Nhiều người cho rằng ích kỷ nhất trên đời này không phải là không sinh con mà tâm lý sinh con ra để nhờ cậy chúng khi tuổi già xế bóng.
Vài năm trở lại đây, trào lưu về việc không muốn có con ngày càng lan rộng tại khu vực Đông Nam Á. Điển hình có thể gọi tên, đó là trào lưu "DINK" (Dual Income, No Kids - Thu nhập nhân đôi, không có con cái). Khi chủ đề này được đưa lên bàn cân tính toán, nhiều người cho rằng, những người phụ nữ lựa chọn việc "không có con" trở nên ích kỷ hơn bao giờ hết, chỉ biết nghĩ cho mình mà không quan tâm đến gia đình, xã hội, bị phán xét là thiếu trách nhiệm.
Tuy vậy, phần lớn những người trẻ hiện nay lại cho rằng, kết hôn và sinh con không phải là "trải nghiệm bắt buộc có trong đời". Để sinh con, bạn cần phải chuẩn bị không chỉ tài chính, mà còn là tinh thần và ti tỉ thứ không thể kể tên…
Để hiểu hơn về lý do không muốn sinh con, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của 2 nhân vật:
- Thu Phương, 30 tuổi, Ninh Thuận, hiện đang làm bác sĩ phụ sản tại TPHCM.
- Kiều Trang, 28 tuổi, Hòa Bình, nghệ sĩ dương cầm.
Cả hai đều quyết định không sinh con.
Trình bày lý do không sinh con, gia đình mắng "ích kỷ"
Thu Phương (30 tuổi, bác sĩ) cho biết: "Mình đã có gia đình, tuy nhiên đến hiện tại chúng mình vẫn chưa quyết định có con. Hai vợ chồng mình cũng đã kết hôn được vài năm, vì chưa có con nên gia đình 2 bên cũng thúc giục nhiều, còn hay mắng là ích kỷ, chỉ biết lo làm ăn mà không tính chuyện đẻ con gì cả.
Nhưng thật ra, trước đây vợ chồng mình cũng có thời gian đi khám, và thuộc trường hợp hiếm muộn khó có con. Vì thế đâm ra chúng mình cũng không lên kế hoạch sinh đẻ gì hết. Hồi đầu cũng mong lắm, nhưng đến bây giờ thì mình lại quyết định không sinh con nữa. Một phần là do công việc của mình quá bận, không có thời gian chăm con, mình lại là nguồn thu chính trong nhà, nên nếu nghỉ để chăm con thì lại không có thu nhập ổn định. Phần còn lại, là do sợ không đủ tài chính và sự kiên trì để chăm sóc con 1 cách chu toàn.
Ba mẹ mình thì hay bảo, sinh đi rồi đưa con để ông bà chăm giùm. Nhưng mình không muốn nuôi con theo cách thức ông bà hồi xưa. Với mình, sinh con ra thì phải nhận chăm sóc từ những năm tháng đầu đời, chứ làm gì có ai tự nhiên sinh ra rồi để con tự lớn được đâu.
Mình đã từng đề cập vấn đề này với người lớn 2 bên, nhưng tư tưởng của ba mẹ thì lại không thoải mái chấp nhận chuyện đó".
Vì chưa có gia đình, nên Kiều Trang (28 tuổi) không gặp phải những băn khoăn giống Thu Phương. Thay vào đó, Trang lại có những quan điểm khá tương đồng với một số bạn trẻ bây giờ. Khi chia sẻ nguyện vọng của mình nhưng không được người thân chấp nhận, lắm lúc Thu Phương cảm thấy ấm ức.
Cô nói:
"Không phải ai cũng sẵn sàng đánh đổi những điều mình đang có để có con. Ví dụ: Chênh lệch trong công việc giữa nam và nữ vốn dĩ đã rất lớn. Nếu bây giờ, bạn lựa chọn sinh con, thì đồng nghĩa khoảng thời gian sinh con ít nhất sẽ kéo dài 2 năm, đợi đến lúc con qua giai đoạn sơ sinh. Khoảng cách 2 năm là quá nhiều đối với những người đang phấn đấu vì sự nghiệp - như mình chẳng hạn.
Hành trình sinh đẻ gần như gánh nặng sẽ nghiêng về người mẹ, cần phải hy sinh vì con nếu muốn cho con được môi trường giáo dục tốt từ khi mới lọt lòng. Nhiều người lựa chọn đánh đổi tất cả vì con, nhưng mình thì không lựa chọn như thế.
Chính những suy nghĩ đấy, khi mình chia sẻ liền bị nói rằng bản thân ích kỷ. Không đẻ con thì ích kỷ với xã hội. Khi đang theo đuổi đam mê, thì việc có con thật sự làm mình cảm thấy gò bó, mệt mỏi và rất nhiều áp lực. Nếu nói như vậy là ích kỷ, thì ích kỷ với ai?".
Mình chắc gì đã nuôi được ba mẹ, mà kỳ vọng có con để tựa nhờ?
Kiều Trang tiếp tục chia sẻ: "Đến tầm 28 tuổi, chưa có chồng đã bị họ hàng hàng xóm giục giã chuyện kết hôn rồi sinh con. Nhưng mình vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, vì mình xác định được điều gì quan trọng nhất với bản thân.
Chuyện này với gia đình mình thì lại chia thành 2 bên, nửa giục mình nửa lại ủng hộ. Ví như ba mình thì hay nói: 'Con cứ làm điều con cho là đúng, nếu sinh con ra mà cho con được 1 gia đình trọn vẹn đủ đầy thì hãy làm. Đừng như ba năm xưa, nuôi chúng mày cực khổ cũng thương lắm'. Nhưng mẹ mình thì ngược lại: 'Bây giờ thì nghĩ thế thôi, chứ sau này có tuổi là cô đơn, không ai sống cùng'.
Khi nghe mẹ mình nói thế, mình lại có suy nghĩ: 'Mình còn chưa chắc nuôi được ba mẹ mình, thì hi vọng vào con mình để làm gì'.
Có những người đến già rồi vẫn còn khổ con khổ cái. Mình còn từng có suy nghĩ không có con, mình sẽ là tỷ phú thời gian có nhiều thời gian phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc bản thân bản thân, cùng lắm cuối đời mình sẽ quyên góp từ thiện hết tài sản rồi đi đâu đó một mình. Tất nhiên, đây là suy nghĩ nhất thời. Còn mình đã có kế hoạch cho cuộc đời mình sẵn rồi".
Thu Phương cũng có chung quan điểm: "Không sinh con không phải là ích kỷ, mà sinh con để phục vụ lợi ích của bản thân mới là ích kỷ. Mà hầu như người ta sinh con cũng đều là để phục vụ lợi ích của bản thân, để sau này con nó phụng dưỡng mình. Đã có rất nhiều đứa trẻ không muốn bị sinh ra và có đủ kiểu cha mẹ trên đời này.
Con cái là tinh hoa của tình yêu vợ chồng. Khi có một gia đình hạnh phúc ấm no và kinh tế vững mạnh, đủ trưởng thành trong suy nghĩ thì mới dám đảm bảo nuôi và dạy con được. Thử nghĩ xem, sinh con ra lúc lương tháng 10 triệu, thì lấy tiền đâu mà mua sữa?".
Không có con: Sẽ có 1 phần hối hận, nhưng là lựa chọn riêng
Là một bác sĩ phụ sản, Thu Phương đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp đau lòng trong nghề. Cô luôn khuyên các bạn trẻ hãy sinh con khi sẵn sàng: Về kiến thức, kinh nghiệm, thời gian và cả tài chính.
"Hãy cứ chuẩn bị tinh thần và tiền bạc, dù sinh con hay không, đến một độ tuổi nhất định, khi mà bạn sẵn sàng - sinh con không muộn. Nếu đến khi đó vẫn không muốn có con nữa, thì coi như đó là khoản tiết kiệm để lo cho chính mình lúc về già".
Về quyết định không sinh con, dù rất chắc chắn với lựa chọn đó ở hiện tại, song Kiều Trang cho rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ có một chút hối hận. Nhưng cũng như bất kỳ quyết định nào trong đời, chúng ta luôn cảm thấy tiếc nuối điều mình bỏ qua. Song, dẫu có như thế thì bản thân cô vẫn sẽ cảm thấy nhẹ lòng vì: Đó là kết quả do chính mình chọn lấy, chứ không vì mong muốn của một ai cả!
"Mỗi người đều có sự lựa chọn của riêng mình. Dù lựa chọn như thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ có một phần nào đó hối hận, không vừa lòng với quyết định của mình thôi. Mình đã từng nghe qua: Tử cung là của mỗi người, muốn đẻ hay không là do bạn. Khi đến 1 độ tuổi nhất định, mọi người đều sẽ nhìn bạn và gán ghép chuyện sinh nở. Mình nghĩ, nếu đến một ngày, chuyện sinh con không bị áp đặt lên người phụ nữ theo định kiến số đông thì hẳn sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Sinh con nó là cả một vấn đề lớn, không phải tự dưng mà tình trạng trầm cảm sau sinh dẫn đến tử vong của phụ nữ ngày càng nhiều. Muốn làm cái gì thì cũng phải biết yêu bản thân mình trước", cô khép lại cuộc trò chuyện.
"Mẹ không bắt ép con nhất định phải lấy chồng sinh con, chỉ muốn nói về sự thiêng liêng của tình mẫu tử"
Sau khi nghe tâm sự của những người trẻ, cô Ngân (65 tuổi, Hà Nội) - đến từ vị trí một người mẹ đã có con gái kết hôn, cũng có những chia sẻ mang tính xây dựng: "Ở mỗi một độ tuổi, các con sẽ những suy nghĩ khác nhau. 20-25 tuổi thì đang tập trung cho sự nghiệp, cái này mẹ hiểu. Đời người con gái, nếu sinh ra chỉ dành cho sự nghiệp thì mẹ vẫn luôn ủng hộ. Nhưng chuyện kết hôn và sinh con thì vẫn nên được ưu tiên hơn cả vì điều đó là một món quà của tạo hoá.
Sinh con không quá sức như các con vẫn nghĩ đâu. Cảm giác sau một ngày dài làm việc, con có người đợi con về để chăm sóc, để nâng niu - thành quả cả ngày dài không chỉ gói gọn trong cảm giác chinh phục thử thách hay chốt được cái hợp đồng lớn, nó là một niềm hạnh phúc khác hơn, khi có, tự khắc các con sẽ hiểu.
Suy nghĩ của mẹ khá hiện đại, không bắt ép con mẹ nhất định phải lấy chồng, sinh con. Mỗi lúc con mẹ nói về chuyện đó, mẹ sẽ chỉ nhẹ nhàng và nói về sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Và trên tất cả, hãy lựa chọn sinh con trong 1 gia đình đủ đầy cả cha lẫn mẹ, vun đắp trọn vẹn cho con cái bằng tình thương, và vật chất nếu con đủ khả năng làm điều đó.
Cuộc đời của các con, thì vẫn do các con tự quyết định, để rồi sướng khổ tự chịu, không trách ai. Những vấn đề mang tính chủ quan này, vẫn nên nhìn nhận từ nhiều phía. Không có lựa chọn nào là hoàn toàn đúng, cũng như không phải cứ lựa chọn không sinh con là sẽ sai".