Viên Hồng Quang là một nhiếp ảnh gia thích “du hành” ngược thời gian bằng cách phục chế ảnh màu lịch sử. Anh không mấy khi khi chụp ảnh chân dung, mà chụp chân dung để chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của đời người lại càng hiếm. Nhưng order đặc biệt mà anh vừa nhận lại là ngoại lệ.
Ảnh chân dung đôi Viên Hồng Quang chụp.
Cặp đôi U90, ông năm nay 87 tuổi, bà 83 tuổi muốn Quang chụp ảnh họ. Anh nhận việc, không chỉ bởi vì yêu cầu đặc biệt đó. Cũng không chỉ bởi rung động đặc biệt mà anh cảm nhận, như anh chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi thấy tình cảm của một cặp đôi U90 dường như không hề đổi khác sau bao năm tháng. Vẫn chỉ là 'em' với 'anh' ngọt ngào và dịu dàng của tuổi đôi mươi mấy mười năm trước”. Mà còn bởi họ là Giáo sư, bác sĩ Đặng Hanh Đệ và bác sĩ Lê Lan Phương.
Hơn 60 năm yêu, họ vẫn nâng niu gọi nhau anh - em.
Giáo sư Đặng Hanh Đệ, học trò xuất sắc của GS Tôn Thất Tùng, không chỉ nổi tiếng vì tài năng phẫu thuật tim hai tay như một, vì những cống hiến quan trọng của ông cho y học nước nhà, mà còn vì tình yêu trải dài gần sáu thập kỷ với phu nhân của mình. Thứ tình yêu lấp lánh đã giúp họ vượt qua những năm tháng chia cách, là động lực giúp họ sống trọn đời bên nhau.
Đến mức, chàng nhiếp ảnh khi xem lại ảnh tư liệu và chụp ảnh kỷ niệm cho họ, có cảm nhận như đang “phục chế” những thước phim: “Xem lại ảnh chụp để căn chỉnh sửa sang, rồi ngó qua những tấm hình ông bà còn bé, rồi thời thanh niên, thời lăn xả vì công việc, tôi cảm tưởng như mình đang được xem một bộ phim dài tập mà cái kết phim thật có hậu.
Xem xong trái tim cũng cảm thấy như ngập tràn niềm vui khi được xem những tấm hình thật hạnh phúc này”. Vì thế, bất chấp việc khách hàng order chụp ảnh thờ, anh tự coi như mình đang lưu lại hình ảnh đoạn cuối của một chuyện tình.
Ở tuổi U90, ánh mắt GS Đặng Hanh Đệ nhìn vợ vẫn như bị “gây mê”, chẳng khác mấy so với hồi ông gặp vợ lần đầu, với tư cách giảng viên trường Đại học Y Hà Nội. Trong một lần sinh hoạt văn nghệ chung, ông đã phải lòng cô sinh viên Lê Lan Phương, mà có lần ông chia sẻ: “Tôi bị 'gây mê' ngay từ phút đầu nhìn thấy cô ấy - không biết vì lý do gì”. “Gây mê” là cách GS chơi chữ, vừa chỉ công việc của vợ, vừa thể hiện tình yêu của mình. Với bà Phương, đó không chỉ là lời ca tụng, mà còn là lời tỏ tình vừa yêu thương vừa trân trọng.
Ảnh tư liệu, Viên Hồng Quang phục chế.
Cho đến giờ, kỷ vật tình yêu, những bức ảnh, thư tay, những lời gửi đi trong thời điểm xa cách vì chiến tranh, công việc vẫn được lưu giữ trong chiếc vali, mà mỗi lần giở lại, chúng như tự kể chuyện trong ký ức. Nào là những lần đi chèo thuyền ở hồ Tây, những tối đi chơi mà xe đạp hỏng, phải dắt bộ cả đoạn đường dài, những năm tháng ly tán mà một nụ hôn cũng là xa xỉ… vẫn còn đó.
Như để bù đắp những năm tháng tuổi trẻ, khi được đoàn tụ, GS và vợ ở bên nhau toàn thời gian, vun vén, chăm chút cho nhau không rời, đưa nhau đi, đón nhau về. GS Đệ bảo, vì: “Cuối đời, chỉ còn một thứ ở lại: Tình yêu”.
Thư tình viết sau bức ảnh GS Đặng Hanh Đệ gửi vợ những ngày xa cách.
Với Viên Hồng Quang, được chụp ảnh, được tiếp xúc, trò chuyện với vợ chồng GS Đặng Hanh Đệ là một duyên may nhiều hơn là một công việc. Anh thấy mình may mắn khi “được viết thêm vài dòng quý giá bằng những tấm hình vụng về, ở những trang cuối cuốn sách cuộc đời họ”.
Bởi lẽ: “Có thể tôi không học được những kiến thức y khoa chuyên môn, nhưng những giá trị sống tôi học được thì thật không thể đong đếm được. Là tình yêu, là nhân cách sống, là tư duy trong công việc, là tầm nhìn... rồi cuối cùng tôi nhận ra, cái đích chung thực sự mà chúng ta theo đuổi chỉ là một sự hạnh phúc bền lâu, an lạc và có ý nghĩa”.
Sau cùng thì, thứ tất cả chúng ta theo đuổi, không phải là hạnh phúc và an lạc sao?
(Ảnh: Viên Hồng Quang)