Ngày thường đi làm bận rộn nên nhiều nhân sự trông chờ vào kỳ nghỉ lễ dài ngày để nghỉ ngơi. Cũng vì thế, nhân dịp kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 được điều chỉnh từ 2 lên 5 ngày, các bạn trẻ đã lên kế hoạch cho chuyến đi chơi xa, bất chấp du lịch vào đợt này đắt đỏ gấp bội so với ngày thường.
Sẵn sàng chi 1 tháng lương cho chuyến đi
T.N (26 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng tại TP. Hà Nội. Từ sau khi nghe tin lịch nghỉ lễ kéo dài đến 5 ngày, anh chàng đã “quay xe”. T.N lập tức xin sếp cho nghỉ thêm vài ngày và lên kế hoạch cho chuyến bay vào TP.HCM kéo dài 1 tuần để thăm người yêu, họ hàng.
Hiện, T.N dự tính sẽ bay vào TP.HCM, sau đó di chuyển xuống Vũng Tàu để gặp họ hàng, tiếp đến sẽ cùng người yêu lên Đà Lạt chơi. Tổng chi phí mà T.N dự tính cho chuyến đi là 20-25 triệu đồng, tức khoảng một tháng lương. Khoản chi bao gồm tiền vé máy bay, đi chơi Đà Lạt, quà tặng cho người yêu và họ hàng, đi kèm chi phí phát sinh.
Đối với T.N, chi phí cho chuyến đi này tương đối đắt đỏ so với mức lương văn phòng của anh. Tuy nhiên, sau khi đánh giá không còn thời điểm nào dài hơn trong năm để gặp gỡ người yêu nên T.N cũng vơi bớt cảm giác tiếc tiền.
Ảnh minh hoạ
Cũng háo hức chờ đón đợt nghỉ lễ dài ngày sắp tới là Thuỳ Dương (25 tuổi). Tiết kiệm hơn so với T.N, Thuỳ Dương chỉ dành 4 triệu đồng cho chuyến đi chơi từ Hà Nội đến Hà Giang cùng bạn bè. “Cả năm mới có đợt nghỉ dài ngày nên mình cũng muốn tranh thủ hội họp cùng bạn. Chi phí cho chuyến đi không đắt đỏ. Vì mình không di chuyển bằng máy bay và đi theo nhóm đông người”, Thuỳ Dương nói.
Một trường hợp khác, Hồng Nhung (24 tuổi) dự tính cùng nhóm bạn 5 người bay từ Hà Nội vào Huế để du lịch trong dịp nghỉ lễ. Với mức lương bị cắt giảm xuống còn 15 triệu đồng/tháng, Hồng Nhung vẫn dự tính sẽ chi hết gần 1 tháng lương (khoảng 13 triệu đồng) cho chuyến đi dài ngày. Đây là tổng tiền dành cho di chuyển, ăn uống, phí phát sinh và tiền mua trang phục.
Khi được hỏi tại sao lương đang giảm nhưng cô vẫn chọn chi tiêu khá thoáng tay cho đợt du lịch sắp tới, Hồng Nhung cho biết: “Với mình, đây là khoản chi xứng đáng và hợp lý. Mình đã tiết kiệm được kha khá trước đó nên chỉ cần đợi dịp phù hợp là lên đường cùng bạn bè.
Mình là kiểu người thích đi chơi xa. Du lịch giúp mình cân bằng cuộc sống và công việc hơn. Do vậy, sau nửa năm cày cuốc không đi đâu chơi nhiều, mình muốn có 1 chuyến đi chơi dài ngày mà không vướng bận tiền nong. Thay vì mua đồ hiệu, ăn uống xa hoa thì mình vẫn chọn đi du lịch hơn".
Tiền vé máy bay đắt ngang 1 chỉ vàng
Với ai đang tính đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thì giá vé máy bay đắt đỏ là điều mà họ quan tâm. Trên mạng xã hội, không ít người đã than thở rằng tại một số chặng, tiền vé khứ hồi đắt ngang ngửa một chỉ vàng, khiến họ chùn chân trước kế hoạch đi chơi xa.
T.N đồng tình giá vé máy bay hiện giờ quá đắt. Bởi chàng trai vừa chi 8 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi, không kém xa 1 chỉ vàng là bao. Tuy nhiên, T.N cũng bày tỏ, nếu chấp nhận đi du lịch vào dịp lễ thì anh cũng không mong đợi giá vé máy bay rẻ được.
“Giá vé máy bay là chi phí mình đã tính toán trước chuyến đi. Mình nghĩ, giá vé máy bay đắt sẽ khiến bản thân biết cân đối hơn ở những khoản chi tiêu khác và lên kế hoạch di chuyển kỹ càng để đỡ chi phát sinh không mong muốn”, T.N nói.
Nhiều bạn trẻ than thở giá vé máy bay dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng cao (Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, Hồng Nhung cũng “xót ví" khi dành đến 5 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi Hà Nội - Huế. Cô nàng bày tỏ : “Giá vé máy bay đợt này đắt đỏ. Trước khi đi, chúng mình đã bàn bạc với nhau có nên đi đợt này không, và lý do quan trọng nhất khiến cả nhóm chần chừ là tiền vé máy cao quá".
Chuẩn bị tiền nong thế nào cho chuyến đi dài ngày?
Thuỳ Dương chia sẻ, do biết đi du lịch vào ngày lễ thường đắt đỏ hơn nên nhóm bạn đã chọn địa điểm gần cho tiết kiệm. “ Với số tiền dành cho chuyến đi, mình trích từ quỹ du lịch. Hàng tháng, mình gửi 500 ngàn - 1 triệu đồng tiền lương vào quỹ này. Khi nào có dịp phù hợp thì sẽ đi thôi. Còn nếu ngày thường không đi du lịch, mình dùng quỹ này vào tiền cafe và mua sắm cùng bạn bè", Thuỳ Dương nói.
Còn về phía Hồng Nhung, do vừa mới cắt giảm lương mà sắp tới còn chi nhiều tiền để đi du lịch, do đó cô nàng cũng đang phải “nhịn ăn, nhịn uống" từ bây giờ. Hồng Nhung nói thêm: “ Giờ mình đang chi tiêu tiết kiệm lắm, bắt đầu lên kế hoạch mua quần áo và phụ kiện để săn đồ giá rẻ. Ngoài ra những khoản tiêu dùng khác như tiền ăn, tiền di chuyển, tiền mua đồ linh tinh,... cũng được chắt bóp hơn".
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, T.N cũng có những tính toán trước dành cho ngân sách của chuyến đi lần này. Anh chàng nhận định: “ “Do mình và bạn gái yêu xa nên luôn chuẩn bị tiền cho du lịch để tiện gặp nhau. Trước đó, do dự tính sẽ đi Thái Lan nên chúng mình đã tiết kiệm tiền từ trước.
Hàng tháng, mình thường bỏ 30 - 50% thu nhập từ tiền lương văn phòng và đầu tư chứng khoán vào quỹ tiết kiệm. Tiền đi du lịch cũng lấy từ quỹ tiết kiệm này. Chi phí dành cho chuyến bay vào HCM sắp tới cũng chiếm gần hết quỹ du lịch của mình rồi. Do đó, từ đây đến cuối năm nếu muốn đi chơi thì mình chỉ có thể đến nơi gần và giá rẻ thôi.
Bên cạnh đó, do sắp tới biết cần chi nhiều tiền nên từ giờ đã cần phải tiền tiết kiệm hơn. Hồi trước, đi làm sáng nào mình cũng uống cafe 50 - 70k/cốc thì giờ mình chuyển sang cafe tự pha ở công ty. Tối cũng không rủ bạn bè ăn uống bên ngoài mà chỉ ăn cơm nhà thôi”.
T.N nói thêm, dẫu biết chuyến du lịch này đắt đỏ hơn so với ngày thường nhưng anh vẫn thấy đây là khoản chi xứng đáng. Bởi chỉ có dịp nghỉ lễ, anh mới có thể thu xếp thời gian dành cho người thân và người yêu.
“Thành thật đây là một khoản chi không thể giảm bớt. Đi du lịch vào nghỉ lễ thì đắt nhưng ngày thường thì không thể đi, do đó mình chấp nhận tiền du lịch đắt đỏ là đánh đổi chi phí cơ hội.
Nhìn chung, mình vẫn đánh giá đây là khoản chi cần thiết và không hoang phí. Tuy nhiên, nếu muốn đi du lịch ngày lễ thì bạn cần cân nhắc chuẩn bị tiền từ trước, vì tổng chi phí cho chuyến đi sẽ đắt gấp 1,5 - 2 lần ngày thường", T.N bày tỏ.