Nhảy việc hiện đang là tình trạng phổ biến với người trẻ để có nhiều trải nghiệm khác nhau trong công việc. Bên cạnh đó còn có rất nhiều lý do để dân văn phòng dẫn đến quyết định tìm kiếm môi trường làm việc khác.
Theo một cuộc khảo sát nhân lực của Anphabe vào tháng 12.2021, tỷ lệ tìm kiếm công việc mới tại Việt Nam lên đến 58%. Sau quý I năm 2022, số lượng tìm kiếm công việc mới cao nhất trong ba năm trở lại đây. Theo LinkedIn chia sẻ, thông điệp “Open to Work” trên profile cá nhân đã tăng chóng mặt trong năm nay. Người trẻ hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cho doanh nghiệp và nhà tuyển dụng hơn, nếu không được đáp ứng họ ắt sẽ có ý định chuyển sang đơn vị khác.
VÌ SAO NGƯỜI TRẺ LẠI LIÊN TỤC NHẢY VIỆC?
Dấu hiệu brownout ngày một rõ ràng
Khái niệm "burnout" - kiệt sức với khối lượng công việc giờ chẳng còn đáng sợ khi trạng thái "brownout" xuất hiện kinh khủng hơn rất nhiều.
Trạng thái "brownout" có nghĩa là nhân viên sẽ mất đi năng lượng làm việc dần dần, từ chán nản đến chẳng thiết làm việc nữa, làm qua loa hay có công việc thì làm còn sếp cho nghỉ việc cũng chả sao. "Brownout" đa phần sẽ xuất hiện ở những nhân viên xuất chúng, những người làm việc hiệu quả nên nó sẽ gây ra ảnh hưởng lớn với các tập thể, thậm chí là công ty.
Anh Hồng Huy (TP.HCM) chia sẻ: "Mình hay có những khoảng thời gian bị brownout, cảm thấy bản thân không còn năng lượng để tiếp tục làm việc mặc dù về sức khỏe thì vẫn ổn, bình thường. Lúc đấy cũng đã có thời gian mình suy nghĩ rất nhiều là có nên chuyển sang một môi trường làm việc mới hay không?".
Khối lượng công việc nặng nề, không tương xứng với mức lương và vị trí
"Có thời gian sếp giao quá nhiều công việc cùng một lúc, deadline thì san sát nhau. Trong giờ hành chính mà không giải quyết được hết, phải mang cả việc về nhà nhưng không được hỗ trợ lương ngoài giờ. Khoảng thời gian đó thật sự khiến mình rất nản và nghĩ rằng nên đổi công việc để nhận được đối đãi tương xứng với bản thân hơn" - Anh Bá Cương, một nhân viên Marketing tại TP.HCM chia sẻ.
Không những vậy. Một số nhân viên còn gặp vấn đề về quy trình tăng lương và thăng tiến trong công việc không rõ ràng mặc dù đã báo cáo với cấp trên. Những yếu tố đó chính là lý do nhân viên cân nhắc việc có nên ở lại công ty.
"Có thời gian sếp giao quá nhiều công việc cùng một lúc, deadline thì san sát nhau. Trong giờ hành chính mà không giải quyết được hết , phải mang cả việc về nhà nhưng không được hỗ trợ lương ngoài giờ" - Anh Bá Cương.
Công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại
"Một công việc không cho mình nhiều kiến thức mới để phát triển bản thân và chỉ có dậm chân tại chỗ thì rất tẻ nhạt. Ngày này qua tháng nọ chỉ có bấy nhiêu thứ, đối với bản thân mình thì mình lại không thể nào làm được" - Chị Thúy Vy.
Vì vậy nhiều nhân viên đã suy nghĩ tìm một công việc mới với nhiều nguồn cảm hứng mới hơn.
Quan hệ với đồng nghiệp không tốt
Đây cũng là một nguyên nhân mà đa số những nhân viên thường gặp phải, đặc biệt là những "newbie". Vào làm công ty đã lâu nhưng vẫn chưa hòa hợp được với đồng nghiệp. Về lương và công việc có thể cải thiện, nhưng theo suy nghĩ của một số người nếu đã là nguyên nhân về con người có lẽ sẽ rất khó để thay đổi.
NHẢY VIỆC LIÊN TỤC CÓ PHẢI LÀ CÁCH TỐT ĐỂ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC
Hiện tại rất nhiều người trẻ chỉ mới đi làm được hai năm nhưng nhảy đến sáu, bảy công việc là chuyện hết sức phổ biến. Có nhiều người còn có suy nghĩ rằng nếu nhảy việc liên tục thì mức lương cũng sẽ tăng theo vì càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Đây là một suy nghĩ khá phi thực tế và nếu có số lượng mà không mang lại chất lượng nhà tuyển dụng cũng không đánh giá cao. Đặc biệt hiện nay, nếu một người ứng tuyển có hồ sơ di chuyển sang công ty mới liên tục sẽ dễ bị đánh rớt hơn những người còn lại. Nếu công việc không mang tính ổn định thì sẽ rất khó trong quá trình thăng tiến và nguồn thu nhập sẽ không được đảm bảo. Vậy nên cách giải quyết ở đây là gì?
Tìm hiểu kỹ công việc trước khi ứng tuyển
Trước khi nhận lời mời làm việc cho một công ty, người trẻ nên quan tâm đến những yếu tố sau:
Hướng phát triển trong công việc của bản thân: "Đừng nên lựa chọn công việc chuyên môn của mình một cách qua loa. Mình nghĩ ngoài việc công ty định hướng thì chính nhân viên cũng phải xác định được hướng phát triển trong ngành nghề thực sự là gì? Nếu những yếu tố khác như lương hoặc đồng nghiệp tốt, nhưng nếu không còn đam mê thì cũng rất khó để tiếp tục. Và quan trọng là nên tự tìm hiểu về công việc hơn là nghe lời người thân hoặc bạn bè khuyên nhủ" - Chị Thu Nguyên, nhân viên Ngân hàng tại TP.HCM chia sẻ.
"Đừng nên lựa chọn công việc chuyên môn của mình một cách qua loa. Mình nghĩ ngoài việc công ty định hướng thì chính nhân viên cũng phải xác định được hướng phát triển trong ngành nghề thực sự là gì?" - Chị Thu Nguyên.
Uy tín của công ty: “Công ty có lộ trình thăng tiến rõ ràng hay không? Đãi ngộ của công ty với nhân viên như thế nào? Và những ý kiến đóng góp của nhân viên có được ban quản trị quan tâm và cân nhắc không? Tìm hiểu trước về công ty trên những kênh review công ty cũng là một cách” - Anh Hữu Tín.
Mức lương mong muốn: "Có thực mới vực được đạo" đó chính là điều quan trọng vì đây chính là yếu tố giúp bạn duy trì cuộc sống thường ngày. Những kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của bạn liệu có đúng với mức lương công ty đề xuất.
"Nói đi cũng phải nói lại rằng một mức lương hài lòng cũng là cách để mình có động lực làm việc hơn. Từng ngành nghề và vị trí thì sẽ có mức lương khác nhau, cái quan trọng là phải tìm hiểu kỹ về mức lương trung bình của công việc mà mình đang ứng tuyển để khi ‘deal’ lương và lựa chọn nhận việc được vui luôn cả làng" - Chị Bảo Trân.
Cố gắng cải thiện bản thân trong công việc
Anh Minh Nghĩa thừa nhận đôi khi sẽ chán công việc nhưng xử lý bằng cách san sẻ với đồng nghiệp
"Gặp chuyện khó điều đầu tiên bản thân mình nghĩ không nên từ bỏ trước mà hãy cố gắng tìm cách để cải thiện nó. Nếu công việc thường ngày quá nhàm chán, mình có thể đề xuất lên cấp trên để được thử sức với những công việc mới. Nếu khối lượng công việc quá tải, có thể san sẻ với đồng nghiệp hoặc nhờ sự hỗ trợ từ phòng ban. Cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp bằng cách chủ động bắt chuyện hoặc là tham gia nhiều hoạt động nội bộ công ty để hiểu nhau hơn chẳng hạn" - Anh Minh Nghĩa.
Ngoài ra, nếu cảm thấy bản thân bị không có ý chí để đi làm mỗi ngày thì có thể xin phép được nghỉ ngơi một thời gian để nạp lại năng lượng.
"Nếu khối lượng công việc quá tải, có thể san sẻ với đồng nghiệp hoặc nhờ sự hỗ trợ từ phòng ban. Cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp bằng cách chủ động bắt chuyện hoặc là tham gia nhiều hoạt động nội bộ công ty để hiểu nhau hơn chẳng hạn" - Anh Minh Nghĩa.
Lựa chọn rời đi nếu như không còn phù hợp
Khi đã thử nghiệm và tìm hiểu nhiều cách để có được một công việc và môi trường tốt thì có những trường hợp ra đi chính là hướng tốt nhất cho cả bên công ty và chính nhân viên.
"Thực sự khi ở công ty cũ mình học được rất nhiều kiến thức chuyên môn có giá trị và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhưng khi công việc đến một mức độ đã không thể phát triển và định hướng của mình đã không còn giống công ty thì phải lựa chọn rời đi. Cái quan trọng là vẫn giữ được mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp cũ, hoàn thành và bàn giao đủ trách nhiệm trước khi nghỉ việc là được" - Chị Quỳnh Anh.
Nếu quan trọng việc cân nhắc lựa chọn công việc và luôn cố gắng cải thiện bản thân thì việc thăng tiến trong sự nghiệp sẽ trở nên tốt hơn so với chuyện lựa chọn nhảy việc. Một môi trường làm việc phù hợp hay không nhiều lúc lại do chính bản thân mình tự gò ép và chưa mở lòng. Vì vậy, khi quyết định thực hiện một điều gì nên suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ để không phải hối hận.