Bỏ việc lương cao ở tập đoàn nước ngoài, về quê sống gần gia đình
Guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại khiến quỹ thời gian ở bên người thân, gia đình của những người trẻ nơi phố thị ngày càng ít đi. Những đứa trẻ rồi phải đi xa nhà, lao vào đời tìm kiếm cơ hội cho mình, để rồi nhiều người hối hận vì không nhận ra điều này sớm hơn.
Cha mẹ nào cũng mong được ở bên cạnh con khi về già, dù có thể họ không nói ra. Đó là điều mà chàng trai Phương Vinh (31 tuổi, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang) sớm nhận ra và khiến anh có quyết định lớn của cuộc đời.
Phương Vinh từng có quãng thời gian làm việc trong một tập đoàn của Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh
Phương Vinh vốn là Kỹ sư Công nghệ Thực phẩm. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Vinh may mắm tìm được vị trí công việc phù hợp tại một tập đoàn của Nhật Bản.
Có công việc đúng ngành học, với mức lương khá cao, đó là mơ ước của không ít người. Với giới trẻ, phố thị với những tòa cao ốc chọc trời, cửa hàng nhộn nhịp, đường phố huyên náo có sức hấp dẫn đặc biệt.
Tuy nhiên, cuộc sống cũng dần thay đổi. Phương Vinh cũng như một bộ phận giới trẻ lại cảm thấy không phù hợp với những xô bồ, ồn ã, với nhịp sống gấp gáp vội vã chốn thị thành.
Sau 4 năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Phương Vinh mong muốn tìm về quê nhà, nơi có góc vườn, ao cá, cánh đồng thẳng cánh cò bay.
9x Tiền Giang kể: "Càng ngày mình càng cảm thấy không phù hợp với cuộc sống sô bồ, nhộn nhịp trên Sài Gòn nữa.
Tự nhiên, mình thấy thích cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên ở quê. Ở quê có được nhiều thứ như không khí trong lành, có không gian vườn tược mát mẻ. Và đặc biệt nhất là được ở cạnh chăm lo cho bố mẹ.
Bố mẹ mình cũng lớn tuổi rồi và sống gần để phụng dưỡng bố mẹ là lý do lớn nhất thôi thúc mình đưa ra quyết định lớn này".
Ngoài ra, chàng trai trẻ cũng muốn quay trở về xây dựng quê hương, sống và làm việc ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên.
Phương Vinh chọn quê nhà làm nơi nương thân. Không Sài Thành nữa, bởi ở quê bình yên đến lạ! Mỗi sáng dậy sớm nghe tiếng chim chóc, gà gáy xa xa... Ngắm nắng vàng vắt ngang chòi lá của cha... Rồi ra ngoài giàn bầu, giàn dưa leo tắm mát cho chúng.
Gần 10 năm bon chen ở phố thị, Phương Vinh luôn khắc khoải nỗi nhớ mong về quê nhà
Tháng 8/2019, Phương Vinh chính thức "bỏ phố về quê". Ban đầu, anh vẫn tiếp tục làm việc tại một công ty phù hợp với chuyên môn ngay gần nhà để nhanh chóng có thu nhập trang trải cuộc sống.
Được trở về quê nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng bố mẹ, Phương Vinh vô cùng hạnh phúc.
"Trước khi về quê, mình đã suy nghĩ và không tránh khỏi có nhiều điều đắn đo. Như là về quê có việc làm không, về quê có chán rồi quay lại Sài Gòn không?
Nhưng khi về quê, mới thấy bản thân thật sự thích hợp với cuộc sống dân dã. Tới giờ, mình chưa từng cảm thấy tiếc nuối khi bỏ công việc ở tập đoàn về quê. Nếu có thì chỉ hối hận là sao mình không về sớm hơn!".
Bạn bè không khỏi ước ao khi chứng kiến nhịp sống bình yên của 9x miền Tây
Vừa đi làm ở công ty, Phương Vinh còn quay lại những khoảng khắc quây quần bên góc bếp, những món đặc sản quê nhà để đăng lên mạng xã hội, "flex" với bạn bè.
9x Tiền Giang không ngờ, những câu chuyện, khoảnh khắc anh chia sẻ được dân mạng quan tâm. Trang cá nhân của Vinh có lượt tương tác tăng nhanh chóng.
Miệt mài xây dựng kênh đến "quên ăn quên ngủ"
Tháng 2/2023, 9x Tiền Giang chính thức nghỉ việc công ty, chuyển sang đầu tư thời gian lên ý tưởng, nội dung cho trang cá nhân.
Trở thành nhà sáng tạo nội dung số, Phương Vinh chăm chút cho các video từ nội dung đến hình ảnh, góc máy... trở nên chỉn chu hơn.
Đến nay, sau 8 tháng xây dựng kênh TikTok, Facebook có tên "Khói bếp và gió", kênh của Phương Vinh có gần 200.000 lượt theo dõi trên cả hai nền tảng mạng xã hội này.
Đúng như tên gọi, nội dung kênh "Khói bếp và gió" xoay quanh cuộc sống dân dã của người miền Tây sông nước. Phước Vinh mang đến cho người xem những thước hình sinh động, quảng bá nét đẹp văn hoá, ẩm thực, nếp sống người miền Tây.
Kênh TikTok xoay quanh cuộc sống quanh mảnh vườn, góc bếp
Ở quê cũng có thể ra chợ mua thịt cá về nấu, nhưng Phương Vinh lại thích ăn rau vườn, cá nhà. Những clip nấu ăn của Vinh đều được chế biến từ nguyên liệu trong vườn nhà.
Để có được thành quả tự mình nỗ lực, Phương Vinh gặp không ít thử thách. Có những hôm làm video, Vinh làm việc đến quên ăn quên ngủ. Cảnh ăn trưa lúc 3 giờ chiều, thức khuya dậy sớm là việc diễn ra thường xuyên.
"Là người thích cuộc sống bình yên ở quê nhà, thích hoài niệm về những ký ức ngày bé thơ, nên mình cũng tái hiện sinh động thông qua video nấu nướng.
Thực sự, mùi rau vườn thơm ngọt đến lạ, vì nó thơm ngọt mùi vị tuổi thơ. Vì đi xa quê, mình nhớ hương vị tô canh rau vườn của mẹ! Dù có đi bốn bể, năm châu. Dù có nhìn ngắm núi cao hùng vĩ, biển xanh, cát trắng... thì quê mình vẫn đẹp nhất.
Mình muốn truyền tải hình ảnh quê hương miền Tây phảng phất chút hoài cổ để nhiều người xa quê xem video sẽ thêm yêu và vơi bớt nỗi nhớ mong khắc khoải nhớ quê.
Mình làm có một mình thôi, từ nội dung, ý tưởng, lời bình đế hậu kỳ cho các video. Vừa nấu ăn, vừa quay phim, lồng thoại, edit video... mất khá nhiều công sức, thời gian.
Cực nhất vẫn là khâu vừa nấu vừa quay, lu bu nên nhiều khi món ăn bị cháy khét ở những clip đầu." - Chủ nhân kênh "Khói bếp và gió" kể.
Những mâm cơm đậm đà hương vị ẩm thực miền Tây, gợi nhớ ký ức tuổi thơ của nhiều người
Nhờ sự đầu tư, kiên trì chăm chút, hiện kênh TikTok của cậu bạn đã có lượng người theo dõi ổn định, nhiều video đạt "triệu views". Các nhãn hàng bắt đầu tìm đến để "book" quảng cáo, nhận tư vấn xây dựng kênh.
Phương Vinh có nguồn thu nhập dẫu chưa cao nhưng đủ để trang trải cuộc sống hiện tại, chăm lo cho bố mẹ.
Phương Vinh chọn quê nhà làm nơi nương thân
"Để tạo dấu ấn, mình luôn cố gắng chỉn chu từng góc máy, tạo những đoạn video mặc dù ngắn nhưng đẹp từng khung hình.
Mình thích sử dụng âm thanh tự nhiên, từ tiếng chim hót, tiếng gà gáy, đến tiếng nước rửa rau, tiếng xào nấu, tiếng củi cháy tí tách... để làm video" .
Giờ đây, 9x Tiền Giang cảm thấy may mắn vì 4 năm trước đã có đủ dũng khí để "bỏ phố về vườn". Quyết định bước ngoặt giúp anh có một cuộc sống an nhiên, hòa cùng thiên nhiên, và quan trọng nhất mà được ở gần bên, chăm sóc bố mẹ mỗi ngày.