Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc

Trầm cảm sau sinh ngày càng phổ biến và là ''quả bom'' khó nhận biết.

Có những thời điểm trong cuộc sống, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn. Chỉ cần một câu nói thoáng qua của ai đó chưa thật sự tinh tế, cũng đủ khiến ta cảm thấy tổn thương sâu sắc. Một thái độ mang dáng vẻ của sự chê bai so sánh, cũng đủ khiến ta nấc nghẹn vì sự uất ức chực trào.

Sau sinh nở, sự nhạy cảm ấy tăng lên gấp nhiều lần. Trong những thời điểm tâm trạng không tốt, lại phải nghe những câu nói như: “Sao các cụ, các mẹ ngày xưa đẻ cả chục đứa vẫn nuôi con lớn phổng phao có bao giờ thấy ốm đau gì đâu”, "Làm như 1 mình mình biết đẻ", “Kiểu này là do không chuẩn bị trước khi mang thai hoặc mang thai ngoài ý muốn nên mới vậy”... những người mẹ trẻ như bị dìm sâu trong dưới đáy vực tiêu cực, họ hoài nghi về năng lực của bản thân, cảm thấy vô cùng tệ hại.

Trầm cảm sau sinh bắt đầu như vậy!

Thực tế, trầm cảm sau sinh đang ngày càng phổ biến nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng về bệnh lý này. Theo nghiên cứu của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), cứ khoảng 8 phụ nữ sau khi sinh sẽ có 1 người mắc chứng trầm cảm. Các ước tính về số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng bởi trầm cảm sau sinh khác nhau theo độ tuổi, dân tộc, nơi sống.

Để cùng tìm hiểu về giai đoạn khó khăn của những người mẹ sau khi “vượt cửa tử”, chúng tôi đã trò chuyện cùng 3 nhân vật đồng thời cũng là 3 người mẹ, để lắng nghe những trải nghiệm, hiểu biết thực tế của họ về vấn đề: Trầm cảm sau sinh.

Không lý giải được tại sao mình lại có những suy nghĩ như vậy trong đầu

Liên Nguyễn (26 tuổi) - làm việc trong lĩnh vực truyền thông, vừa bắt đầu hành trình làm mẹ được 4 tháng. Lần đầu gánh trên vai một “nhiệm vụ mới”, Liên Nguyễn thừa nhận bản thân gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ từ tâm lý đến kinh tế trước khi mang thai nhưng những thay đổi khi đón thêm thành viên mới khiến một người trẻ như Liên bối rối, thậm chí áp lực.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 1.

“Thú thật, có những lúc mình căng thẳng vì con khóc mà dỗ mãi không được. Những lúc như vậy, mình cảm thấy bất lực, chỉ biết ôm con rồi hai mẹ con cùng khóc. Hay có những khi bất đồng quan điểm trong cách nuôi con giữa các thế hệ, người bảo làm này, người bảo làm kia khiến mình càng thêm áp lực.

Đôi khi, chỉ một câu nói vô tình thôi nhưng cũng luôn đeo bám trong đầu mình. Đã có lúc, mình có những suy nghĩ và hành động tiêu cực vì cảm thấy tủi thân, không được yêu thương. Ngay lúc đó, mình không lý giải được tại sao mình lại có những suy nghĩ như vậy trong đầu”, Liên Nguyễn trải lòng.

Còn đối với chị Ngọc Diệp (32 tuổi) được nhiều bạn trẻ biết đến với kênh YouTube Loveat1stshinetv, đã là mẹ của 2 em bé cho biết bản thân may mắn khi chưa từng bị trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, chị cũng trải qua giai đoạn “baby blue” - tâm trạng bế tắc, buồn chán sau khi sinh con khoảng 2 tháng.

Lý giải về điều này, chị cho hay: “Khi đó, hormones của mình thay đổi nên chính bản thân không thể tự chủ được các cảm xúc. Việc có một em bé mới xuất hiện trong đời, đảo lộn mọi nếp sinh hoạt hàng ngày, luôn quấy khóc và phụ thuộc vào mình cho mọi nhu cầu từ nhỏ nhất, cộng thêm việc thể trạng chưa hoàn toàn bình phục, đau đớn mỏi mệt toàn thân, sau sinh thực sự là một khoảng thời gian không dễ để cân bằng.

Chính người mẹ cũng rất bất lực trước những thay đổi mới này, nên cần được giúp đỡ, hỗ trợ, san sẻ cả về công việc lẫn cân bằng cảm xúc. Nếu thiếu đi sự giúp đỡ đó, lại còn bị chỉ trích, nhận xét thường xuyên, họ sẽ cảm thấy rất tổn thương, dễ cảm thấy mất động lực, mất giá trị, không nhận ra được những thứ vui vẻ hạnh phúc mà chỉ thấy cô đơn, kém cỏi, tiêu cực, dễ trầm cảm vô cùng”.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 2.

“Mình cũng biết những trường hợp tệ nhất có thể tới mức mẹ tự muốn kết thúc cuộc đời mình, hoặc cùng con kết thúc cuộc đời luôn. Tệ gần nhất thì là trầm cảm dai dẳng kéo dài tới suốt cuộc đời, khó gắn kết với con, cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, hôn nhân, gia đình triền miên, tái đi tái lại”, chị Ngọc Diệp nói thêm.

Đừng đưa thời các cụ, các dì ra để gây áp lực lên mẹ trẻ

Không chỉ sự xuất hiện của đứa trẻ mới khiến người mẹ cảm thấy căng thẳng, dễ trầm cảm - sự tác động độc hại của những người xung quanh (thường là người lạ) cũng khiến mẹ trẻ dễ rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, suy nghĩ, tự đổ lỗi cho chính mình.

Đó thường đến từ những câu nói mang tính chất so sánh: so sánh con nhà người ta, so sánh thế hệ, so sánh đủ điều!

Đối với chuyện này, chị Trinh Phạm (31 tuổi)nổi tiếng trong giới làm đẹp, sở hữu kênh YouTube triệu người theo dõi, và là mẹ của một em bé 3 tuổi khẳng định: Mọi so sánh đều là khập khiễng, hơi vô lý khi đưa chuyện này đặt lên bàn cân hoặc đơn giản là họ không hiểu về trầm cảm sau sinh.

“Thời nào cũng có áp lực. Hiện tại, áp lực rất khác so với khi xưa, mình khó có thể so sánh. Khi trở thành người mẹ rồi, mình nhận ra không có khuôn mẫu, công thức chung cho việc làm mẹ. Thế nên, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người, điều kiện sinh hoạt, sức khoẻ tinh thần sẽ dẫn đến việc bị trầm cảm sau sinh hay không”, chị Trinh Phạm chia sẻ.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 3.

Chị Ngọc Diệp cũng có cùng quan điểm trên. Áp lực của phụ nữ sống trong thời hiện đại không hề nhỏ và mỗi thời mỗi khác, xin đừng so sánh!

“Phụ nữ hiện đại lớn lên trong xã hội có nhiều điều kiện về vật chất, nên đi đôi với việc có nhiều áp lực đặt lên vai mình hơn. Phụ nữ ngày xưa đã phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà” rồi, thì phụ nữ bây giờ được kỳ vọng nhiều hơn thế rất nhiều: việc nước, việc nhà, việc cơ quan, việc làm đẹp chăm sóc bản thân, việc cộng đồng… đủ thứ nữa.

Càng bị kỳ vọng phải làm tốt các vai trò, họ càng thấy khó để lên tiếng khi gặp trở ngại, đặc biệt là trở ngại về tâm lý. Khi thấy buồn, tức giận, bế tắc, không làm tốt nghĩa vụ của mình mà không thể giải tỏa, yêu cầu sự giúp đỡ, dần sẽ dồn nén, họ cảm thấy mình thua kém, vô dụng, mất giá trị sống, không nhìn thấy niềm vui trong cuộc đời nữa, kéo dài dẫn đến trầm cảm”, chị Ngọc Diệp nói.

Không phải cứ vợ trầm cảm là đều do chồng vô tâm

Bất cứ khi nào một thành viên gia đình gặp trục trặc, người ngoài thường có xu hướng tìm kiếm lý do ở người… còn lại. Và khi một người vợ/ người mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng vậy, mọi “mũi dùi" gần như hướng về phía người chồng.

“Anh mải sống cuộc sống của mình - không chăm con, để vợ anh vất vả nên mới thành ra như thế", “Anh vô tâm nên chị ấy mới trầm cảm", “Anh không thương vợ…” rất nhiều những lời oán trách đổ lên người đàn ông nếu vợ anh ta chẳng may trầm cảm sau sinh.

Ở khía cạnh này, chị Trinh Phạm cho rằng có rất nhiều tố gây ra trầm cảm sau sinh, không phải hoàn toàn từ lỗi của người chồng.

Đối với người mẹ vừa mới sinh 1 đứa con ra thông thường sức khỏe sẽ bị giảm sút. Trong khi đó, họ không có thời gian nghỉ ngơi đã phải lao vào 1 guồng quay sinh hoạt mới, nó sẽ tạo ra áp lực tinh thần. Ngoài ra cũng có vấn đề tâm lý và dinh dưỡng, có nhiều thứ tác động chứ không chỉ do chồng không san sẻ hay thấu hiểu. Song, vai trò người chồng phát hiện vợ mình bị trầm cảm sau sinh và có những biện pháp để làm cho nó tốt hơn thì rất quan trọng.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 4.

“Mình vẫn nhớ về khoảng thời gian mới sinh con. Em bé mới sinh không ngủ 1 mạch, thường thức dậy giữa chừng trong đêm do vậy mình cũng phải dậy theo. Và ngày nào cũng lặp đi lặp lại hành động đấy thành 1 guồng quay, thậm chí mình không biết 1 tuần đầu đã trôi qua, mình cũng chỉ ở trong phòng. Vào 1 hôm, chồng mình mới nói là hãy đi lên sân thượng ngắm ra ngoài đường cho đỡ bí bách. Cái đấy dù chỉ là 1 hành động nhỏ nhưng đối với người phụ nữ, nó cũng rất quan trọng, làm cho mình được giải toả nhiều. Vì mình biết là có người đang cảm thông với những khó khăn bản thân đang trải qua”, chị Trinh chia sẻ.

Là một người trẻ, cũng mới bước vào hành trình làm mẹ, Liên Nguyễn cho hay:“Bản thân mình khi mang thai đến khi sinh con cũng đã chuẩn bị rất kỹ nhưng vẫn không tránh được những lúc gặp khủng hoảng tâm lý.

Mỗi người sẽ có một sức chịu đựng khác nhau và cuộc sống sau sinh thì có quá nhiều thứ mới mẻ. Từ việc chăm sóc một em bé, rồi đến những tâm tư, mong muốn riêng của bản thân và cả những lời góp ý từ những người xung quanh, tất cả đều có thể trở thành “mồi lửa” châm lên những sự bức bối, khó giải tỏa và lâu dần dẫn đến trầm cảm. Chưa kể, những bạn nào tâm lý không vững hoặc chưa có sự chuẩn bị kỹ càng lại càng dễ rơi vào tình trạng này hơn”.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 5.

Ngoài sự thấu hiểu từ bên ngoài, bản thân cần cố gắng vượt qua

Có thể không muốn tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý vì nhiều lý do nhưng điều mà mẹ trẻ mong muốn nhiều nhất khi tâm trạng đang hỗn độn, rối bời đó chính là sự sẻ chia, lắng nghe từ người thân xung quanh.

“Có thể là chồng, là bạn thân, là bố mẹ, hoặc một người bạn bỉm sữa qua mạng. Như mình hồi đó, đọc tâm sự của các mẹ mới sinh cũng trải qua những đau đớn, xáo trộn như mình, mình cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều và tin tưởng rằng nó không kéo dài mãi, rồi sẽ vượt qua được”, chị Ngọc Diệp chia sẻ.

“Không chỉ riêng mình mà tất cả những người phụ nữ những lúc như vậy đều cần một cái ôm dịu dàng từ chồng. Sự cảm thông, những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, những lời động viên sẽ khiến mọi cảm xúc tiêu cực trở nên được xoa dịu.

Ngoài ra, tự bản thân mình cũng phải cố gắng vượt qua bằng cách chia sẻ nhiều hơn, không tự suy nghĩ, dằn vặt tiêu cực mà mở lòng đón nhận những sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh”, Liên Nguyễn bày tỏ mong muốn.

Mẹ trẻ nói về trầm cảm sau sinh: Càng bị đặt quá nhiều kỳ vọng, càng dễ rơi vào hố sâu bế tắc - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, cả Ngọc Diệp và Liên Nguyễn đều mong rằng những phụ nữ sau sinh hãy mạnh dạn nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đừng vì tự ti hay bất kì lý do nào mà thu mình lại. Ngày nay, có rất nhiều đường dây nóng để chia sẻ, hỗ trợ người bị trầm cảm với những sự giúp đỡ chuyên nghiệp, hoàn toàn bảo mật danh tính. Điều này vừa tránh được việc gây gánh nặng cho người thân, mà vẫn giúp được các mẹ bỉm gỡ rối về mặt tâm lý.

Theo chị Trinh Phạm điều quan trọng nhất là phải nói ra cảm giác của bản thân đang như thế nào.

“Đúng là có rất nhiều người chồng, người trong gia đình không hiểu được mình đang trải qua cái gì, tâm lý như thế nào. Cho dù vậy, mình nghĩ rằng khi cảm thấy bản thân không ổn, phải nói ra trước đã để tìm cách giải quyết. Tìm những biện pháp đi chữa trị chẳng hạn, để đảm bảo an toàn cho bản thân, đứa bé và những người xung quanh. Hãy tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Đừng ôm tất cả việc vào mình, nên san sẻ, chia sẻ với những người khác để cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.