự viết tiểu sử của mình, lần nữa đọc lên chính mình.
Nhưng mà Mai và các nhân vật trong phim không phải là người duy nhất đã yêu chính mình và yêu cuộc đời, dám dũng cảm sống tiếp cuộc đời mình, dám sống cho mình.
Tôi tin là tất cả chúng ta, ai cũng vậy.