Buổi livestream đầu tiên của NTK Thái Công kết thúc vào 22 giờ 40 tối ngày 09/1 gây “bão” cộng đồng mạng.
Theo thống kê của đội ngũ hỗ trợ, phiên livestream đạt được con số kỷ lục số lượng người xem nhiều nhất khi lần đầu tiên livestream trên TikTok Shop. Thái Công được xếp hạng vào top “creator TikTok” tại Việt Nam với con số thống kê ấn tượng: Hastag #ThaicongTV đạt gần 1 tỷ lượt xem; 4,2 triệu lượt gửi tim; 1,7 triệu lượt xem; 46,6 nghìn số người xem trực tiếp; 94 nghìn lượt bình luận; 25 nghìn lượt chia sẻ.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi thú vị với NTK Thái Công để hiểu rõ hơn về những điều còn chưa được bật mí trong phiên livestream gây sốt MXH.
01. Lý do duy nhất livestream: Vì TÒ MÒ, nên tôi phải tự đi tìm câu trả lời
- Vì sao anh quyết định livestream bán các sản phẩm “super luxury” trên TikTok?
Tôi muốn tạo sự thử thách cho bản thân. Tôi tò mò không biết nếu mình livestream sẽ có những ai theo dõi. Trên TikTok, tôi có hơn 1 triệu follow, kênh Youtube có nửa triệu follow, vậy thì khi livestream sẽ có bao nhiêu người xem và họ là những ai.
Tò mò chính là lý do khiến tôi mở buổi livestream đầu tiên trên TikTok. Tôi đi tìm câu trả lời cho mình.
- Theo chia sẻ, anh là người tiên phong livestream bán các sản phẩm xa xỉ ở Việt Nam, trong khi điều này không còn xa lạ ở Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng tiêu thụ cao, vậy khi áp dụng vào Việt Nam có phù hợp?
Câu trả lời vẫn là sự tò mò của bản thân. Tôi tò mò về market (dung lượng thị trường) Việt Nam, khách hàng Việt Nam.
Cách đây 10 năm, tôi về Việt Nam kinh doanh, đây cũng là thách thức, một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Tôi tự đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu người chịu bỏ ra cả triệu đô la để tôi thiết kế ngôi nhà cho họ?
Nhưng hiện nay, tôi đã làm được những penthouse mà khách hàng sẵn sàng chi 6 triệu USD cho nội thất hay những villa với 10 triệu USD tiền nội thất. Nhiều người không tin 10 năm sau, tôi làm được những công trình như vậy. Đó là câu hỏi và tôi luôn muốn tự tìm câu trả lời.
- Để chuẩn bị cho buổi livestream, anh cùng team đã thực hiện những công việc gì? Chưa từng livestream trên TikTok, cảm xúc của anh ra sao?
Sau khi bắt tay chuẩn bị cho buổi livestream, tôi không ngờ đội nhóm của mình đã gặp nhiều khó khăn, phải chuẩn bị nhiều thứ như vậy.
Trên TikTok, người ta bán một sản phẩm giá trung bình chỉ khoảng 140.000 đồng. Nhưng shop tôi giá sản phẩm thấp nhất là 3 triệu đồng, giá sản phẩm cao nhất là 2 tỷ đồng, trong khi TikTok giới hạn sản phẩm có giá trị cao nhất chỉ 1 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng khán giả vẫn xem được sản phẩm mà không bị hạn chế.
Hay trong phiên livestream đầu tiên, TikTok quy định shop chỉ bán 200 đơn hàng vì sợ nếu có nhiều người đặt, shop không kiểm soát được. Vì thế, tôi phải đàm phán rất lâu mới có thể tăng số lượng đơn hàng. Về vấn đề vận chuyển, thông thường TikTok sẽ hỗ trợ nhưng như các bạn biết, sản phẩm của tôi rất đắt tiền nên cần đội ngũ shipper được đào tạo bài bản từ chính bên công ty tôi. Nhiều shipper bình thường còn bày tỏ lo lắng, hồi hộp nếu vận chuyển những sản phẩm “super luxury” đó.
TikTok còn quy định trên livestream không được xuất hiện những món đồ sắc nhọn như dao, đũa, nĩa,… Trong khi lúc đầu, ý tưởng của tôi là hướng dẫn mọi người cách dùng bữa theo phong cách quý phái. Hay TikTok yêu cầu tôi chứng minh toàn bộ sản phẩm đắt tiền là chính hãng. Vì vậy, tôi phải cung cấp giấy tờ về nguồn gốc nhập khẩu trực tiếp bên Pháp, Ý, Đức.
Để mở được buổi livestream như vậy rất công phu, đằng sau còn đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ. Chẳng hạn như khi tôi nhắc tới sản phẩm nào, ngoài việc team đưa cho tôi sản phẩm đó thì họ còn phải chèn link vào phiên livestream. Tạo nên sự thành công của buổi livestream, một mình tôi không thể làm được.
- Tỷ lệ chốt đơn trong phiên livestream đầu như thế nào? Có đạt kỳ vọng như kế hoạch đặt ra ban đầu không, thưa anh?
Tới hôm nay, tôi cũng không biết mình bán được bao nhiêu sản phẩm bởi có đội ngũ đằng sau lo hết. Tôi chỉ biết kỷ lục người xem là 46.000 người, nhiều người thả tim. Tôi không biết số đó là ít hay nhiều, chỉ biết đội nhóm phía sau nhận định đây là con số khủng khiếp với một phiên livestream đầu. Thật sự đây là điều khiến tôi hứng thú hơn cả số đơn hàng bán ra.
- Cảm nhận của anh sau phiên livestream đầu tiên là gì, đặc biệt khi team thông báo anh là “creator” đạt những con số kỷ lục mà hiếm ai ở Việt Nam làm được?
Tôi mới nhận được lời chúc mừng từ TikTok dành cho cả team về những kỷ lục được gửi qua email. Họ nói rằng có nhiều người livestream rất lâu mới đạt được con số kỷ lục. Thật sự tôi thấy bất ngờ và biết mình nổi tiếng, có sự ảnh hưởng, được người khác chú ý.
Tôi cũng tự hào và khẳng định đây chính là bước tiến mới trong sự nghiệp. Tôi muốn đem đến cho khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ có một cuộc sống nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Tôi tin nếu có 3 thứ đó, cái tâm của chúng ta sẽ tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn, phát triển bản thân hơn và thành công hơn trong cuộc sống. Như vậy chúng ta mới có thể giúp xã hội Việt Nam ngày càng phát triển.
02. Muốn giàu có hãy học Thái Công…
- Chiếc túi vải với dòng chữ “Kiến thức - Trải nghiệm - Kinh nghiệm” có chữ ký của anh được bán hết chỉ trong vài phút. Chiếc túi có giá 99.000 VNĐ - ai cũng có thể mua đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Vì sao anh có ý tưởng thú vị này?
Khi tôi thông báo sẽ mở buổi livestream đầu tiên, nhiều người phản hồi rằng họ chỉ có thể xem mà không mua được. Tôi mới nghĩ cách tạo ra sản phẩm vừa cá tính, cá nhân hóa của tôi mà ai cũng có thể sở hữu.
Và tôi mới nghĩ đến một cái túi xách để đựng đồ có thiết kế đơn giản màu trắng, in slogan của tôi “Kiến thức - Kinh Nghiệm - Trải Nghiệm”. Tôi muốn với sản phẩm này, ai cũng có thể mua được, ai cũng có thể trở thành khách hàng của tôi nên giá chỉ 99.000 VNĐ. Và chỉ trong vòng 2 phút, sản phẩm đã “sold out”, bán sạch không còn cái nào.
Đặc biệt, tôi muốn ký tên lên nhằm gửi gắm đến “fan”, đặc biệt là những bạn trẻ rằng: Muốn phát triển bản thân thì hãy tạo ra kiến thức. Hay như họ có thể dạy con: “Nếu muốn thành công, giàu có như Thái Công thì cần kiến thức”. Đó là hình tượng cụ thể để nhìn vào.
Vì thế, tôi muốn tạo ra một sản phẩm mà người ta sử dụng thường xuyên, mỗi ngày để người ta nhớ đến kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Điều này giúp nhiều người phát triển bản thân. Chiếc túi xách còn được tôi ký tên trực tiếp lên trên đó.
- Phiên livestream thứ ba tuần sau dự định sẽ tiếp tục bán những mặt hàng phân khúc cao cấp đúng không anh? Ngoài ra, anh có bán những sản phẩm có giá tiền mà ai cũng có thể sở hữu như phiên livestream đầu không?
Ở những livestream sau sẽ có nhiều thứ gây ngạc nhiên, bất ngờ cho khán giả. Tôi từng là ảo thuật gia, mang đến sự giải trí mọi người. Tôi luôn đưa “magic” - sự huyền bí lên sân khấu thì với bán hàng cũng vậy, tôi thích khiến người khác ngạc nhiên.
- “Tinh tế” luôn là từ anh nhấn mạnh trong phiên bán hàng của mình. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm tinh tế?
Trước khi livestream, tôi cũng nghiên cứu sơ qua cách thức người khác làm vì tôi không có nhiều thời gian. Mỗi nền tảng đều có kỹ thuật, phong cách riêng. Tôi thấy họ thường nói nhiều, nói lớn - đó là điều tôi không làm được. Nhưng ngược lại, tôi nghĩ mình có thể tạo ra phong cách riêng. Tất cả sản phẩm mà tôi đưa ra đều rất quý giá. Tôi nghĩ buổi livestream giống như phiên đấu giá.
Bởi vậy tôi có để một cái đôn, mang găng tay trắng để trình bày những sản phẩm cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng lên đó. Tôi muốn mọi người cảm nhận đó là những sản phẩm nghệ thuật. Phiên livestream của tôi giống như một buổi đấu giá của Sotheby’s vậy.
- Như anh cho biết trong livestream: “Với các món đồ ở đây, nhiều người biết giá tiền nhưng ít người biết giá trị”?
Trong thời gian qua, tôi bán những sản phẩm rất đắt tiền. Nhiều người không hiểu, nói tôi độn giá, giá ảo. Nếu cung cấp giá ảo thì tôi không thể làm nghề trong hơn 25 năm qua, không có thành công như hôm nay, không có tiệm giữa trung tâm TP. HCM.
Với các sản phẩm tôi đang rao bán có nguồn gốc ở Pháp, nếu các bạn mua từ Paris, London thì giá cũng gần như nhau. Như vậy, chúng ta phải có kiến thức, phải hiểu được giá trị thật. Tôi muốn dùng câu nói của ông Oscar Wilde từ 100 năm trước: “Rất nhiều người biết giá nhưng ít người biết giá trị".
Chẳng hạn với dụng cụ gắp đá tôi bán giá 10 triệu đồng, đâu ai biết nó được mạ bạc, từ công ty tồn tại hơn 200 năm. Bao nhiêu công ty làm được điều đó? Để làm ra được dụng cụ gắp cần bỏ ra công sức, design tới sản xuất,… Hay chiếc bình pha lê hơn 200 triệu đồng, mấy ai biết công ty sản xuất đã có 400 năm. Trước đây, họ sản xuất cho các nhà vua sử dụng và tồn tại đến tận bây giờ. Hay có chiếc bình bản giới hạn, cả thế giới chỉ có 250 chiếc. Muốn sản xuất được chiếc bình đó cần rất nhiều kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng tinh tế.
Qua đó, tôi muốn nhắn gửi rằng cuộc sống có rất nhiều thứ, mỗi chúng ta phải tạo cho mình kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm.
- “Những đồ siêu đắt đỏ dành cho rất ít người cực giàu có kênh bán hàng và quảng bá riêng, chứ đem rao khắp nơi có lẽ muốn khoe là chính”, có ý kiến trái chiều của CĐM như vậy, anh nghĩ sao?
Ở Việt Nam có hơn 100 triệu người, tôi muốn biết bao nhiêu người xem TikTok, bao nhiêu người mua được các sản phẩm đắt tiền, bao nhiêu người bỏ tiền ra mua?
10 năm trước, tôi đem đèn pha lê về, lúc đó nhiều người đến xem và không hiểu giá trị thật. Nhưng hôm nay tôi đã đánh thức giới thượng lưu - những người có cuộc sống giàu sang tinh tế. Tôi khuyến khích họ tinh tế đồng đều. Chẳng hạn họ đeo đồng hồ đắt tiền, đi xe hơi đắt tiền, uống rượu đắt tiền thì cần cái ly, cái xô đá, dụng cụ gắp đá cũng phải đắt tiền, không thể dùng cái gắp đá 15.000 VNĐ.
Sự đồng đều sẽ giúp người khác đánh giá bạn tinh tế chứ không phải khoe ra bạn sống ở một lâu đài lớn nhưng nội thất, bàn ghế bên trong rẻ tiền và sến súa, sẽ không phù hợp với bên ngoài. Nếu hiểu được điều đó, chúng ta sẽ kiến tạo nên một xã hội đàng hoàng, thật thà, tử tế và tinh tế.
- Vậy thông điệp chia sẻ của anh là gì?
Buổi livestream cũng giống như một sân khấu và tôi là người nghệ sĩ. Tôi muốn tương tác với khán giả của mình. Tôi ngồi ở tiệm thuộc Quận 1 TP. HCM – nơi ít người dám bước vào và có nhiều người ở xa có tiền cũng muốn đến xem. Vì thế tôi livestream TikTok để tạo sự gần gũi với mọi người, đặc biệt là những người trẻ.
Tôi hiểu ở độ tuổi 20, 25, 30, mình cũng có nhiều ước mơ và cần học hỏi những người đi trước. Đó đơn giản là cách cầm cái tách sao lịch sự hay đi tìm lý tưởng cuộc sống, niềm hạnh phúc thật sự. Cùng với đó là việc bán những sản phẩm mà mọi người đều mua được, thật sự rất là thú vị.
Tôi có một ước mơ rằng xã hội Việt Nam sẽ văn minh, công bằng, phát triển mọi thứ hơn trong tương lai. Mục tiêu của tôi là nếu 20, 30 năm nữa, những điều tôi nói ngày hôm nay giúp thay đổi tư duy của nhiều người, tạo ra cho họ cuộc sống đàng hoàng, tử tế, tinh tế hơn.
- Anh cho rằng mình thành công nhất ở điều gì?
Đó là niềm hạnh phúc với cuộc sống của mình và tôi cũng không muốn đổi với ai cuộc sống đang có, dù đó là tỷ phú Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Lady Gaga. Tôi muốn Thái Công là Thái Công, tôi rất là hài lòng với cuộc sống hiện tại và thưởng thức công việc mỗi ngày.
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!