Sau khoảng thời gian dài bị cuốn vào guồng quay của đại dịch, nhiều người trẻ ngày nay từ bỏ ước mơ mua nhà, tậu xe và thay vào đó là theo đuổi hạnh phúc của riêng mình bằng cách đổ tiền vào những trải nghiệm. Mà du lịch chính là 1 trong số những ví dụ điển hình.
Không ngại chi tiền
Khi đại dịch dần lùi lại phía sau, thế giới tiếp tục mở cửa, du lịch là cách để kết nối chúng ta lại với: con người, nền văn hoá, ẩm thực và cả chính bản thân mình. Và có lẽ đó cũng là lý do khiến nhiều người mạnh tay chi tiền cho các chuyến du lịch trong và ngoài nước.
Mai San (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: "Trong 6 tháng đầu năm 2022, mình chủ yếu dành tiền cho việc đi du lịch. Số tiền khoảng 100 triệu đồng".
Với số tiền 100 triệu đồng, Mai San đã có nhiều chuyến đi thú vị khắp trong và ngoài nước, bao gồm: hành trình 17 ngày khám phá Ấn Độ, 15 ngày ngao du Mông Cổ cùng 1 vài chuyến du lịch tới Đà Nẵng, Ninh Bình với người thân/bạn bè...
"Sau 2 năm dịch khá gò bó, mình trân trọng hơn khoảng thời gian được bước chân ra ngoài thế giới, được ghé thăm nhiều vùng đất mới, được ngắm cảnh đẹp và giao lưu văn hoá" - Mai San nói thêm.
Để có tiền cho những chuyến đi thỏa mãn đam mê xê dịch hậu đại dịch như thế này, Mai San cũng cho biết cô nàng phải cân bằng rất nhiều thứ. Thế nhưng, Mai San vẫn cảm thấy 100 triệu này vô cùng đáng giá bởi:
"Sau những chuyến đi, tinh thần mình lúc nào cũng rất vui vẻ và tích cực. Mình không chỉ có thêm nhiều năng lượng hơn để làm việc và cống hiến mà còn có thêm nhiều người bạn, nhiều trải nghiệm, nhiều vốn sống và văn hóa rất hay ho".
Anh Thư (31 tuổi, sáng tạo nội dung tự do): "Phải ở nhà trong 1 thời gian quá dài cũng có mặt tốt của nó, khi giúp mọi người nhận ra ý nghĩa tuyệt vời của những chuyến đi là thế nào. Với mình, đây là thời điểm lý tưởng để du lịch, trải nghiệm và tận hưởng. Bởi thế, từ đầu năm tới giờ mình đã có 17 chuyến đi tới 15 địa điểm khác nhau. Tổng số tiền dành cho du lịch là khoảng 115 triệu đồng".
Là 1 freelancer, Anh Thư có thể thoải mái và chủ động sắp xếp được lịch trình cho các chuyến đi của mình
Là 1 người yêu thích du lịch nhưng trước đây, trung bình mỗi năm, Anh Thư chỉ dám đi khoảng 3 chuyến/năm, chi phí không quá 5 triệu/chuyến - tương đương 15 triệu cho việc du lịch. Thế nhưng, sau đại dịch, cô bạn đã thay đổi tư duy rất nhiều.
"Mặc dù chưa có gia đình nhưng mình vẫn luôn đặt mục tiêu mua nhà cho bản thân. Trước khi Covid-19 xảy ra, thu nhập trung bình mỗi tháng của mình chừng 25 triệu, trừ đi tất cả các chi phí thì tiết kiệm được 10 triệu. Thông thường, mỗi năm mình chỉ chọn 3 địa điểm để đi và hầu hết là du lịch trong nước.
Tuy nhiên, sang năm nay, mình quyết định dành nhiều tiền hơn cho các chuyến đi. Mình muốn được khám phá thế giới ngoài kia vì kể cả mình có tiết kiệm đi chăng nữa thì cũng phải còn rất lâu nữa mới thực hiện được mục tiêu mua nhà.
Trong năm nay, mình cũng quyết định nghỉ việc để làm freelancer nên dễ dàng đi du lịch" - Anh Thư nói.
Tranh thủ du lịch nhờ tự chủ tài chính
Anh Thư tiết lộ lý do sẵn sàng chi tiền cho các chuyến du lịch trong năm nay: "Khối lượng công việc lớn, thường xuyên phải sáng tạo ý tưởng nhiều lúc khiến mình kiệt sức và mệt mỏi. Mỗi tháng lại quay cuồng trong việc tính toán chi tiêu để tiết kiệm càng làm stress tăng thêm. Và phải thừa nhận, du lịch là 'liều thuốc' xả stress cực tốt luôn nên giờ cứ có thời gian là mình đi. Như đợt trước, đang uống cà phê ở Đà Lạt nhưng mình đã book vé bay tới Quy Nhơn rồi.
Đương nhiên, để làm được điều này thì mình cũng đã tính toán kỹ các khoản chi dành cho du lịch trước khi thực hiện. Budget cho 1 chuyến đi hay tất cả các chuyến đi có thể cao gấp nhiều lần so với trước đây nhưng đều nằm trong khả năng chi trả của mình.
Để bớt nỗi lo về tiền bạc, mình vẫn cố gắng làm việc từ xa trong thời gian đi du lịch. Càng muốn đi nhiều thì mình càng nghĩ ra nhiều việc để làm, để kiếm tiền".
Trong khi đó, Mai San lại tranh thủ đi du lịch vì sợ bỏ lỡ cơ hội: "Bản thân mình là người sống hết mình cho hiện tại. Mình lựa chọn ưu tiên việc du lịch trước, đặc biệt là đến những quốc gia khó di chuyển vì sau này có thể mình có rất nhiều tiền nhưng sẽ không còn đủ sức để trải nghiệm nữa. Thay vì bỏ lỡ nhiều cơ hội để đi bằng cách nói rằng mình không có tiền và không có thời gian thì hãy cố gắng hơn nữa để đi thật nhiều".
"Trong 6 tháng đầu năm, mình dành số tiền đó cho du lịch chứ không phải tất cả những gì mình có. Mình cố gắng cân bằng rất nhiều thứ, làm thêm nhiều việc để tự chủ tài chính và có đủ tiền cho đam mê xê dịch này" - Mai San nói thêm.