Nhà văn và chuyên gia tư vấn về hạnh phúc Arthur Brooks, hiện đang làm việc tại Harvard, ủng hộ chuyện thay đổi cách làm việc sau mỗi thập kỷ.
Ở tuổi đôi mươi, Arthur là một nhạc sĩ, sau đó tham gia các khóa học đại học trực tuyến và lấy bằng tiến sĩ về kinh tế. Arthur giảng dạy với tư cách là giáo sư đại học trong 15 năm nữa, sau đó làm người đứng đầu Viện Doanh nghiệp Mỹ phi lợi nhuận trong một thập kỷ.
Sau khi các cuốn sách của Arthur được biết đến rộng rãi, ông trở thành giáo sư Harvard và bậc thầy tư vấn về hạnh phúc. Arthur lẽ ra có thể chọn âm nhạc và trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, tầm cỡ. Ông cũng có thể tiếp tục theo đuổi kinh tế học hàn lâm hoặc gắn bó với các tổ chức phi lợi nhuận và tạo ra nhiều dự án nhân đạo hơn. Nhưng dù chọn ở lại và rời đi trong bất cứ chặng đường nào, thì có một điều chắc chắn là sức ảnh hưởng của Arthur vẫn tăng lên từng năm.
Đừng ngủ quên trong sự quen thuộc
Bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu, David Sackett, nổi tiếng là người đi đầu phong trào “Y học thực chứng” (evidence based medicine - EBM) vào những năm 1970 và 1980. Đây là phương pháp thực hành y khoa dựa trên dữ liệu y học một cách sáng suốt và có ý thức, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Ông tin rằng một khi bạn đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó thì bạn nên nghĩ đến việc nhảy sang một lĩnh vực khác. Và khoảng thời gian để bạn có thể trở thành chuyên gia thông thường là 10 năm. David Sackett đã bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực dược, và trở thành một dược sĩ am tường. Ông từ bỏ lĩnh vực cũ và chuyển sang nghiên cứu EBM, nhờ đó mà trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều.
Nassir Ghaemi, giảng viên Tâm thần học tại Trường Y Harvard nhận định là mọi thứ đều mang tính thời điểm. Có thời điểm, bạn phù hợp để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, thời điểm khác, bạn nhận ra mình cần thông thạo một thứ gì đó mới hoàn toàn. Bạn không nhất thiết phải trở thành chuyên gia về cùng một thứ từ tuổi 30 đến suốt quãng đời về sau.
Nassir gói gọn quan điểm của mình thành một câu ngắn gọn “trở ngại lớn nhất của thành công chính là thành công”. Theo đó, khi trở thành chuyên gia, những gì bạn làm về sau đều đã thành thục, và bạn dễ ngủ quên trong sự quen thuộc ấy. Bạn nên rẽ đường, chuyển hướng để bắt đầu với một thử thách khác, lên dây cót để khởi động cho một thành công lớn hơn.
Trong lĩnh vực học thuật, có người đầu tư theo đuổi một chuyên ngành ở tuổi ba mươi và trở thành chuyên gia ở tuổi bốn mươi, họ được công nhận chuyên môn, thu nhập được đảm bảo, nhưng rồi họ lặp lại công việc tương tự trong 40 năm tiếp theo hay nói cách khác là nửa sau cuộc đời.
Nhiều người trở thành quản lý cấp cao trong một tổ chức sau khi đã làm việc 30 năm và yên vị tại đó. Thực tế là vị trí quản lý cấp cao có thể đem lại cảm giác thiếu thỏa mãn. Theo tờ Bloomberg, một trong những lý do khiến nhiều nhân sự cấp cao tìm kiếm thay đổi là vị trí của họ không đem lại cảm giác thỏa mãn họ cần. Cụ thể, khi lên được vị trí quản lý, họ không cần thường xuyên nhúng tay trực tiếp vào các công việc cụ thể của nhân viên, mà nghiêng về tư vấn, điều hành đội nhóm. Nhưng chính công việc cụ thể mới là thứ thu hút họ ở công việc này ngay từ thời điểm ban đầu.
Giáo sư Nitya Chawla của Đại học Texas A&M cho biết, khi lên vị trí cấp cao hay quản lý, bạn không học hỏi được nhiều như trước, cũng không được thăng tiến thường xuyên nữa, vì thế cảm xúc chán chường là điều dễ hiểu.
Chúng ta sẽ không nói đến những người chọn một cuộc sống yên bình, ít biến động mà chỉ đề cập đến người mong muốn thử điều mới nhưng ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Họ ngại bứt phá hay dấn thân vào lĩnh vực khác, dù vẫn chưa thử để biết mình làm được hay không. Cảm giác làm chuyên gia trong thế giới cũ rồi đột nhiên làm “gà mờ” trong thế giới khác làm họ e sợ, rụt rè.
Nếu bạn cảm thấy trì trệ, không thể học hỏi được thêm điều gì, hãy lên kế hoạch để thực hiện một bước nhảy lớn. Chính các tổ chức cũng mong muốn điều này, bởi nhân viên không còn tinh thần gắn kết sẽ làm việc kém hiệu quả hơn.
Đặt kế hoạch 10 năm, nếu làm sai, bạn vẫn có thể quay lại
Một người ngại thay đổi không phải chỉ xuất phát từ cách suy nghĩ của riêng họ. Gia đình và xã hội cũng có sức tác động rất lớn. Người xung quanh luôn bảo rằng ta cần chọn chuyên ngành phù hợp, tìm được việc ổn định đúng chuyên ngành và gắn bó với nó suốt phần đời còn lại. Vấn đề là con người luôn luôn thay đổi. Hơn nữa, có người làm việc cả đời vẫn không biết mình thực sự muốn gì, bởi tất cả những gì họ làm chỉ là công việc đã gắn bó từ thời đôi mươi. Vậy lúc này, ta cần phải thử sau mỗi 10 năm.
Bạn đã bao giờ nghĩ mình sẽ xuất chúng trong lĩnh vực nấu nướng?
Quãng thời gian xa nhất mà bạn có thể lên kế hoạch cho mình là 10 năm. Sau 10 năm, dù thành công hay thất bại, bạn cũng nên có một kế hoạch dự phòng, đó là thay đổi công việc.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình chỉ nên thay đổi nếu mọi thứ không suôn sẻ. Thất bại được coi là chất xúc tác để sự thay đổi diễn ra. Thực tế khi công việc đã diễn ra trơn tru đủ lâu đến mức gần như không có bất kỳ trở ngại nào đáng lo, thì đã đến lúc bạn nên chuyển sang lĩnh vực mới. Bạn sẽ không bao giờ biết liệu mình có thành công rực rỡ hơn không cho đến khi bắt tay vào làm. Biết đâu bạn sẽ khám phá được kho báu mình chưa bao giờ nghĩ tới.
Rốt cuộc thì, kể cả khi đã thử cái mới và thất bại, thì bạn vẫn có thể chọn quay lại công việc cũ, bởi bạn đã nắm trong tay hơn 10 năm kinh nghiệm rồi mà.
Nguồn: Psychology Today, Bloomberg