Cách đây một tuần, phòng kế toán công ty tôi đã hỏi anh chị em có cần tiền mới để mừng tuổi không, họ sẽ đổi giúp. Tôi chuyển khoản 3,5 triệu đồng, nhờ đổi tiền mệnh giá 200 nghìn, 100 nghìn, 50 nghìn đồng mỗi loại một tập. Mọi năm tôi còn đổi thêm 2 tập tiền mệnh giá 20 nghìn đồng để bà nội, bà ngoại phát lì xì "đại trà" cho trẻ con ở quê, nhưng năm nay tài chính eo hẹp nên quyết định cắt.
Số tiền mừng tuổi mỗi dịp Tết của vợ chồng tôi không chỉ thế, mà còn ông bà nội ngoại mỗi người 1 triệu đồng, các cháu ruột và con cái hội bạn thân mỗi suất 500 nghìn đồng, tổng cũng phải hơn chục triệu, vượt cả số tiền thưởng Tết của tôi.
Tết nhất ai nấy đều tươi cười xởi lởi, liên quan đến tiền bạc thì đều cố gắng xông xênh để giữ mặt mũi, còn nỗi lo lắng đến "méo mặt" vì tiền thì giữ kín trong lòng. Nhưng quả thật, nó là một gánh nặng, nhất là năm nay công ty tôi làm ăn khó khăn. Thu nhập của tôi giảm đến 30% so với năm ngoái, thưởng Tết chưa công bố nhưng nghe nói là chỉ bằng ¼ năm ngoái, mang tính động viên là chính. Trong khi gia đình nội ngoại ở quê đều đông con cháu, mỗi Tết đến lại có thêm không ít đứa trẻ mới ra đời. Để bố mẹ được mát mặt, chúng tôi không thể không lì xì cho tất cả bọn trẻ đến nhà chơi hoặc trẻ con những nhà mình đến, không thể không mừng tuổi cho các bậc cao niên trong họ tộc…
Với nhiều người, việc lo tiền mừng tuổi ngày Tết là một áp lực.
Ví mỏng, nên khó mà không "run" trong bụng khi đang cầm những tờ 100 nghìn đồng mừng tuổi cho vài đứa trẻ trước mắt thì bỗng có 7-8 đứa khác ở đâu kéo ra, chẳng lẽ lại đổi thành tiền mệnh giá thấp?
Tôi từng chọn giải pháp cho tiền vào phong bao, nhưng tình huống khó xử vẫn xảy ra, khi những đứa trẻ "tình cờ có mặt" lúc tôi lì xì cho con cái bạn bè, người thân bóc phong bao và tỏ vẻ bất mãn ra mặt về sự "phân biệt đối xử". Tôi cũng không ít lần ức chế và sượng sùng với tình huống đứa trẻ thẳng thừng chê ít, so sánh với mức lì xì của những vị khách khác.
Càng ngày tôi càng muốn ru rú ở nhà trong những ngày Tết, một là để thực sự được nghỉ ngơi, hai là né những tình huống gây "tụt mood" như vậy.
Đã quá lâu rồi, lì xì không còn giữ nguyên vẹn ý nghĩa chúc phúc, lấy may nữa mà mang tính biếu xén, vừa gây khó khăn, áp lực cho người lớn vừa làm hư trẻ con. Ở nhiều nhà, khi thấy khách đến chúc năm mới, trẻ con nháy nhau kéo ra, tay vung vẩy những tờ tiền nhận được trước đó trong khi liếc nhìn khách. Có trẻ thậm chí còn cố tình phô ra những tờ mệnh giá lớn và khoe rằng cô H chơi lớn, lì xì hẳn 500 nghìn đồng, bác B hào phóng phát toàn tiền 200 nghìn đồng… như một gợi ý lộ liễu.
Mà không chỉ trẻ con, ngay cả người lớn nhiều khi cũng hồn nhiên nhận xét sếp này mừng tuổi to, sếp kia "ki bo" khi toàn lì xì tiền mệnh giá nhỏ…, nghiễm nhiên coi đây là một khoản thu nhập. Mạng xã hội những ngày Tết có không ít bài đăng khoe tiền lì xì "hoành tráng" tạo nên tâm lý so bì giữa mọi người. Nhiều ông bố, bà mẹ còn chụp ảnh con mình cầm trong tay cả nắm phong bao, bên cạnh là hình cận cảnh những tờ tiền đã được lấy ra cùng lời chú thích: "Cháu là nguồn thu nhập chính trong gia đình ngày Tết".
Những kiểu hành xử này khiến cho một phong tục đẹp và thú vị trở nên biến tướng và méo mó, khiến tiền mừng tuổi trở thành một trong những nỗi sợ khi Tết đến xuân về.