Mua vật phẩm, gây quỹ để ủng hộ thần tượng là một phần làm nên văn hóa fandom Kpop. Ở hiện tại, BLACKPINK về Việt Nam là sự kiện đang được các fan trong nước và quốc tế quan tâm hàng đầu. Hàng loạt hoạt động "hâm nóng" tinh thần "fan guộc" đang diễn ra với mục đích thể hiện sự ủng hộ, tình yêu to bự với thần tượng.
Nhưng bên cạnh những post kêu gọi donate từ các fansite idol chính thức, thì cũng xuất hiện những nhóm hội tự phát mới "mọc lên" theo dòng sự kiện, tung ra các sản phẩm riêng và bán nó với giá cao khi tự gắn hình ảnh idol trên sản phẩm.
Không có một ranh giới rõ ràng giữa việc lấy cảm hứng từ idol và lợi dụng cơn sốt Born Pink để kinh doanh kiếm lời.
Điều này làm cho các fan chân chính cảm thấy tiếng tăm của idol bị đem ra để kinh doanh một cách không lành mạnh. Có hay không việc "ăn theo mác idol" để cạnh tranh trực tiếp với chính idol của họ? Và những người làm về truyền thông, marketing cũng cảm thấy "có vấn đề" trước việc hình ảnh của BLACKPINK bị "mượn" mà chẳng biết đã được đồng ý hay chưa!
Ủng hộ thần tượng hay chiến lược kinh doanh?
Cụ thể, một fandom (cộng đồng fan) đã lên tiếng khi một local brand D. tung ra mẫu áo thun thiết kế có dòng chữ thương hiệu liên quan trực tiếp đến world tour Born Pink, phối hợp với fansite Blinks (trang do người hâm mộ lập và quản lý) để bán với giá tương đối cao. Cụ thể chiếc áo được rao là hàng độc quyền này có giá cao gấp 5 lần áo thun thông thường.
Brand D. còn đi kèm chính sách giảm giá 10% nếu mua kết hợp cùng quần hoặc chân váy. Doanh thu từ việc bán sản phẩm này được công bố là dành để tài trợ cho các dự án quảng bá hình ảnh idol tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này trong mắt các fan lại là hành động "kiếm lời trên chính idol của mình".
Không chỉ riêng local brand này, mà còn có một số sản phẩm đến từ các nhãn hàng khác có thiết kế tương tự khi sử dụng màu sắc và dòng chữ tương đồng với thương hiệu.
Tiếp đến là việc một cửa hàng đồ uống "bê" nguyên chữ ký của idol để in lên cốc cafe/ trà sữa mang đi. Không chỉ phối hợp màu sắc hồng đen, mà phần nét chữ ký cũng được copy y chang bản chính. Sau đó sử dụng hình ảnh những chiếc cốc này như một ấn phẩm truyền thông để chạy quảng cáo nhằm tăng doanh số. Fandom của BLACKPINK cũng đang kêu gọi lên án vì hành vi được xem là "trục lợi" từ fan và idol không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, chính sức nóng của concert BLACKPINK lần này khiến cho những sản phẩm "ăn theo" này thu về lượt tiếp cận lớn. Không ít lượt bình luận hỏi mua, xin giá ngay dưới mỗi bài đăng của các sản phẩm này, mở ra một thị trường kinh doanh ngắn hạn kiếm bộn tiền nhộn nhịp trước thềm concert.
Có một số fan lăn tăn về việc sử dụng hình in, chữ ký, logo thương hiệu thế này là đang coi thường giá trị thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Họ tìm kiếm lời giải đáp từ những nhà cung cấp bằng cách… nhắn tin đến fanpage bán hàng hỏi thẳng nhưng không nhận được câu trả lời.
Fan lâu năm của BLACKPINK lên tiếng, tuyên bố cứng 1 điều
Minh Thư (23 tuổi, Hà Nội) đã làm fan của BLACKPINK được 4 năm, hiện tại cô nàng cũng xây dựng được một cộng đồng fan nhỏ là những người chung bias (cùng thích một người nổi bật trong nhóm).
Kể từ khi là fan, cuộc sống của cô bạn xoay quanh việc cập nhật thông tin, lên twitter tải ảnh của fansite (website của fan), lên YouTube coi MV (không phải cày view), thi thoảng cũng đi bình chọn các show âm nhạc. Đặc biệt, Minh Thư cực kỳ chú ý đến các hoạt động của fandom, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của idol và fan.
Và khi tin tức về concert của BLACKPINK tràn lan trên mạng, Minh Thư cũng đã bắt đầu đánh giá được một vài hoạt động có phần "bất ổn". Một trong số đó là việc các sản phẩm "gắn mác" idol được rao bán hàng loạt trên mạng.
Minh Thư chia sẻ: "Mình đã mua không ít goods (hàng hóa có hình ảnh idol) và album của idol đến mức mẹ nghĩ 'bộ con bé này nó có vấn đề hay sao mà mua mấy cái này miết'! Nên bản thân mình nhận rõ được đâu là đang giúp ích cho idol, đâu là mua theo xu hướng mà cuối cùng người người lợi không phải fan, cũng không phải idol.
Việc các fansite triển khai các dự án để đẩy mạnh quảng bá cho nhóm nhạc không có gì sai. Nhưng tốt hơn hết là sử dụng tiền donate (ủng hộ), hoặc bán các sản phẩm mà do chính bên idol cung cấp. Khi đó chắc chắn sẽ không xảy ra việc tranh cãi trong cộng đồng. Vì về cơ bản, đó là sản phẩm chính thống. Nếu fan mua thì họ cũng tự động hiểu số tiền này về tay idol chứ không bị lọt ra ngoài. Mình chưa bao giờ mua các sản phẩm của idol từ bên cung cấp thứ 3, càng không sử dụng những món đồ chỉ dán hình idol lên hoặc làm lại khi không có sự cho phép.
Nhiều người nghĩ đây là các sản phẩm được truyền cảm hứng từ idol. Nhưng không, đó chỉ là một bản copy không có thêm sự sáng tạo nào hết!".
Minh Thư (23 tuổi, Hà Nội), goods (hàng hóa có hình ảnh idol) và album của idol - Ảnh NVCC
Cũng "dấn thân" vào con đường đu idol Kpop hết cả thanh xuân, Phương Thảo (26 tuổi, Hải Phòng) cho biết: "Lấy mác idol để kinh doanh không phải là một mô hình mới. Nhưng nó sẽ khiến fandom xảy ra nhiều tranh cãi nếu như chiến dịch gây quỹ đó không rõ ràng.
Thường thì đối với việc fan gom tiền để quảng bá hình ảnh cho idol là cách để họ thể hiện sự yêu thích, ủng hộ,... Vậy nên những hoạt động này luôn được công khai từng bước cho đến khi có kết quả. Vì một dự án như thế là con số không hề nhỏ, số lượng người tham gia cũng vô kể. Ngay cả chính mình cũng đã donate vài lần, có dự án mình còn là staff (nhân viên) đảm nhiệm khâu nghiệm thu và báo cáo. Nếu như một sản phẩm nào đó là do fanmade (fan tự làm) thì có rất nhiều rủi ro. Làm không đúng cách đôi khi còn đang cạnh tranh với chính idol của mình".
Thế nên là một fan ruột Kpop đã lâu, Phương Thảo đưa ra một lời khuyên chân thành: "Có tiền thì hãy mua sản phẩm của công ty sản xuất, chứ đừng bao giờ mua những sản phẩm ăn theo. Vì cùng một số tiền bỏ ra, sản phẩm của công ty bao giờ cũng chất lượng hơn. Còn nếu muốn ủng hộ idol thì có thể donate qua các dự án mà fandom kêu gọi. Đu idol luôn luôn cần sự tỉnh táo".
Quan điểm từ người làm marketing: Không có thoả thuận với công ty của phía idol thì quảng bá thương hiệu cho ai?
Bên dưới bài lên án việc một số brand đang lợi dụng thần tượng để kinh doanh kiếm lời, có nhiều ý kiến thể hiện quan điểm. Fan thì tất nhiên không đồng tình nhưng người ngoài cuộc thì cho rằng đây chỉ là sự kết hợp có lợi từ đôi bên cùng có lợi: Doanh thu từ việc bán sản phẩm "ăn theo" idol sẽ được donate ngược lại cho các hoạt động quảng bá. Font chữ hoặc sản phẩm không phải là mẫu gốc của thương hiệu, nên không thể tính là fan đang mua hàng fake (giả) được.
Vậy ở góc độ những người có chuyên môn về lĩnh vực truyền thông, marketing thương hiệu, họ nghĩ gì về câu chuyện này?
Thiên An (26 tuổi, Hà Nội, Product Manager tại một công ty truyền thông & quảng cáo), có 5 năm kinh nghiệm trong ngành marketing đưa ra ý kiến: "Đang có rất nhiều bên lợi dụng idol để bán hàng. Đây là hành động tương đối thiếu kiến thức về marketing, hoặc có kiến thức nhưng họ lại lờ đi vì lợi nhuận nên bất chấp.
'Đu trend' là việc tất yếu mà các thương hiệu cần làm để tồn tại trên MXH thời bây giờ. Nhưng 'đu' sao cho hợp lý và tử tế thì không phải ai cũng làm được. Như hành động trên thì cho thấy rõ ràng là các brand đang dùng các hình ảnh bản quyền của BLACKPINK để kinh doanh thu lợi.
Việc local brand D. ít nhất họ còn sử dụng font chữ riêng và có thiết kế áo riêng biệt (dù đang sử dụng nội dung liên quan đến concert - nhưng phần này nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ cho tên concert thì có thể không sao). Nhưng hành động tặng set quà tặng kèm có dùng logo của BLACKPINK để đẩy doanh số, ấn phẩm truyền thông là hình ảnh 4 cô gái kèm dòng chữ 'mẫu áo phông độc quyền' để điều hướng người mua là không thể chấp nhận.
Thông thường, nếu chạy các dự án có sử dụng hình ảnh của idol, fansite các nước cần phải gửi nội dung đến công ty để duyệt, nếu được chấp thuận mới được chạy. Ngược lại, họ có thể hoàn toàn dùng lý do ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như giá trị thương hiệu của nhóm để yêu cầu dừng ngay các dự án mang mác idol này".
Những ấn phẩm truyền thông chạy quảng cáo "lấy cảm hứng từ idol"
Bên cạnh đó, Anh Ngọc (1990, Hà Nội), từng có kinh nghiệm nhiều năm làm các chiến dịch quảng cáo thời trang, hiện tại cũng là chủ của một local brand quần áo cho biết: "Thương hiệu không chỉ là cái tên, logo, ký hiệu, mà còn là đặc điểm riêng về kiểu dáng, sự phối kết hợp giữa các yếu tố trên để đưa ra nhận dạng sản phẩm hoặc dịch vụ của nhà sản xuất. Nếu không có điều này, thì căn cứ vào đâu để phân biệt với đối thủ cạnh tranh?
Gần như trong mọi trường hợp đều không được sử dụng các hình ảnh hoặc logo đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu để in ấn lên sản phẩm của mình. Nếu làm như thế, thì sản phẩm của bạn và sản phẩm gốc khác nhau ở điểm nào? Và nếu có sử dụng cho mục đích để quảng bá cho chính thương hiệu đó thì cũng không có hiệu lực, căn bản là không có bản thỏa thuận nào giữa hai bên".
Còn bạn, bạn nghĩ gì về những sản phẩm có hình ảnh các thành viên BLACKPINK đang rao bán tràn lan trước thềm concert?