Nếu muốn được người xung quanh yêu mến và tôn trọng, chúng ta cần biết cách cư xử đúng mực và khôn ngoan. Ngay cả ở nơi làm việc, chúng ta cũng cần thể hiện trí tuệ cảm xúc cao trong từng tình huống. Đặc biệt, khi giao tiếp với cấp trên, bạn càng cần khéo léo, thông minh để sếp đánh giá cao về mình.
Tại nơi làm việc, những người trí tuệ cảm xúc cao thường sẽ được lòng lãnh đạo. Trong khi nhiều người khác mừng ra mặt khi sếp cất lên lời khen thì những người EQ cao lại không như vậy. Ngay cả khi được lãnh đạo tán thưởng hết lời, họ cũng sẽ không thể hiện sự vui mừng thái quá. Ngược lại, họ sẽ giữ thái độ khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi để hoàn thiện bản thân hơn.
Người EQ cao nói ra lời nào cũng được lòng đối phương. Ảnh minh họa: Internet
Một người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết rằng lãnh đạo có đang thực sự muốn dành lời khen cho mình hay không. Là người khôn ngoan, tinh tế, họ không quên gửi lời cảm ơn tới sếp vì đã khen ngợi. Họ cũng thể hiện rõ sự khiêm tốn bằng cách nói rằng mình còn cần cố gắng nhiều hơn nữa. “Em cảm ơn sếp nhưng em vẫn cần cố gắng nhiều hơn để duy trì phong độ của mình” - Đây là câu nói khôn ngoan và thể hiện sự tinh tế của bạn với người đối diện.
Nếu dự án lần này bạn làm việc chung với ai đó, đừng quên nhắc tới họ với cấp trên. Đây vừa là cách thể hiện sự khiêm tốn của bạn vừa chứng minh tinh thần làm việc nhóm hiệu quả. “Dự án lần này còn có sự tham gia của tập thể chứ không phải cá nhân em. Sau này chúng em sẽ tiếp tục phát huy tinh thần làm việc này ạ”. Khi người EQ cao nói câu này, chắc chắn họ sẽ ghi điểm 10 tròn trĩnh trong cảm nhận của người lãnh đạo.
Sếp khen ngợi nghĩa là họ đang đánh giá cao năng lực, cố gắng của bạn trong công việc (Ảnh minh họa: Internet)
Người EQ cao cũng sẽ thể hiện tinh thần ham học hỏi của bản thân bằng cách tự đánh giá về năng lực của mình. “Em cảm ơn sếp nhưng sếp quá khen rồi ạ. Em tự nhận thấy bản thân phải đạt kết quả tốt hơn nên sẽ cố gắng hết sức trong những dự án sau”. Đây cũng là cách nói thể hiện 1 người có EQ cao, luôn muốn phát triển năng lực của mình.
Khi sếp đánh giá cao năng lực của bạn, bạn chỉ nên khiêm tốn chứ đừng phủ nhận những cố gắng của mình. Khi đó, rất có thể lãnh đạo sẽ có cái nhìn khác hẳn về bạn so với trước kia. Một người tự tin và đã nỗ lực hết mình cần tự mình ghi nhận những cố gắng ấy. Nếu bạn phủ nhận lời khen, sếp sẽ nghĩ rằng bạn chưa từng cố gắng, tất cả thành quả chỉ là ăn may mà đạt được. Họ cũng có thể nghĩ bạn đang xem nhẹ những lời khen từ họ. Bởi vậy, bạn cần trân trọng thành quả chính mình tạo nên và nhìn vào đó để nỗ lực nhiều hơn.
Có thể bạn chưa thực sự làm tốt công việc của mình nhưng đó cũng là kinh nghiệm mà bạn có được. Bởi vậy, không có cơ hội nào tới với bạn là vô nghĩa cả.
Ở nơi làm việc, cách cư xử khôn khéo sẽ giúp bạn được lãnh đạo, đồng nghiệp yêu mến hơn. Không chỉ vậy, điều này cũng mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn trong công việc, có thể khẳng định bản thân và dần nâng cao năng lực.