Người dẫn chương trình Sukaina Benzakour từng nói rằng: "Mặc 1 bộ trang phục nhiều lần được coi là tội phạm thời trang". Và cô gái 25 tuổi này không hề đơn độc trong quan điểm của mình.
"Mỗi bộ quần áo, tôi chỉ mặc 1 lần. Bởi vì, thông thường nếu tôi mặc 1 bộ quần áo mới và đi ra ngoài, chắc chắn tôi sẽ chụp những bức ảnh xinh đẹp để đăng lên MXH. Và tôi không thích bị nhìn thấy trong 1 bộ quần áo 2 lần", Benzakour chia sẻ.
Rachel đồng tình với quan điểm trên. Cô ấy bán quần áo mình trên 1 nền tảng chuyên thu mua đồ cũ chỉ sau 1 lần mặc. "Tôi yêu tất cả những bộ quần áo này nhưng tôi ghét mặc chúng hơn 1 lần". Khi được hỏi tại sao lại ghét điều đó đến vậy, cô ấy giải thích rằng bản thân bán chúng vì đã từng chụp hình với những bộ quần áo đó, hoặc mặc đến các sự kiện lớn. "Tôi thích tận dụng mọi cơ hội để chưng diện những bộ quần áo mới mỗi lần xuất hiện".
Hiện nay có rất nhiều người ý thức được rằng việc mặc thứ gì đó 1 lần và sau đó bỏ nó đi là không tốt cho môi trường cũng như túi tiền. Song, họ vẫn tiếp tục làm điều đó. Vậy chính xác thì điều gì khiến họ có "mong muốn" vứt bỏ tủ quần áo đến như vậy?
Cho rằng tất cả đang hướng mắt về phía mình
Bạn đang đi bộ trên trường, và bạn biết là mình đã mặc bộ quần áo này chỉ 1 tuần trước. Khi đi ngang qua vài người, bạn cảm thấy mọi người đang nhìn và đánh giá trang phục của mình ngày hôm nay. Có thể trong trường hợp này bạn đang đánh giá quá cao đến lượng người để ý hoặc quan tâm đến vẻ ngoài của mình.
Trong tâm lý học có 1 thuật ngữ giải thích cảm giác này gọi là Hiệu ứng ánh đèn sân khấu - Spotlight Effect. Đây là xu hướng đánh giá quá cao mức độ mà người khác chú ý đến hành động hoặc vẻ ngoài của chúng ta. Song, hầu hết mọi người không quan tâm đến việc chúng ta trông như thế nào hoặc đang làm gì.
Zack Smith, 1 doanh nhân 25 tuổi chia sẻ rằng: "Hầu hết mọi người không muốn những bình luận tiêu cực nói rằng: Không phải trước đây bạn đã từng mặc bộ quần áo này trong quá khứ?". Tuy nhiên, thực tế là hiếm khi mọi người nói về những điều đó trong phần bình luận. Và nếu có, hẳn đó không phải là người bạn thật sự của bạn.
Cũng giống như sự vui vẻ khi mặc 1 bộ trang phục mới, một số người quan tâm đến cách người khác đánh giá mình trong bộ quần đó. Hay, họ nghĩ rằng những người khác đang âm thầm đánh giá họ. Cùng với sự phát triển vượt bậc của MXH, việc chia sẻ hay nhìn thấy những bài chia sẻ về bộ quần áo hàng ngày vô cùng dễ dàng. Điển hình là hashtag #OOTD (Outfit Of The Day - trang phục hàng ngày) đang ngày càng phổ biến.
Trên những hashtag này, chúng ta khó có thể nhìn thấy những bộ quần áo giống nhau. Hay những người ảnh hưởng (influencer) cũng hiếm khi mặc lại cùng 1 bộ đồ, và biến nó trở thành xu hướng chung. Tức là việc mặc lại bộ quần áo đã từng diện trước đó khiến bạn cảm thấy bất an và sợ rằng người khác "chỉ trỏ" bạn vì sự khác biệt đó.
Alice Gividen, biên tập viên chỉnh sửa xu hướng toàn cầu của WGSN The Feed chia sẻ: "Khái niệm FOMO thuộc về bản chất của việc chia sẻ xã hội - và nó tác động đến quần áo và thói quen mua sắm. Bắt đầu bằng việc hashtag #OOTD giới thiệu cho chúng ta những bộ quần áo mà chúng ta không có hoặc không đủ khả năng chi trả - và thúc đẩy mức tiêu thụ nhiều hơn".
Mua quần áo có thể giúp giảm stress, nhưng sau đó sẽ là nỗi lo tài chính
Bên cạnh đó, có những yếu tố tâm lý khác thúc đẩy chủ nghĩa siêu tiêu dùng này. Giáo sư Carolyn Mair viết trong cuốn sách của mình, Tâm lý học về thời trang: "Khi con người phát triển và các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, họ có động lực lớn hơn để thuộc về, quý trọng và tự hiện thực hóa thời trang và các sản phẩm liên quan đến thời trang có thể thỏa mãn những nhu cầu này. Những nhận xét và đánh giá từ người khác có thể ảnh hưởng đến cách họ tự đánh giá, nhận dạng bản thân cũng như lòng tự trọng". Nói cách khác, quần áo quan trọng đối với cách chúng ta cũng như những người khác nhìn nhận về bản thân mình.
Quần áo có thể giảm bớt lo lắng xã hội, hoạt động như một tấm vải để thể hiện bản thân và tạo ra cảm giác thân thuộc ở người mặc. Những người tận dụng các lợi ích này từ quần áo - những người quan tâm đến ngoại hình và "thời trang" - có xu hướng dễ tiếp nhận các quảng cáo nhấn mạnh hình ảnh và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho quần áo so với những người khác, theo Mair.
Khi chúng ta nhượng bộ và mua những bộ quần áo mới này, chúng ta sẽ nhận được một lượng dopamine - hoóc môn tạo cảm giác dễ chịu. Retail Therapy nôm na là dùng việc mua sắm để làm tâm trạng bản thân tốt hơn. Chẳng hạn, bạn không cần bất cứ thứ gì. Nhưng bạn vẫn muốn đến trung tâm mua sắm, mua đôi giày bạn đã để mắt đến hàng tháng trời. Chỉ đơn giản vì nó sẽ giúp bạn loại bỏ sự u ám trong một ngày tồi tệ. Trong một khảo sát những người thường xuyên mua sắm của nhà tâm lý học Penn State, có đến 62% người tham gia khảo sát thật sự đã cải thiện được tâm trạng sau khi mua sắm điên cuồng.
Bức tranh đằng sau thói quen mặc quần áo 1 lần và sau đó vứt bỏ chúng bao gồm rất nhiều lý do. Đó là những áp lực xã hội, động lực tâm lý và ảnh hưởng bởi nội tiết tố. Hiểu về điều này để giúp chúng ta nhìn xa hơn để hướng tới những nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp với bản thân.
Chúng ta bắt buộc phải xem xét lại cách lãng phí quần áo cũng như đặt câu hỏi về động cơ mua hàng của bản thân. Khi chúng ta có cách nhìn đúng đắn hơn, chẳng hạn như những người khác không quan tâm ta nhiều đến như vậy, hay mua quần áo mới vui lúc đó. Những vấn đề khác chẳng hạn như "rỗng ví", nỗi ám ảnh với vẻ ngoài còn to lớn hơn nhiều.
Theo Refinery29, Carbini