"Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?" - Câu hỏi phỏng vấn quen thuộc và những lỗi khi trả lời thường mắc phải

Làm sao để một ứng viên có thể thể hiện kỹ năng phỏng vấn tốt khi đối mặt với câu hỏi: "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?".

Đối với nhà tuyển dụng, mục đích của họ trong buổi phỏng vấn là tìm hiểu sâu hơn về ứng viên để biết được người đó có phù hợp với vị trí và văn hóa công ty hay không. Đặc biệt với một nhà tuyển dụng có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm phỏng vấn, họ sẽ biết cách đào sâu các thông tin cũng như suy nghĩ của ứng viên về nhiều khía cạnh công việc lẫn cuộc sống. 

Thông qua cách trả lời, ngôn ngữ cơ thể, thái độ và tác phong của ứng viên, nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ và đánh giá được mức độ phù hợp với doanh nghiệp. Một nhà tuyển dụng có kỹ năng phỏng vấn tốt sẽ giúp công ty tuyển chọn được nhân tài về làm việc cũng như giảm thiểu chi phí tuyển dụng cho công ty.

Một trong những câu hỏi phỏng vấn có tính thách thức nhất mà bạn có thể phải đối mặt đó là: "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?".

Trong quá trình phỏng vấn, gần như không thể tránh khỏi việc bạn sẽ được yêu cầu trả lời câu hỏi "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?". Mặc dù câu hỏi có thể hơi rập khuôn nhưng đây dường như là một câu hỏi yêu thích của hầu hết các nhà tuyển dụng, vì vậy điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tránh được các lỗi thường gặp.

Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? - Câu hỏi phỏng vấn quen thuộc và những lỗi khi trả lời thường mắc phải - Ảnh 1.

Một số ví dụ trả lời cho câu hỏi "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?"

Dưới đây là một số ví dụ để giúp bạn có thể chuẩn bị câu trả lời được chỉn chu và hoàn hảo hơn cho câu hỏi phỏng vấn phổ biến này:

Ví dụ 1: Nhà quản lý dự án

"Tôi có tất cả các kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn đang tìm kiếm và tôi tự tin rằng mình sẽ là một siêu sao trong vai trò quản lý dự án này. Việc dẫn dắt thành công các dự án cho các công ty hàng đầu cũng như sử dụng tốt các kỹ năng chuyên môn của bản thân đã trở thành bàn đạp vững chắc giúp tôi phát triển mối quan hệ tuyệt vời với các nhà phát triển, nhà cung cấp và các nhà quản lý cấp cao. Tôi đam mê công việc này và tôi nghĩ rằng bản thân sinh ra để khiến chúng trở nên thật chất lượng".

Ví dụ 2: Lập trình viên/ Nhà phát triển

"Thành thật mà nói, tôi cảm thấy gần như bản mô tả công việc đã được viết sẵn trong đầu tôi. Tôi có số năm kinh nghiệm lập trình phù hợp với vị trí công ty đang tìm kiếm, thành tích về các dự án thành công và kiến ​​thức chuyên môn của tôi cũng đã được chứng minh trong các hồ sơ đính kèm khi xin việc. Đồng thời, tôi nhận thấy bản thân đã phát triển được kỹ năng giao tiếp của mình từ việc đã từng được làm việc trực tiếp với các nhà quản lý cấp cao, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã chuẩn bị thật tốt để làm việc trong các dự án cao cấp, liên bộ phận. Tôi có kinh nghiệm và những kinh nghiệm tích lũy đó có thể bắt đầu được đóng góp cho công ty ngay từ ngày làm việc đầu tiên".

Ví dụ 3: Trợ lý sản xuất

"Tôi có kinh nghiệm và tinh thần học hỏi để có thể hoàn thành xuất sắc vị trí trợ lý sản xuất này. Tôi có gần hai năm kinh nghiệm sản xuất truyền hình khi thực tập suốt hai mùa hè ở vị trí nói trên. Trong năm học cuối, tôi đã làm việc bán thời gian cho một công ty sản xuất, ở đó tôi được làm việc với vai trò trợ lý cũng như có cơ hội giúp biên tập một số tập phim. Mọi người trong công ty đánh giá tôi là một người vui vẻ và luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Tôi yêu thích làm việc trong lĩnh vực truyền hình và luôn hào hứng muốn học hỏi cũng như rút kinh nghiệm bằng mọi cách có thể".

Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? - Câu hỏi phỏng vấn quen thuộc và những lỗi khi trả lời thường mắc phải - Ảnh 2.

Những lỗi thường gặp khi trả lời câu hỏi "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?"

Lỗi 1: Thiếu sự chuẩn bị

Để có một buổi phỏng vấn hoàn hảo, bạn nên dành thời gian để chuẩn bị kỹ càng mọi thứ. Cách tốt nhất là bạn nên liệt kê vài gạch đầu dòng cho những ý chính, sau đó tập luyện bằng cách đọc to trôi chảy thành tiếng trước gương hoặc trước mặt người mà bạn tin tưởng, người sẽ không ngần ngại chỉ ra những điểm thiếu sót mà bạn có thể cải thiện.

Ngoài ra, bạn có thể gửi bản ghi âm phần trả lời phỏng vấn của mình cho người thân, bạn bè, họ sẽ có những phản hồi hữu ích cho bài chuẩn bị của bạn.

Lỗi 2: Quá khiêm tốn và tự ti

Đây không phải là lúc để khiêm tốn hay tự ti. Bạn phải biết cách trả lời để khiến bản thân trở nên độc nhất trong buổi phỏng vấn.

Nếu bạn không thể quá tự tin như các ví dụ ở trên thì vẫn có thể gây ấn tượng tốt bằng cách bám vào các dữ kiện như "Tôi có mười năm kinh nghiệm, được thăng chức nhanh, phá kỷ lục bán hàng, giành được nhiều giải thưởng, nhận được đánh giá tốt từ người quản lý, khách hàng,...".

Một cách khác để nâng tầm giá trị của bản thân trong buổi phỏng vấn chính là trích dẫn ý kiến ​​của người khác như "Người quản lý của tôi nói với tôi rằng anh ấy chưa bao giờ thấy bất kỳ ai có kỹ năng Excel tốt hơn tôi". Hoặc các cách khác để thể hiện danh tiếng của bản thân như "Tôi nổi tiếng là người luôn chốt thỏa thuận thành công" hay "Tôi có lịch sử luôn hoàn thành các dự án của mình trước thời hạn".

Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? - Câu hỏi phỏng vấn quen thuộc và những lỗi khi trả lời thường mắc phải - Ảnh 3.

Lỗi 3: Trả lời chung chung

Đừng chỉ trả lời bằng một câu trả lời chung chung như "Tôi có trình độ và tôi muốn làm công việc này", "Tôi cần công việc này vì muốn có thu nhập tốt hơn",... Gần như chắc chắn những câu trả lời như vậy đều được mọi ứng viên sử dụng.

Bạn cần phải độc nhất và tách mình ra khỏi nhóm ứng viên có các câu trả lời tương tự nhau. Nếu không, bạn có nguy cơ rơi vào trường hợp cùng bị loại với những người khác, đó là điều bạn đang cố gắng tránh trong mọi cuộc phỏng vấn. Mặc dù bạn không muốn phô trương trình độ của mình một cách quá tự tin nhưng bây giờ chính là lúc để khoe khoang về các kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân một cách khiêm tốn.

Lỗi 4: Nói quá nhiều

Tránh nói quá nhiều trong câu trả lời của bạn, chỉ cần nêu rõ những điều bạn muốn truyền đạt một cách cô đọng, dễ hiểu nhất. Bạn càng tiếp tục khoe khoang về bản thân, bạn sẽ càng có nhiều khả năng mất đi sự quan tâm của người quản lý tuyển dụng và họ sẽ chuyển sang ứng viên khác.

Tập trung vào các kỹ năng của bản thân mà bạn cho rằng mình có thể làm tốt nhất. Hãy nhớ rằng bạn sẽ đáng tin hơn nếu bạn tập trung vào một vài điểm mạnh và đừng cố gắng tuyên bố rằng bạn là bậc thầy của mọi kỹ năng, điều đó có thể gây phản ứng ngược và chuyện bạn bị loại khỏi vòng phỏng vấn gần như là chắc chắn.

Đừng để câu hỏi "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?" ngăn cản bước tiến của bạn đến với công việc bạn chọn. Người quản lý tuyển dụng đang cố gắng tìm hiểu lý do tại sao họ nên chọn bạn thay vì những người khác đang chờ được phỏng vấn và nếu có nhiều ứng viên, câu trả lời này có thể cho bạn được sống cùng công việc bạn yêu hoặc làm hỏng toàn bộ cuộc phỏng vấn của bạn. Vậy nên hãy chuẩn bị thật kỹ, chọn ra những bằng cấp độc đáo cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bản thân liên quan đến vị trí ứng tuyển. Cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể và bạn sẽ vượt qua cuộc phỏng vấn một cách suôn sẻ, dễ dàng.

Nguồn: Novoresume, Biginterview

https://ahadep.com/tai-sao-chung-toi-nen-tuyen-dung-ban-cau-hoi-phong-van-quen-thuoc-va-nhung-loi-khi-tra-loi-thuong-mac-phai-20220717232049564.chn