Nữ sinh tốt nghiệp trường ưu bỏ việc văn phòng, đi làm dọn dẹp, mua được nhà ở tuổi 34: Chỉ là công cụ kiếm tiền, công việc không phản ánh con người bạn

Không chỉ đạt được mức lương lên đến hơn 70 triệu đồng, người phụ nữ làm nghề dọn dẹp này còn thành công khi xuất bản được cuốn sách về cuộc đời mình. Đối với cô công việc bạn đang làm không phản ánh con người bạn như thế nào.

Hồi tháng 6, một chương trình của Hàn Quốc đưa tin về người phụ nữ 34 tuổi tên là Kim Ye-Ji đã làm công việc dọn dẹp trong 8 năm sau tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật. Điểm đặc biệt là cô hiện có thu nhập lên đến hơn 4 triệu won/tháng (khoảng 74 triệu đồng) và mua được căn nhà đầu tiên của chính mình. Song hành với công việc dọn dẹp cô vẫn xuất bản cuốn sách minh hoạ của riêng mình và được nhiều người đón nhận.

Không thể hoà đồng với môi trường công sở

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của cô là những ngày tháng sống trong cảnh thiếu thốn. Yêu thích hội hoạ, cô đã cố gắng để trúng tuyển vào Học viện Mỹ thuật nhằm theo đuổi đam mê. Song gia đình không đủ khả năng chi trả học phí. Cô buộc phải vay tiền để đóng học phí. "Những năm tháng học đại học, tôi sống như một kẻ ăn mày", Kim kể lại.

Nữ sinh tốt nghiệp trường ưu bỏ việc văn phòng, đi làm dọn dẹp, mua được nhà ở tuổi 34: Chỉ là công cụ kiếm tiền, công việc không phản ánh con người bạn  - Ảnh 1.

Ảnh: Weibo

Để có thể trả được khoản vay này, trong suốt quãng thời sinh viên, cô phải vừa học vừa làm. Vì đam mê nên cô vẫn cố gắng đến cùng để lấy được tấm bằng đại học.

Sau khi tốt nghiệp, giống như hầu hết sinh viên khác, cô trở thành nhân viên thiết kế mẫu sản phẩm tại công ty thương mại điện tử. Giờ đây khi nhớ lại quãng thời gian đó, cô chỉ có thể nói ngắn gọn "tồi tệ".

Kim cho biết không thể phá vỡ một phần tính cách của mình và thích ứng với quy tắc nơi làm việc. Vì vậy đối với cô mỗi ngày đến công ty như đến cục tư pháp hình sự. Bản thân Kim mắc chứng sợ giao tiếp xã hội và rối loạn lo âu nặng. Vì thế khi phải tiếp xúc với mọi người trong công ty cô cảm thấy bị gánh nặng về tâm lý.

Sau khi làm việc được khoảng một năm, cô quyết định nghỉ việc. Vốn muốn trở thành họa sĩ minh họa song khi nộp đơn vào một số công ty thiết kế, cô không nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào.

Không có việc làm, vấn đề cơm áo gạo tiền khiến cô buộc phải tìm cách. Lúc này mẹ của Kim đã gợi ý cô đến với công việc dọn dẹp.

Kiếm được mức lương 4 triệu won/tháng không phải chuyện đơn giản

Công việc này cho cô thu nhập cao hơn so mức lương của một nhân viên mới tại các công ty thiết kế. Hơn nữa thời gian làm việc linh hoạt có thể giúp cô vẫn có thể theo đuổi đam mê vẽ minh hoạ của mình. "Thật tuyệt vời khi có thể thực hiện ước mơ mà không trì hoãn công việc kiếm tiền", Kim Ye-Ji nói.

Kể từ đó cô trở thành đồng nghiệp của mẹ mình và gắn bó với công việc dọn dẹp trong 8 năm sau đó. Kết quả là cô đã kiếm được tiền và có tự mua được căn nhà cho chính mình. Cô Kim cho rằng hạnh phúc của công việc dọn dẹp nằm ở chỗ "sống là chính mình, không có công việc nào tốt hơn công việc này". Thông qua công việc này, cô đã học được nhiều điều về trách nhiệm sống của một người trưởng thành.

Nữ sinh tốt nghiệp trường ưu bỏ việc văn phòng, đi làm dọn dẹp, mua được nhà ở tuổi 34: Chỉ là công cụ kiếm tiền, công việc không phản ánh con người bạn  - Ảnh 2.

Ảnh: Weibo

Ở thời điểm hiện tại khi đã đạt được mức lương lên đến 4 triệu won, nhiều người cho rằng con đường cô đang đi khá suôn sẻ. Song thực tế không phải luôn màu hồng như vậy. Ban đầu Kim có ý tưởng làm đồng thời cả 2 công việc vẽ tranh và dọn dẹp. Tuy nhiên, nhiều sinh viên mới ra trường vẽ đẹp hơn rất nhiều nên khả năng cạnh tranh của cô dần mất đi. Cô đã nỗ lực rất nhiều, đăng tải lên các mạng xã hội hay trang web về thiết kế nhưng vẫn không có đơn đặt hàng.

Thêm vào đó, công việc dọn dẹp lại rất vất vả. Nó vắt kiệt sức lực của cô sau mỗi giờ làm. Bởi cô chủ yếu dọn dẹp tại các cơ sở công cộng có diện tích lớn như trường học, bệnh viện, nhà máy, văn phòng...

Khi bắt đầu công việc này, ngày nào tay cô cũng sưng tấy sau giờ làm. Bàn tay cô cũng dần xuất hiện vết chai sau thời gian dài lao động vất vả. Kim cho biết sau 8 năm làm dọn dẹp đến giờ cô vẫn khẳng định đây là công việc không dễ dàng.

Nữ sinh tốt nghiệp trường ưu bỏ việc văn phòng, đi làm dọn dẹp, mua được nhà ở tuổi 34: Chỉ là công cụ kiếm tiền, công việc không phản ánh con người bạn  - Ảnh 3.

Ảnh: Weibo

Cô thường đi làm từ khi trời vẫn còn tối, khoảng 5h30 sáng và trở về nhà khi mọi người đã đi ngủ. Nhiều lúc cô nghĩ rằng mình có cần vất vả như thế này để kiếm được nhiều tiền hay không? Thực tế nhiều thời điểm Kim đã nghĩ đến chuyện bỏ việc nhưng vì hiểu được rằng phải có trách nhiệm với tương lai của mình nên cô vẫn tiếp tục.

Công việc đang làm không phản ánh con người bạn

Với những xung đột bên trong, cô có thể giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên Kim không thể phớt lờ ánh mắt soi xét của những người xung quanh. Nhiều người cho rằng một cô gái tốt nghiệp đại học lại chọn làm công việc dọn dẹp là sự lãng phí và kỳ quặc.

Song khi suy nghĩ trưởng thành hơn, cô dần nhìn nhận được rằng công việc chỉ là công cụ kiếm tiền. Nó không định nghĩa được con người của bạn. Cô cố gắng tách mình ra khỏi công việc và vẫn cố gắng theo đuổi đam mê hội hoạ của mình.

Ở năm thứ 4 làm công việc quét dọn, cô đã sắp xếp tất cả những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân thành những bức vẽ minh hoạ. Cô viết ra những gì mình đang làm và vẽ ra công việc, cuộc sống trong suốt 4 năm qua.

Cuốn sách đã được xuất bản năm 2019 với tựa đề "Tôi là người dọn dẹp". Chính bản thân Kim Ye-Ji cũng không ngờ rằng cuốn sách tranh minh hoạ của cô lại được nhiều người đón nhận đến vậy. Ngay cả khi không theo đuổi công việc dọn dẹp, nhiều người trẻ vẫn nhìn thấy mình trong đó.

Nữ sinh tốt nghiệp trường ưu bỏ việc văn phòng, đi làm dọn dẹp, mua được nhà ở tuổi 34: Chỉ là công cụ kiếm tiền, công việc không phản ánh con người bạn  - Ảnh 4.

Ảnh: Weibo

Sau khi ra trường đa số các bạn trẻ sẽ cố gắng trở thành nhân viên văn phòng, "trông có vẻ tươm tất nhưng ngày nào cũng nơm nớp lo sợ". Bởi họ phải đối diện với khối lượng công việc lớn, áp lực tâm lý, áp lực tài chính, các vấn đề trong quan hệ với các đồng nghiệp. Thực tế đây là những vấn đề mà giới trẻ Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Kim Ye-Ji tưởng chừng đã dấn thân vào con đường ít người lựa chọn, dễ đi hơn. Song thực tế con đường này cũng lắm chông gai. Bởi ở nơi cô sống một người dọn dẹp, cho dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền chắc chắn không phải là người thành công điển hình.

Vì thế cô chỉ có thể cố gắng hết sức và nỗ lực duy trì thêm công việc vẽ tranh minh hoạ. Nhưng ngay cả khi thành công với cuốn sách minh hoạ được xuất bản, nhiều người vẫn không ngừng đánh giá cô.

Tuy nhiên Kim Ye-Ji đã học cách suy nghĩ về các vấn đề theo hướng tập trung vào bản thân. "Bây giờ tôi đang tìm lối thoát theo cách của riêng mình và suy nghĩ của người khác không còn quá quan trọng".