Ở nơi làm việc, thi thoảng không thể tránh khỏi những lúc không xoay được tiền, đồng nghiệp cho nhau mượn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu sếp mượn tiền của bạn mà quên trả lại thì sẽ thế nào? Bạn sẽ làm gì khi ở trong tình huống đó?
Trên thực tế, việc sếp vay mượn tiền với nhân viên là chuyện khá phổ biến. Trong trường hợp này, nếu từ chối cho vay thì có nguy cơ làm mất lòng sếp. Còn nếu chấp nhận lời nhờ vả, bạn có thể sẽ bị hao hụt tài chính nếu lãnh đạo “quên” luôn số tiền đó. Vậy nếu rơi vào tình huống thứ 2, bạn phải "đòi nợ" thế nào cho thật khéo léo và tế nhị?
Ảnh: Internet
Câu hỏi hóc búa này cũng được đưa ra trong buổi phỏng vấn ở một công ty nọ. Hiện nay, việc tìm được một công việc tốt càng trở nên khó khăn bởi kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe trong khâu tuyển chọn nhân sự và những áp lực cạnh tranh giữa các ứng viên ngày càng cao. Đứng trước quá nhiều ứng cử viên, người tuyển dụng sẽ phải tìm ra những cách thức mới để lựa chọn ra những nhân tố tài năng thực sự.
Vì vậy, thay vì hỏi những câu hỏi thông thường về trình độ học vấn, kinh nghiệm… họ sẽ đưa ra cho ứng viên những câu hỏi không hề liên quan đến chuyên môn để đánh giá bạn ở nhiều khía cạnh. Sau khi người phỏng vấn yêu cầu 3 ứng viên giới thiệu kinh nghiệm làm việc, họ lập tức đặt ra câu hỏi : "Nếu lãnh đạo vay tiền nhưng quên không trả, bạn có chủ động đòi không?" và yêu cầu các ứng viên trả lời.
Chỉ vài giây sau đó, một trong ba người được phỏng vấn đứng lên và bối rối trả lời:
"Tôi nghĩ vì đó là tiền của tôi, nên việc lấy lại khoản tiền mình đã cho vay là một việc chính đáng. Tuy nhiên nếu hỏi trực tiếp một cách thẳng thắn thì sợ sếp lại đánh giá tôi là người nhỏ mọn và lắm điều, nên tôi sẽ đợi thời gian phù hợp để nhắc khéo sếp, hoặc nếu khoản nợ không quá lớn thì thôi vậy. Tôi không muốn cả sếp và tôi rơi vào cảnh bối rối hay ngại ngùng".
Nghe xong câu trả lời, nhà tuyển dụng khẽ mỉm cười. Tiếp theo, ứng viên nữ duy nhất đứng dậy tiếp lời: "Lãnh đạo mượn tiền không trả, chắc hẳn là có lý do của anh ấy. Là cấp dưới, tôi sẽ không gì hỏi sếp vì tôi hoàn toàn tin tưởng sếp của mình". Qua cách trả lời của cô gái, nhà tuyển dụng đã nhận ra ứng viên này là người biết nịnh hót. Bởi vậy sau khi nghe xong câu trả lời, họ chỉ im lặng.
Ảnh: Internet
Ứng viên cuối cùng lên tiếng: "Lãnh đạo thường bận rộn, hay quên là chuyện bình thường. Nếu lãnh đạo mượn tiền của tôi mà không thấy trả lại thì chắc chắn là đã quên mất rồi. Vì vậy, tôi sẽ mời sếp đi ăn một bữa, một mặt vừa là để bàn thêm chuyện công việc, mặt khác sẽ nhắc khéo anh ấy về điều đó. Như vậy vừa không làm sếp 'xấu hổ', vừa có thể tăng thêm sự gắn kết giữa sếp và nhân viên".
Nghe xong, người phỏng vấn mỉm cười và gật đầu. Sau một vài phút thảo luận, cuối cùng, họ đưa ra quyết định chọn chàng trai thứ 3 vì câu trả lời tự tin cùng cách xử lý tình huống vô cùng khéo léo và tinh tế. Điều này chứng tỏ anh ta là người khôn khéo, xử lý tình huống nhạy bén.
Nhà tuyển dụng loại cô gái và chàng trai thứ hai vì câu trả lời chưa đủ thuyết phục. Trong cuộc sống, thời nào cũng có những nhân viên thích nịnh sếp ở chốn công sở như cô gái trong câu chuyện trên. Tuy nhiên, một người sếp tỉnh táo chắc chắn sẽ nhận ra đâu là những lời nói thật lòng và đâu chỉ là những lời xun xoe, tâng bốc. Những người này giỏi nói nhưng chưa chắc đã giỏi làm nên không được trọng dụng. Còn về phần chàng trai bị loại, câu trả lời của anh ta thể hiện rõ sự rụt rè, điều này không phù hợp với vị trí mà công ty đang tuyển dụng.