Người mẹ đồng nát nhìn thấy nụ cười đầu tiên trong đời của đứa con trai tật nguyền

Sau nụ cười méo mó nhưng đầy viên mãn, Ngố trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ.

Vừa chuyển sang nhà mới, bố tôi sửa lại căn nhà cấp 4 cũ bên cạnh rồi rao cho thuê. Căn ấy xây từ hồi ông bà nội còn sống, 30 năm vẫn dùng tốt. Mới 2 hôm đã có người dọn đến. 1 gia đình nhỏ 3 người làm nghề đồng nát, quê Hưng Yên.

Thằng bé con nhà ấy kháu lắm, mới 7 tuổi mà lanh lợi vô cùng. Bố nó cao gầy, làm gì cũng khỏe, ngày nào cũng vác búa tạ ra đập sắt vụn keng keng. Mẹ nó tên Mai, thấp bé nhưng ôm bụng bầu to tướng. Hôm mời nhà tôi ăn bữa cơm chào hỏi, cô chú nói còn 3 tháng nữa là đẻ đứa thứ 2. Ai hỏi gái hay trai cô chú đều cười mặn, bảo con nào cũng là lộc trời cho.

Người mẹ đồng nát nhìn thấy nụ cười đầu tiên trong đời của đứa con trai tật nguyền - Ảnh 1.

Nào ngờ đâu cái lộc ấy biến thành thảm kịch vào đúng ngày cô Mai lâm bồn. Cô vỡ ối không kịp lên viện, chồng cô lạ nước lạ cái nên cuống. Mẹ tôi với mấy bác hàng xóm xúm vào giúp đỡ, gọi cấp cứu xong họ đành bảo đẻ gấp tại nhà nhanh còn kịp, không là mất cả mẹ lẫn con.

Tôi chẳng hiểu gì trong mớ lộn xộn đó, chỉ nhớ có rất nhiều máu và tiếng la hét. Mãi sau mẹ chạy về gọi tôi mới dám ngó sang. Cô Mai sinh được thằng cu rồi, nhưng cạn ối lâu quá mới ra nên não có vấn đề. 2 mẹ con cô được đưa đi cấp cứu ngay, may mắn sống sót một cách kì diệu.

Cả tháng sau đó bãi đồng nát trước vỉa hè của chú Lừng im bặt. Bố con chú vẫn đập lon ép chai để kiếm sống, nhưng họ làm lặng lẽ hơn để mẹ con cô Mai nghỉ ngơi. Mẹ tôi chẹp miệng bảo tội nghiệp, vừa trước đó hớn hở mong con chào đời, bây giờ lại phải nuôi một đứa tật nguyền ngoài ý muốn. Tôi tò mò hỏi con cô Mai bị sao. Mẹ nói: "Nó bị ngốc".

Ngày nào cô Mai cũng bế thằng út ra sân phơi nắng. Da nó vừa nhăn vừa ngăm như táo héo. Lũ trẻ hàng xóm thập thò vây quanh, đứa nào cũng đòi "sờ" vào em bé một tí.

- Cô ơi sao em bé nhỏ xíu như búp bê thế ạ?

- Cô ơi mẹ con đẻ em bé màu trắng mà em này thì đen nhỉ?

- Cô ơi sao em bé không bú cũng không chơi, chỉ nằm im 1 chỗ thế ạ?

- Cô ơi mồm em bé cứ bị lệch, mắt kiểu gì ấy không giống bọn con.

Cứ thế hôm nào quanh nhà tôi cũng ríu rít tiếng hỏi. Ban đầu có vẻ cô Mai không thích lắm, nhưng sau thấy bọn trẻ hay mang quà bánh đồ chơi sang để "chia cho em bé", cô còn nhờ chúng trông hộ để đi pha sữa. Thằng bé nằm im trên chiếc gối to, chân tay khua chậm chạp lờ đờ. Rồi cả xóm gọi nó là "thằng Ngố", không ai hỏi tên cúng cơm là gì.

Người mẹ đồng nát nhìn thấy nụ cười đầu tiên trong đời của đứa con trai tật nguyền - Ảnh 2.

Chân tay thằng Ngố ngày càng dài ra. Nhưng thay vì tập lẫy tập bò, tập đi tập nói như bao đứa trẻ khác, nó chỉ nằm 1 chỗ mà thôi. Nó ốm đau liên miên, bố mẹ đưa đi viện suốt. Tiệm đồng nát nhỏ ngày càng khó khăn hơn, bố mẹ hay dúi tôi nồi canh bát thịt mang sang đưa cô chú hàng xóm. Tiền thuê trọ cũng bớt đi một ít, thi thoảng mẹ tôi rảnh còn may tặng thằng Ngố mấy bộ quần áo xinh xinh vì nhà nó làm gì có đồ đạc tử tế. Quanh năm quần áo dính dầu mỡ đất bẩn, nhà cửa tuềnh toàng. Vợ chồng cô Mai vẫn trẻ, chưa đến 30 mà toàn mặc đồ rách bươm xơ mướp như năm 45 vậy.

Chớp mắt cái thằng Ngố lên 5, anh trai nó cũng lớn tướng. Suốt 5 năm gia đình chú Lừng chẳng hề đi đâu chơi, về quê ăn Tết hay có việc đều phải thay nhau bế địu thằng Ngố. Nó càng lớn càng nặng, cô Mai cũng không ẵm nổi nữa, toàn để nó nằm trong cái cũi riêng đặt ngay cửa. Cậu nhóc nằm im lìm không cười không khóc, chỉ giương đôi mắt lờ đờ nhìn bố mẹ ướt đầm mồ hôi giữa đống phế liệu. Nó không biết nói, khóc thì rin rít như mèo hen. Gương mặt nó gần như chả có biểu cảm gì. Một đứa trẻ yên lặng đến mức đôi khi khiến người khác hơi sợ.

Một hôm có bà thím dưới ngõ lên đứng hóng mát ở sân nhà tôi. Thấy cô Mai đang bón cháo cho thằng Ngố, bà liền vắt sang kiếm chuyện.

Người mẹ đồng nát nhìn thấy nụ cười đầu tiên trong đời của đứa con trai tật nguyền - Ảnh 3.

- Vợ chồng mày đẻ đứa khác cho vui cửa vui nhà. Chứ chăm mãi cái thằng bại não vô tích sự ấy, đến lúc bố mẹ chết thì ai lo. Thằng lớn lành lặn là may, thằng út như này thì bỏ đi chứ mong đợi gì.

Cô Mai mím chặt môi, đôi mắt tối sầm. Mẹ tôi nghe không lọt tai liền vặc lại.

- Chị độc mồm thế. Con người ta tự đẻ tự nuôi, phiền nhà chị đâu mà nói xui rủi. Lo 2 thằng con chị đi kìa, hơn 30 tuổi vẫn thất nghiệp, suốt ngày rượu chè gây sự. Về già xem chúng nó nuôi chị nổi không?

- Ơ hay cái cô này, vô duyên. Nó thuê nhà cô nên cô bênh à? Tự dưng xóm đang yên lành lại lôi cái nhà sắt vụn đến vừa bẩn thỉu vừa ồn ào, suốt ngày đập phá nhức cả óc. Lại còn tòi ra cái thằng tật nguyền, bẹp đầu xấu vía! Thôi tôi đi về, không dây với hủi!

- Vâng mời chị hủi về ạ!

Nhìn bà thím tức lằn cả gân trán mà ai cũng mắc cười. Mẹ tôi bình thường chả đụng chạm ai cơ mà gặp chuyện chướng tai thì cũng ghê gớm phết! Từ bé mẹ đã dạy tôi không được phân biệt đối xử, phải tôn trọng và tốt bụng với tất cả mọi người, trừ kẻ xấu làm chuyện ác. Thằng Ngố đâu có tội tình gì để bị coi là thứ quái gở? Chẳng qua là số phận không may mắn thôi...

Hôm sau có người mang đến bán cho chú Lừng cái xe đạp trẻ con cũ. Nói cũ mà trông vẫn xinh lắm, màu hồng 3 bánh, có cả còi hình bông hoa cơ. Bà thím vô duyên đi chợ ngang qua thấy liền xồ vào, mặt dày hỏi xin cho cháu nội làm ai cũng choáng. Chú Lừng bảo bán rẻ cho 100 nghìn, cô Mai quăng đôi đũa cả từ trong bếp ra giật lại.

- Không bán, không dây với hủi!

Bà thím giật mình sợ hãi vội kéo nón đi về. Mẹ thằng Ngố hiền lắm mà khoảnh khắc ấy cô cứng rắn lạ thường, hệt như chim mẹ xù lông bảo vệ đứa con. Ai nói xấu vợ chồng cô không quan tâm, nhưng đụng đến đứa con út thì...

***

Có vẻ vợ chồng cô Mai cũng lo lắng đến tương lai thằng Ngố nên tằn tiện tích góp để mua căn hộ cũ bên kia đường. Đùng cái cô bảo chuyển nhà, bố mẹ tôi mừng lắm. Cô chú cảm ơn gia đình tôi vì giúp đỡ suốt mấy năm trời, tình nghĩa còn hơn cả ruột thịt.

Thằng cu lớn vẫn hay chạy sang nhà tôi chơi mỗi chiều. Còn cô Mai vẫn bế Ngố ra sân phơi nắng, trò chuyện với con trai út đủ thứ dù suốt bao năm nó chẳng thể đáp lại nửa câu. Tiếng gọi "Mẹ" bao người kêu đau đầu nhức óc, nhưng với cô Mai lại là chữ thiêng liêng mà cô khao khát vô cùng...

Trước sân nhà mới cô Mai trồng 1 dãy hàng rào toàn hoa. Mấy chậu hồng, vạn niên thanh, sử quân tử. Và mấy cây mào gà. Cô bảo các cụ dưới quê nói hoa đỏ mang nhiều may mắn, cây cũng dùng được để tắm mát trị mề đay. Thằng Ngố nằm 1 chỗ quanh năm suốt tháng nên lưng hay nổi mẩn. Mọi thứ trong nhà cô chú đều để dành chăm sóc cho con, quanh quẩn bên cái cũi 2 mét.

Ai cũng dành tình thương yêu cho Ngố, mong phép màu xảy đến với nó dù chỉ 1 lần. Cuối cùng thì điều đó cũng xảy ra nhưng theo cách không ai ngờ tới. Đó là một buổi sáng bình thường yên tĩnh. Bỗng dưng bụi mào gà xanh mướt lại nhú ra một mảnh đỏ rực như nhung, rũ xuống hàng gỗ trắng. Cô Mai vui quá nên hái vào nhà định giã nát nấu nước tắm cho Ngố. Loay hoay một lúc xong bỗng dưng cô có cảm giác rất lạ kỳ, vội chạy ra xem con trai nằm trong cũi ra sao.

Người mẹ đồng nát nhìn thấy nụ cười đầu tiên trong đời của đứa con trai tật nguyền - Ảnh 4.

Lần đầu tiên thằng Ngố nhoẻn cười! Trái tim người mẹ đầy đau khổ ấy bỗng nứt ra tia sáng, ngập đầy hạnh phúc vỡ òa. Đúng lúc mẹ con tôi hái ít rau vườn mang qua, tôi thấy cô vừa khóc vừa quỳ bên cũi. Thằng Ngố nhếch mép với nụ cười vẹo vọ, cố gắng chạm vào tay mẹ nó.

Rồi nó nhắm nghiền mắt không bao giờ mở ra nữa. Ngay trong vòng tay cô Mai.

***

Vợ chồng cô Mai không tổ chức đám tang cho con, chỉ lặng lẽ đem tro cốt Ngố về quê. 1 tuần sau cô quay lại căn nhà ngổn ngang sắt thép. Tiếng cô rưng rức bên chiếc cũi ai nghe thấy cũng vỡ vụn. Mấy chiếc khăn sữa còn nguyên mùi của Ngố vắt đầy quanh nhà. Mẹ tôi không nén nổi nước mắt khi sang dọn dẹp hộ.

- Khổ thân, bố mẹ nó còn bàng hoàng nhận ra chẳng chụp cái ảnh nào từ lúc thằng Ngố đẻ...