Một công ty gây phẫn nộ khi sa thải nhân viên không chịu ăn trứng sống

Yêu cầu nhân viên ăn trứng gà sống mỗi ngày và sa thải anh chàng "cứng đầu" không chịu làm theo, một công ty bị điều tra khi vụ việc gây ầm ĩ trên mạng xã hội.

Chàng trai trẻ tên là Tiểu Du tố cáo một công ty ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vi phạm luật lao động vì sa thải anh này khi anh từ chối ăn trứng sống trong lúc làm việc.

Theo chia sẻ của Tiểu Du, lãnh đạo công ty lập một nhóm trao đổi trên mạng và yêu cầu các nhân viên mỗi ngày phải ăn một quả trứng gà sống. Những ai không ăn trứng gà sống thì phải ăn mù tạt để thay thế.

Khi Tiểu Du từ chối ăn trứng sống cũng như mù tạt, lãnh đạo công ty ép anh này nghỉ việc và yêu cầu viết lý do nghỉ việc là việc cá nhân của Tiểu Du, không liên quan đến công ty. Trưởng phòng nhân sự nói, yêu cầu ăn trứng sống đã trở thành quy định chung của công ty nên nhân viên nào cũng phải tuân theo.

Một công ty gây phẫn nộ khi sa thải nhân viên không chịu ăn trứng sống - Ảnh 1.

Câu chuyện này gây làn sóng phẫn nộ lớn trong cộng đồng mạng. Đa số mọi người cho rằng công ty này quá coi thường sức khỏe và quyền của người lao động. Dưới bài đăng của Tiểu Du, dân mạng gửi nhiều bình luận: “Trứng sống có vi khuẩn có thể gây tiêu chảy hoặc thậm chí là bệnh lỵ trực khuẩn. Công ty đúng là mất nhân tính”, “Chuyện này có thể quy vào hành vi nhục hình trá hình và công ty này phải bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”, “Quy định thế này đủ biết trình độ lãnh đạo công ty thế nào rồi. Bạn nên yêu cầu công ty bồi thường thỏa đáng”...

Sự việc ầm ĩ đến nỗi Đội thanh tra lao động thành phố Trịnh Châu vào cuộc điều tra, Công ty này đã bị lập biên bản và cơ quan chức năng đang điều tra thêm về những hành vi vi phạm luật lao động.

Ông Hinh, luật sư của Công ty Luật Bắc Kinh, cho biết người sử dụng lao động nếu lăng mạ, trừng phạt thân thể, đánh đập, khám xét hoặc giam giữ bất hợp pháp người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính; nếu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự, nếu gây thiệt hại cho người lao động thì phải bồi thường. Người lao động có nghĩa vụ cung cấp sức lao động, người sử dụng lao động cũng có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe thể chất, không xâm phạm nhân phẩm nhân viên trong quá trình lao động.

Nguồn: Jimu News

Một công ty gây phẫn nộ khi sa thải nhân viên không chịu ăn trứng sống - Ảnh 2.