Trong ngày trọng đại của đời mình, bất cứ cô dâu chú rể nào cũng mong mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Và nhân vật không thể thiếu để duy trì nhịp độ, tạo không khí vui vẻ cho ngày vui này chính là các MC đám cưới.
Nếu như trước đây, các cặp đôi thường nhờ bạn bè, người thân hoạt ngôn phụ trách dẫn dắt đám cưới thì bây giờ, nhiều người chọn cách thuê các MC chuyên dẫn đám cưới. Vậy công việc này có gì đặc biệt? Thu nhập và áp lực thế nào? Có điều gì mà chỉ người trong nghề mới biết?... Cùng lắng nghe chia sẻ của 2 MC đám cưới với nhiều năm kinh nghiệm:
- Nguyễn Thành Luân - 27 tuổi, Hải Phòng - 3 năm làm nghề.
- Nguyễn Quốc Hải - 35 tuổi, Hà Nội - 8 năm làm nghề.
Cường độ làm việc căng thẳng khi vào mùa, đòi hỏi sự khéo léo
Cách đây 3 năm, Thành Luân bén duyên với công việc MC đám cưới. Anh chàng vốn thích đứng trước đám đông nhưng lại có chút ngại ngùng. Sau một lần lên hát đám cưới mà không dám nhìn khán giả và bị mọi người chê cười, Luân quyết định thay đổi. Anh học nghề từ các anh chị đi trước trên YouTube rồi tự xây dựng kịch bản và tạo phong cách riêng cho bản thân. Đám cưới đầu tiên Luân dẫn cho người thân, không nhận cát xê và khiến mọi người bất ngờ.
Sau ngần ấy thời gian, Thành Luân ước tính mình đã đảm nhận khoảng 300 chương trình với nhiều loại lễ khác nhau như: lễ ăn hỏi, lễ vu quy, lễ thành hôn, tiệc cưới kết hợp lễ vu quy, lễ thành hôn kết hợp giao lưu văn nghệ buổi tối,...
Trong mùa cưới thế này, lịch làm việc của anh khá căng thẳng, nhất là vào cuối tuần: "Đám cưới chủ yếu tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật nên chỉ 1 buổi sáng trong mùa cưới, từ 7h đến 13h, một MC có thể là 3 - 4 chương trình là chuyện bình thường. Nếu muốn chạy show thì phải sắp xếp thời gian, di chuyển nhanh nhất có thể và vẫn phải đảm bảo an toàn".
Quốc Hải cũng khá bận rộn trong mùa cưới. Trong 8 năm làm nghề, anh không nhớ số đám cưới đã dẫn. Chia sẻ về công việc của mình, Quốc Hải nói: "Điểm khó khăn nhất của một MC đám cưới là thời gian. Bầu show đôi khi báo không chuẩn nên lúc đi dẫn phải chờ nhiều tiếng đồng hồ hoặc sát ngày mới báo nên mình khó chủ động sắp xếp".
Ngoài sự khó khăn này, Thành Luân cho biết thêm: "Khi dẫn chương trình văn nghệ trong đám vui buổi tối, nhiều khi phải đối diện với khách nam không tỉnh táo vì mới ăn nhậu. Trong trường hợp này, nếu không khéo léo thì MC nữ có thể bị trêu chọc còn MC nam có khả năng bị gây gổ".
Khó khăn là vậy nhưng cả 2 nam MC vẫn yêu thích và gắn bó với nghề vì những lý do khác nhau. Với Quốc Hải, cảm giác được chứng kiến hạnh phúc của cô dâu chú rể, được thấy nụ cười khách hàng là niềm vui không gì có thể sánh bằng. Trong khi đó Thành Luân lại thích cảm giác được đứng trước đám đông, đem lại tiếng cười cho mọi người. Bên cạnh đó nhờ đi dẫn đám cưới mà Luân cũng được hội ngộ những người bạn, người quen đã lâu không gặp.
Thu nhập ổn nhưng không đều đặn, phải có nghề tay trái tay phải
Thu nhập của công việc MC đám cưới cũng là điều khiến nhiều người tò mò. Thành Luân cho biết mỗi chương trình dẫn đám cưới thường diễn ra trong khoảng 40 - 60 phút. Giá thấp nhất ở khu vực của anh là 600k/chương trình, cao hơn có thể lên đến hàng triệu đồng, tuỳ theo yêu cầu của chủ nhà và khoảng cách di chuyển đến đám cưới.
Quốc Hải cũng đưa ra con số tương tự: "Cát-xê của MC được tính tuỳ theo khu vực, theo đám và theo thời gian kéo dài của một chương trình. Ở vùng nông thôn thì giá cho một lễ thành hôn là 600 - 700k còn tiệc cưới là 800k - 1 triệu đồng".
Tuy nhiên với tính đặc thù của công việc, phụ thuộc vào việc có đám cưới hay không và uy tín, mối quan hệ của MC nên thu nhập sẽ không ổn định. Thành Luân cho biết để sống được bằng nghề thì MC phải có sự khác biệt, tạo sự hấp dẫn thì mới có nhiều chương trình. "Nếu làm tốt thì chỉ cần làm tối thứ 7 và ngày chủ nhật thì vào mùa cưới, MC đám cưới có thể kiếm 5 - 7 triệu/ tháng" - Luân nói.
Vì vậy mà hầu hết MC đám cưới đều có công việc khác để làm trong lúc không có đám cưới, sự kiện. Quốc Hải là diễn viên cộng tác cho VFC và các kênh YouTube, kênh review... còn Thành Luân là HDV du lịch. "Mùa hè thường ít đám cưới và là mùa 'cá kiếm' của ngành dịch vụ du lịch nên mình sẽ không nhận làm đám cưới. Một số MC khác thì là giáo viên, thợ cắt tóc, công nhân, dân văn phòng được nghỉ thứ 7 và chủ nhật,... Nhìn chung đó thường là những công việc đòi hỏi sự hoạt ngôn hoặc không thì bản thân người đó đã rất lanh lợi, duyên dáng rồi" - Thành Luân chia sẻ.
Bên cạnh yêu cầu về sự hoạt ngôn, các MC đám cưới cũng cần phải chỉn chu về ngoại hình. Quốc Hải cho biết trước mỗi chương trình, anh đều cực kỳ cẩn thận chuyện đầu tóc, quần áo, giày dép và sắc mặt sao cho vui vẻ, rạng rỡ. Còn Quốc Luân lại không ngại đầu tư trang phục cho công việc: "Mình thường xuyên thay đồ mới để đi dẫn. Áo trắng hơi ngả màu chút là thay, quần và giày chỉ cũ một chút là thay, cà vạt thì thay nhiều. Vì vậy nên mình không sắm đồ quá cao cấp, quan trọng là mới và sáng nhưng cũng không phải quá rẻ tiền".
Những tình huống dở khóc dở cười
Đều có nhiều kinh nghiệm dẫn đám cưới nên cả Thành Luân và Quốc Hải cũng gặp không ít tình huống khó đỡ.
"Có một lần rước dâu mà nhà gái lạc đường, mình phải ngồi chờ 2 tiếng trong khi đó còn 1 chương trình sau đó nữa. Cuối cùng mình phải gọi MC khác 'cấp cứu'. May mà người ta cũng thông cảm và mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.
Còn một tình huống đáng nhớ khác là lúc chuẩn bị làm lễ thì chú rể quên nhẫn cưới trong két sắt. Lúc đó có lẽ chú rể cũng hơi hồi hộp hay sao đó, luống cuống mất 15 phút mới mở được két để lấy nhẫn cưới" - Quốc Hải kể lại.
Kỉ niệm của Thành Luân cũng dễ thương không kém: "Hôm đó mình dẫn đám cưới cho chú rể là bạn thân mình. Khi mình mời chú rể mở rượu để rót nhưng nó cứ loay hoay mãi, không mở được nên mình nói nhỏ: 'Không biết mở à?'. Ngay lập tức nó quay sang quát mình: 'Đã lấy vợ bao giờ đâu mà biết'. Vấn đề là âm thanh lọt vào micro mình đang cầm khiến cả 2 họ cười ầm lên.
Còn một chú rể khác cũng rất đặc biệt. Khi mình mời lên sân khấu thì chú rể dúi vào tay mình 100k bảo 'Anh giúp em nhé!'. Lần đầu tiên mình được 'bo' ngay trên sân khấu như vậy".