Bực mình vì bất đồng ngôn ngữ
Nghe con gái nói đang yêu một chàng trai người Pháp quen qua mạng xã hội, làm nghề pháp y, cô Kim Liên (59 tuổi, sống ở quận Bình Tân, TP.HCM) không khỏi lo lắng. Cô Liên vừa lo con gái bị lừa, vừa sợ khi nghĩ đến công việc pháp y.
Lần đầu tiên con gái dẫn bạn trai về nhà, cô Liên lại “choáng” lần nữa vì anh Ben Funk có ngoại hình to cao, để râu rậm rạp. Tuy nhiên qua tiếp xúc, cô Liên thấy “con rể tương lai” là một chàng trai dễ thương, vui vẻ, hoạt bát.
Dần dần, cô cũng ngưỡng mộ nghề nghiệp của Ben vì công việc pháp y giúp ích rất nhiều cho việc điều tra các vụ án.
Trang và Ben hẹn hò 5 năm trước khi kết hôn.
Cặp đôi hiện đang sống ở Pháp.
Sau 5 năm hẹn hò, tháng 11/2023, Ben và Thu Trang (28 tuổi) - con gái cô Liên kết hôn. Hiện tại, Trang đã theo Ben sang Pháp định cư. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng Trang về Việt Nam thăm bố mẹ.
Có một chàng rể ngoại quốc, khó khăn lớn nhất của cô Liên chính là vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
“Thời gian đầu hai mẹ con nói chuyện toàn ra dấu với nhau mà vẫn không hiểu được người kia muốn nói gì. Sau này thì tôi dùng google dịch. Nhiều lần nói mà con không hiểu, làm không đúng ý nên tôi cũng bực mình, phải mắng con gái để nó nói chồng nó.
Có thời gian chồng tôi và Trang đều đi làm, chỉ có tôi và Ben ở nhà. Hai mẹ con nói chuyện buồn cười lắm. Ăn cơm xong Ben muốn giúp mẹ rửa chén. Nhìn con rửa bẩn mà tôi không dám nói vì ngại. Tôi đứng sau nhìn chỉ thấy Ben tráng bát qua nước rồi úp luôn lên giá. Mãi sau tôi mới biết là ở Pháp họ dùng máy rửa bát, chỉ cần tráng sơ rồi cho vào máy. Tôi giải thích và làm mẫu cho Ben biết cách mình tự rửa bát thì phải làm như thế nào.
Làm rể Việt Nam giúp Ben có nhiều trải nghiệm thú vị.
Ngoài ra Ben còn giúp tôi quét nhà. Nhưng Ben dùng tay trái, quét không sạch nhìn vừa “ngứa mắt” vừa thấy thương. Thật ra Ben cũng không biết quét nhà vì chỉ quen dùng máy hút bụi thôi”, cô Liên nhớ lại những sự cố hài hước của hai mẹ con.
Với Ben, lần đầu gặp mẹ vợ anh cũng rất run, không biết mẹ có chấp nhận mình hay không? Ben sợ rằng mẹ muốn gả con gái cho người Việt Nam hơn là một người ngoại quốc. “Khi gặp, nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi biết bà là người hiền lành, tốt bụng, thân thiện. Mẹ vợ hoàn hảo, mẹ rất tốt, mẹ là số 1”, Ben nói.
"Trợn mắt" vì món chay của mẹ vợ
Không chỉ vấn đề bất đồng ngôn ngữ, mà câu chuyện ẩm thực, khác biệt văn hóa cũng khiến Ben và mẹ vợ có nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Ben thích ăn nhiều món mẹ vợ nấu như: Khổ qua dồn thịt, bún bò Huế, bò kho,... Tuy nhiên, chàng rể Tây lại không ăn được món chay do cô Liên làm. Truyền thống nhà cô Liên là vào ngày mùng rằm, mùng 1 hàng tháng, cả gia đình bắt buộc phải ăn chay.
“Ben ngồi ăn mà nuốt không nổi, trợn mắt lên nuốt. Con trai tôi (anh trai của Trang) thấy vậy liền nói: “Mẹ ơi, tội nghiệp Ben quá, có nồi thịt kho, mẹ lấy cho Ben ăn đi” nhưng tôi dứt khoát không đồng ý. Tôi nói Trang hãy giải thích cho Ben hiểu về việc bắt buộc phải ăn chay vào ngày rằm, mùng 1.
Hay có lần tôi nấu mỳ Ý nhưng nấu theo kiểu Việt Nam, không giống bên Pháp. Ben ăn không hợp khẩu vị nhưng cũng không dám chê, vẫn ăn 1-2 miếng rồi ngồi chống cằm, còn cả nhà thì ăn hết sạch”, cô Liên kể.
Trang thường về Việt Nam thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán.
Câu chuyện của chàng rể Tây và mẹ vợ Việt tràn ngập tiếng cười.
Vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, mẹ vợ bận rất nhiều việc, Ben không biết làm gì nên chỉ dám ngồi im một chỗ, sợ mẹ mắng. Cô Liên cũng không cho Ben đi ra đi vào cửa nhà vì phải đợi có người hợp tuổi xông nhà trước rồi mọi người mới được ra vào.
Nhập gia tùy tục, chàng rể người Pháp cũng dần hòa nhập được với nhiều nét văn hóa của người Việt. Ben tâm sự, anh thích khám phá đất nước và con người Việt Nam và rất mong sau này có thể về quê vợ sống.
Chàng rể ngoại quốc gửi lời cảm ơn chân thành đến mẹ vợ vì đã luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho mình. Trong thời gian tới, Ben đang sắp xếp, hoàn thành các thủ tục để đưa bố mẹ vợ sang Pháp chơi, gặp gỡ gia đình thông gia.
Nguồn: Mẹ chồng nàng dâu, Ảnh: FBNV