Dùng tài tiểu họa thổi "hồn dân gian" lên mặt bánh
Khác với bánh Trung thu truyền thống thông thường, những chiếc bánh do chính tay bạn Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1995, sống ở Hà Nội) làm lại có dấu ấn đặc biệt trong mắt người xem bởi vẻ đẹp của bức tranh dân gian hiện ngay trên mặt bánh có đường kính chỉ vài cm.
Để "thổi hồn dân gian" lên mặt bánh Trung thu, Thùy Dương phải thực hiện các công đoạn tỉ mỉ và đòi hỏi tính kiên nhẫn mới có thể hoàn thiện được một chiếc bánh như ý.
Quy trình để làm ra chiếc bánh tranh vẽ dân gian không quá khác nhiều so với bánh Trung thu truyền thống. Cụ thể, bánh sau quá trình nhào nặn và tạo hình sẽ được nướng chín trước khi vẽ. Sau đó, Dương sẽ phủ thêm một lớp nền đậu trắng hoặc đậu xanh để dễ dàng tiểu họa hơn.
"Với những bức tranh về dân gian, đặc biệt như tranh Đông hồ có nhiều chi tiết, mình đặc biệt chú ý đến yếu tố màu sắc. Cụ thể, trong quá trình pha màu, mình phải cân đối tỉ lệ sao cho ra được màu giống màu đặc trưng của tranh gốc để khi tiểu họa vẫn giữ được nét cổ kính", cô bạn 9x nói.
Nhờ tài năng hội họa của mình, Dương đã tái hiện thành công những bức tranh, nhân vật hay đồ dùng dân gian gắn với tuổi thơ của nhiều người trên mặt bánh Trung thu. Qua đó, mỗi chiếc bánh vẽ mà cô bạn 9x tự làm đều gợi lên thông điệp ý nghĩa: "Đối với mỗi chiếc bánh Trung thu, người làm có thể truyền tải lên đó bất kỳ thông điệp nào họ mong muốn. Với mình, hy vọng, mỗi chiếc bánh vẽ sẽ làm tăng giá trị truyền thống văn hóa và trở nên gần gũi hơn với mọi người", Dương bày tỏ.
Tự tay làm bánh tặng người thân
Mặc dù công thức, cách làm bánh Trung thu đã có sẵn trên mạng, tuy nhiên, cách pha trộn, tạo khuôn, làm dẻo hay nướng bánh đều không đơn giản. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ đã chi tiền đi học, tự tay làm bánh Trung thu để tặng gia đình, bạn bè thay vì chọn lựa mua ở các tiệm bánh.
Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1994 - chủ một cửa hàng bánh ở Hà Nội) cho biết: "Mình nhận thấy, các bạn trẻ đến với lớp học làm bánh Trung thu truyền thống đều rất hồi hộp, hào hứng và có cả sự tò mò. Đối tượng học viên khá đa dạng, có cả các bé từ 4 tuổi trở lên đến các bạn trẻ, nhân viên văn phòng... Mỗi học viên đến đây sẽ được tự tay làm và trải nghiệm hết các công đoạn làm bánh rồi đem về tặng, khoe người thân".
Việc tự tay làm bánh còn giúp cho bạn trẻ thư giãn, xả tress sau nhiều giờ làm việc, học tập căng thẳng.
Là một trong những học viên của lớp học làm bánh Trung thu, bạn Hải Yến (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: "Mình tình cờ biết đến lớp học qua mạng liền đăng ký tham gia thử. Tuy học làm bánh chỉ diễn ra vài giờ đồng hồ nhưng mình cũng kịp nắm được các bước và kỹ thuật cơ bản để hoàn thiện một chiếc bánh Trung thu truyền thống. Mình cảm thấy khá thích thú và hồi hộp trước khi mang hộp bánh do chính tay mình làm về biếu bố mẹ".
Bánh Trung thu hiện đại: Đính kèm hoa, tạo kiểu độc đáo
Chủ nhân của những chiếc bánh Trung thu hiện đại tạo kiểu độc đáo trên là bạn Ngô Thị Nguyệt (sinh năm 1994, hiện sống ở TP HCM). Nguyệt biết đến bánh Trung thu hiện đại qua một hội nhóm trên Facebook cách đây 2 năm và bắt đầu tập tành, học làm theo.
Thời gian đầu, Nguyệt làm chưa đẹp, pha màu không chuẩn, nướng bánh cháy. Sau đó, cô dành 3 ngày tập trung làm bằng được, "quên ăn, quên ngủ" để cho ra những kiểu bánh độc đáo, thu hút.
Cô bạn 9x nói: "Sự khác biệt giữa bánh truyền thống và hiện đại chính là ở vỏ bánh. Vỏ bánh hiện đại được pha màu bột tự nhiên, mix chút màu gel để tươi hơn, vỏ nâu từ bột ca cao, xanh từ bột matcha, đen từ tinh than tre, tím từ khoai lang tím... Vì thế, những chiếc bánh Trung thu hiện đại mang sắc màu lạ hơn, nhìn bắt mắt hơn, được khách hàng chọn làm quà tặng nhiều hơn dòng truyền thống.
Ngoài ra, thời gian để cho ra chiếc bánh hiện đại sẽ lâu gấp 3 lần bánh truyền thống bởi người làm bánh phải nặn từng chi tiết nhỏ rồi gắn lên mặt bánh".