Tôi từng hoang mang lo lắng tột độ trước khi bước chân về làm dâu cũng bởi hay đi lướt mạng xã hội rồi đọc đủ thứ chuyện về mẹ chồng nào dâu, chuyện nào cũng khiến tôi rùng mình hoảng hốt.
Đã vậy, khi vừa ra mắt bố mẹ chồng tương lai thì tôi càng được một phen khủng hoảng hơn nữa bởi vì mẹ chồng tôi nhìn bề ngoài rất nghiêm nghị và khó tính, bà cũng ít nói nên càng khiến tôi sợ hãi hơn nữa.
Thế nhưng càng sang nhà chơi nhiều, tôi càng nhận ra mẹ chồng mình ít nói không phải vì khó gần mà vì bà không giỏi trong quan giao tiếp và nói chuyện với người khác thôi. Hơn nữa, ngược lại hoàn toàn với vẻ mặt nghiêm khắc, bà hiền lành vô cùng.
Vừa mới về làm dâu được một thời gian ngắn thì chồng tôi bị thuyên chuyển công tác đi làm ở xa, có khi đi cả tháng mới được về nhà đôi ba lần. Kể từ gần như chỉ có tôi và mẹ chồng sống chung với nhau trong một mái nhà.
Công việc của tôi chẳng có giờ giấc nào cụ thể cả, vừa phải đi làm cả 8 tiếng nhưng cũng có hôm phải trực xuyên đêm, cũng phải chỉ phải trực tại nhà chứ không phải đến cơ quan làm việc.
Thậm chí, cứ càng là ngày nghỉ lễ thì tôi càng phải làm nhiều việc. Kể từ ngày lấy chồng, gần như Tết nào tôi cũng phải ngồi ôm cái máy tính, không trực 30 Tết thì cũng là mồng 1 mồng 2… Ban đầu tôi cũng vừa ngại vừa sợ, chỉ lo nhà chồng không hiểu rồi lại nghĩ mình cố tình để trốn việc, thế nhưng khi tôi rụt rè nói với mẹ chồng việc mình phải trực xuyên Tết bà chỉ úi xời một cái rồi xua tay đuổi vào phòng, không bắt tôi phải động tay động chân vào việc gì cả.
Đến khi tôi sinh em bé, mẹ gần như chuyển hẳn vào phòng tôi ngủ cùng con cháu. Thằng bé chỉ cần hơi mếu một chút bà đã bật ngay dậy để dỗ cháu, trừ khi đến cữ ăn sữa cần đến mẹ còn không thì có khi bà bế cháu trông cháu cả đêm.
Chồng tôi đi làm xa nên tôi và mẹ càng thân thiết với nhau hơn, mẹ kể rằng lúc nào cũng chỉ mơ có một cô con gái mà đẻ thế nào ra được mỗi 1 thằng con trai. Nhiều khi tôi nghĩ, có khi nào bởi vậy nên mẹ chiều tôi cứ như công chúa, chồng tôi lâu ngày mới về nhà cũng không được bà chăm sóc bằng cô con dâu.
Thế nên bữa nọ, tôi theo mẹ đi ăn cỗ cưới. Bà bảo đi một mình buồn lắm nên nhất quyết đưa con dâu đi theo cùng. Bình thường nếu tôi không đi được cùng thì bà cũng toàn gói miếng thịt con tôm về cho tôi thôi.
Hôm đó vừa ngồi vào mâm cỗ thì mẹ gặp đúng bà hàng xóm, thế là hai bà cười nói xã giao với nhau vài câu. Xong xuôi thì mẹ nhìn thấy mâm cỗ có tôm, biết con dâu thích ăn tôm nên bà ngồi bóc cả phần của mình và của tôi rồi đặt hết vào bát con dâu.
Lúc ấy tôi đã định cản bà rồi, bình thường ở nhà bà toàn bóc tôm bóc cua cho con cho cháu thôi. Nhưng đấy là ở nhà không sao, tôi cũng tinh ý sợ rằng ra ngoài người ta nhìn vào lại nói này nói nọ vừa mất hay vừa ảnh hưởng đến tâm lý của bà.
Cuối cùng thì đúng như tôi lo lắng, bà hàng xóm liếc mắt nhìn thấy cái cảnh mẹ chồng đặt hai con tôm vào bát con dâu liền tỏ thái độ ngay lập tức. Tôi ban đầu nghĩ rằng chắc là bác ấy chỉ không thích rồi để trong bụng thôi, ai ngờ lại lên tiếng mang tính chia rẽ tình cảm mẹ con tôi vô cùng.
- Nhà chị Thủy lạ nhỉ! Ai đời con dâu cứ ngồi rung đùi để mẹ chồng bóc tôm dâng tận mồm như thế?
Mẹ chồng tôi cười trừ không nói tiếng nào, tôi nhìn là hiểu bà định bụng không thèm chấp rồi. Ấy vậy nhưng bà cô hàng xóm lại cho rằng mẹ tôi đồng tình với mình, càng được thể nói tiếp.
- Riêng con dâu nhà em mà có cái kiểu vắt chân chữ ngũ đợi ăn thế chắc là em gói lại trả về tận nơi sản xuất ấy chứ.
Đến đây thì mẹ chồng tôi đặt đũa xuống, dùng khăn ướt lau tay rồi nhẹ nhàng nói với bà cô hàng xóm kia.
- Nhà cô thế nào tôi không biết mà cũng chẳng quan tâm nhưng nhà tôi là thế cô ạ, con dâu hay con gì mà chả là con. Còn cô làm như vậy thì chắc là con dâu nhà cô “yêu quý” cô lắm nhỉ?
Tôi âm thầm “thả tim” cho mẹ chồng. Và nói xong còn quay sang bảo tôi ăn gì nữa không để bà gắp cho. Tôi chỉ cười tươi nhìn mẹ chồng mình, trong lòng vừa vui vừa đắc ý.
Nhiều khi cũng rõ khổ với mấy bà hàng xóm thích xía mũi vào chuyện nhà người khác, đấy là nhà tôi mẹ con quý mến nhau chứ nhà khác mà cứ đâm bị thóc chọc bị gạo thế có khi tan tác hết cả gia đình nhà người ta ấy chứ!