Hối hận vì chủ quan với dấu hiệu sớm của con trai
Một ngày giữa tháng 9, chị Nguyễn Thị Nga (SN 1983, quê Thanh Hóa), hiện đang làm công nhân ở Đồng Nai đưa con trai Lê Thiện Nhân (9 tuổi) đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xạ trị ung thư não lần thứ 5. Khi con trai vào phòng xạ trị, chị Nga được cô giáo của con gái đang học lớp 8 báo, bé bị sốt cao nên phải về nhà. Phải ở lại với con trai, khiến người mẹ như “ngồi trên đống lửa”. Cho đến khi con gái gọi báo đã hạ sốt, tự ăn được cơm chị mới thôi lo lắng.
Chị Nga và bé Thiện Nhân. Ảnh: NVCC.
Chị Nga hiện là mẹ đơn thân nuôi 2 con. Bé Thiện Nhân là con trai út của chị với chồng cũ. Bé được phát hiện bị ung thư não giai đoạn 4 vào tháng 9/2023. Đây cũng là khoảng thời gian chị Nga và chồng cũ ly hôn sau thời gian dài sống trong cảnh “cơm không lành canh không ngọt”.
Trước đó, bé Thiện Nhân thường xuyên nói với mẹ đau đầu, chóng mặt, chân tay bị yếu. Vì bận đi làm, phần nghĩ con chỉ mắc bệnh thông thường, chị chỉ mua thuốc theo triệu chứng cho con uống.
Cho đến khi bé con trai nôn ói ngày 3 lần, thường xuyên bị ngã, tay cầm ly uống nước không vững chị Nga mới xin nghỉ làm đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng Nai khám. Các bác sĩ nghi ngờ bé có khối u ác tính trong não nên chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
“Trong gia đình cả nội và ngoại nhà tôi không ai mắc ung thư. Ai đau đầu, chóng mặt mua uống thuốc cũng khỏi. Khi con nói đau, tôi đã chủ quan”, chị Nga chua xót nói.
Lục hết danh bạ điện thoại gọi điện hỏi vay tiền chữa bệnh cho con
Chị Nga cho biết, sau cuộc ly hôn, trong tài khoản của chị chỉ còn vài triệu đồng, tiền tiết kiệm không có, thu nhập từ công việc công nhân eo hẹp. Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho con trai và tiền học của con gái lớn, tiền thuê trọ, chi phí ăn uống cho 3 mẹ con chỉ một mình chị gánh vác.
Biết được hoàn cảnh của gia đình bé Thiện Nhân, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ để bé có thể được điều trị ung thư.
Về phần mình, chị Nga lục hết danh bạ điện thoại, gọi cho hết người này đến người khác vay tiền. “Có người quen biết chuyện thì cho tôi vay vài ba triệu đồng. Nhiều người không biết đã tưởng tôi là “con nợ” nên né tránh. Nhờ sự giúp đỡ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng như các anh chị em trong nhà, bố mẹ hai bên khiến tôi cũng yên tâm phần nào", chị Nga nói.
ThS.BS Lê Hoàng Minh, Trưởng khoa Xạ 3 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, cho biết bé Thiện Nhân đang trong giai đoạn xạ trị tại khoa. Sau cuộc phẫu thuật ung thư não thành công, bé phải trải qua 8 toa hóa trị và 31 tia xạ trị để khống chế tế bào ung thư.
Hiện bé Thiện Nhân đã trải qua 5 tia và đều đáp ứng thuốc tốt. Trong 26 tia xạ trị tới, nếu bé đáp ứng thuốc tốt, các bác sĩ sẽ có các bước tiếp theo để đánh giá tình hình bệnh của bé.
Cũng như bao bệnh nhi không may mắc ung thư khác, bé Thiện Nhân cũng có ước mơ sẽ được hết bệnh để được đi học, được chạy nhảy vui vẻ - Ảnh: BVCC.
Chị Nga cho biết, cả 4 lần trước, mỗi lần xạ trị xong là bé Thiện Nhân mệt, khó chịu, hay cáu gắt với mẹ hay cứ ăn vào là ói. Nhìn con đau bệnh, người mẹ xót xa và chỉ biết cố gắng nhẹ nhàng với con, động viên con gắng ăn còn có sức. “Là mẹ, tôi chỉ biết làm vậy cho con thôi. Việc điều trị bệnh cho con, tôi chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ”, chị Nga nghẹn lời.
Chị mong rằng, thời gian tới sức khỏe của con trai sẽ dần tốt lên. Chị cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã không chỉ điều trị bệnh cho bé Thiện Nhân, mà còn giúp chị có chi phí điều trị bệnh cho con trai.
Đưa đôi mắt ngây ngô nhìn mẹ, Thiện Nhân thỏ thẻ: "Con chỉ có một ước mơ là mong sẽ được hết bệnh, được chạy nhảy và được đi học lớp 4 như các bạn". Hi vọng trong thời gian sắp tới, phép màu sẽ đến với Thiện Nhân để con có thể sớm hết bệnh, được quay trở về nhà, tiếp tục học tập và theo đuổi ước mơ...
Bệnh u não ở trẻ em là tình trạng các tế bào não phát triển bất thường, hình thành khối u xuất hiện bên trong tổ chức não hoặc mô lân cận. Khi khối u não gia tăng kích thước sẽ chèn ép các vùng lân cận của não và gây ra các dấu hiệu u não ở trẻ em như đau đầu, nhìn mờ, tê yếu cơ thể, buồn nôn… Nguyên nhân mắc bệnh cho đến nay vẫn chưa xác định cụ thể. Quá trình điều trị cho người bệnh, các bác sĩ xác định được một số yếu tố nguy cơ là di truyền, hệ miễn dịch bị suy yếu hay hay do tiếp xúc với bức xạ trong thời gian dài. Các bác sĩ khuyến cáo, u não ở trẻ em có thể là lành tính, nhưng cũng có thể nguy hiểm. Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu như đau đầu, nhìn mờ, nôn ói, yếu các cơ, gặp khó khăn khi nói… cha mẹ cần đưa đi khám sớm để xác định sớm nguyên nhân và được điều trị sớm, tránh phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. |