Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung được biết đến là giảng viên Đại học Y Dược Tp. HCM và là trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM cơ sở II.
Anh không chỉ là một trong những bác sĩ mát tay trong lĩnh vực phụ sản nói chung và điều trị hiếm muộn nói riêng mà còn được gọi là "bác sĩ của người nổi tiếng" vì từng đỡ đẻ cho nhiều nghệ sĩ showbiz như diễn viên Lê Phương, người mẫu Kim Cương – bà xã Ưng Hoàng Phúc,… Hơn 20 năm theo nghề sản phụ khoa, bên cạnh niềm vui được chào đón những thiên thần bé nhỏ, mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình, anh cũng có những khó khăn và cả những nỗi buồn khi không thể dành nhiều thời gian cho các con.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung.
Cùng lắng nghe những tâm sự về nghề bác sĩ sản phụ khoa của TS.BS Nguyễn Hữu Trung!
Vừa đảm nhận công việc tại bệnh viện vừa là giảng viên, một ngày của bác sĩ diễn ra như thế nào?
Công việc của tôi khá bận rộn vì khối lượng khá nhiều. Hiện tại tôi vừa giảng dạy cho sinh viên y khoa, giảng dạy các bác sĩ Sau đại học như CKI, CKII, Nội trú, cao học rồi đảm nhận cả công việc chuyên môn khám chữa bệnh cho bệnh nhân bên phụ sản, lĩnh vực hiếm muộn vô sinh nữa.
Ngoài ra, vai trò của trưởng khoa phụ sản bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM (cơ sở 2) cũng chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Nhiều lúc các công việc bị trùng với nhau. Hơn nữa, nghề phụ sản có trường hợp khẩn cấp, cần phải cấp cứu đột xuất nên tôi cũng như các bác sĩ phụ sản khác luôn giữ điện thoại bên mình, gần như phải online liên tục, gọi lúc nào cũng phải có hết. Mấy chục năm nay khi ra trường đến giờ tôi phải luôn luôn như vậy. Tuy nhiên, công việc như vậy nên đã quen rồi.
Không biết cơ duyên nào đã đưa bác sĩ Trung đến với nghề sản phụ khoa?
Tôi vô lĩnh vực sản phụ khoa đến bây giờ cũng được 24 năm. Tôi học trường Đại học Y Dược TP. HCM khóa 1992 và ra trường năm 1998. Hồi đó khác nhiều bây giờ lắm, sinh viên y khoa ra trường 99% không có việc làm, phải đi làm công việc khác ngành như làm trình dược viên, làm công ty dược, hiệu thuốc,… Nhiều người cố gắng lắm vào bệnh viện làm thì đa phần làm công không có lương và có rất nhiều bác sĩ ra trường 6-7 năm đi làm không công mà chưa được nhận vào biên chế.
Hồi đó đăng ký vào bệnh viện làm đúng ngành nghề yêu thích rất khó. Con đường duy nhất làm đúng ngành nghề là phải đậu bác sĩ nội trú bệnh viện của trường Đại học Y Dược. Để đủ tiêu chuẩn thi vào Bác sĩ nội trú khi đó cũng không dễ và mỗi năm chỉ chọn 2-4 bác sĩ cho mỗi chuyên khoa, và chỉ những bác sĩ mới ra trường mới được thi vào.
Tôi đăng ký thi bác sĩ nội trú cũng băn khoăn dữ lắm vì chi phí thi khi đó là khá cao so với sinh viên mới ra trường. Tôi nhớ không lầm, chi phí cho mỗi môn thi khi đó là 100 nghìn/môn, 4 môn là 400 nghìn (năm 1998). Trong khi đó, mức độ tuyển chọn quá gắt gao khoảng 400-500 bác sĩ mới ra trường chỉ chọn 2-3 bác sĩ cho mỗi chuyên khoa. May thay, tôi đã đậu vào học bác sĩ nội trú chuyên ngành Sản phụ khoa, Đại học Y Dược Tp. HCM.
Khi đã đậu vào bác sĩ nội trú thì sẽ có những thuận lợi như được học tại các bệnh viện lớn tại TP. HCM, được các đàn anh, đàn chị, thầy cô hướng dẫn tận tình. Có những người thầy tận tình hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, truyền nghề trong khám và điều trị chuyên khoa, định hướng cho đàn em…, cộng với sự nhiệt huyết ham học của người mới ra trường nên các BS nội trú thường tiếp thu và tiến bộ rất nhanh. Ngoài ra, bác sĩ nội trú đi học khi đó còn có lương nữa, dù cũng thấp thôi. (Cười)
TS.BS Nguyễn Hữu Trung vào lĩnh vực sản phụ khoa đến bây giờ được 24 năm.
Bác sĩ còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên đỡ đẻ của mình không?
Ca đỡ sinh đầu tiên của tôi từ khi tôi còn là sinh viên y khoa năm 4. Thời của tôi chưa có thực hành trên mô hình như các sinh viên y khoa bây giờ, tất cả là thực hiện trên người bệnh. Sinh viên y khoa trước khi thực hiện đỡ sinh, đã được học lý thuyết và “kiến tập”, xem các thầy cô đỡ sinh thế nào. Quan sát nhiều ca, tham gia phụ giúp các thầy cô, các bác sĩ trong ca sinh, nhất là vào các đêm trực. Dần dần, các anh chị thấy “thương” mình… cho tôi đỡ sinh.
Ấn tượng nhất lần đầu tiên đỡ sinh của tôi là em bé rất trơn, dễ bị rớt. Dù đã được các anh chị, thầy cô nói trước nhưng tôi nhớ hoài cảm giác đó. Em bé thật là trơn. Khi kỹ thuật thành thục rồi thì cảm giác đó đỡ hơn và sau đó gần như là bình thường.
24 năm trong nghề bác sĩ sản khoa, điều anh nhớ nhất, đó là những thành công hay những thất bại?
Người bác sĩ không phải nhớ nhất những thành công của mình mà nhớ nhất những sự cố y khoa của mình. Trong lĩnh vực sản phụ khoa tôi nhớ nhất tai biến của bệnh lý viêm tắc ối.
Cách đây khoảng 8 năm, một chị 36 tuổi, là người nhà của một ca sĩ rất nổi tiếng, khám thai và được tôi sinh mổ chủ động lần thứ 4 (đã 3 lần mổ trước đây) ở tuần thứ 38. Dự định của tôi lúc đó là vừa mổ sinh vừa triệt sản luôn. Trong lúc mổ, khi vừa lấy em bé ra, tôi thông báo cho sản phụ biết em bé rất tốt, sản phụ nói “Cảm ơn bác sĩ Trung” xong rồi ngất luôn. Sản phụ ngưng tim trên bàn mổ, các bác sĩ gây mê vừa ấn tim trên bàn mổ, vừa truyền dịch, truyền máu… nhằm cứu sản phụ.
Trong khi mổ, tôi thấy máu từ vết mổ thành bụng có tình trạng không đông, tôi nghĩ ngay đến tình trạng rối loạn đông máu do thuyên tắc ối. Tình trạng thuyên tắc ối này cực kỳ hiếm gặp và nếu xảy ra đa phần các sản phụ sẽ bị tử vong. Tình trạng cực kỳ cấp bách nên tôi quyết định tiến hành mổ cắt tử cung ngay lúc đó. Ca mổ diễn ra từ trưa cho đến tận chiều tối. Ekip phẫu thuật vừa hồi sức, truyền máu vừa mổ để cứu sản phụ. Cuối cùng, sau bao nhiêu nỗ lực kèm với sự may mắn bà mẹ đó đã được cứu.
Sau này, khi chị sản phụ đi khám sau sinh, có đặt câu hỏi “tại sao bác sĩ Trung lại cắt tử cung?”. Có lẽ, ngay cả sau khi được cứu sống, chị vẫn chưa hiểu rõ những gì đã diễn ra. Tôi dành thời gian giải thích tình trạng thuyên tắc ối nguy hiểm như thế nào và sau đó chị cũng hiểu.
Trường hợp thứ 2 tôi nhớ đó là bệnh nhân tên Trần Thị B. tìm đến tôi điều trị hiếm muộn, khó có con. Bệnh nhân này có một đặc điểm là rất dễ có thai, sinh con bình thường… nhưng không hiểu sao con được 3-4 tháng là mất. Cô ấy đã từng sinh 3 lần (1 lần sinh thường, 2 lần sinh mổ), sinh đủ tháng. Ba bé sau sinh vẫn bú và phát triển bình thường. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là 3 bé đều nuôi đến khoảng 3-4 tháng thì mất.
Sau 2 lần đầu sinh và cả 2 bé đều mất, cô ấy có đi xem bói, thầy bói bảo “số cô ấy không thể nào nuôi em bé được nên sinh ra phải cho người khác nuôi”. Thế là sau khi sinh đứa thứ 3, cô đưa bé về một người bà con tại quê nuôi bé. Nhưng khi bé lớn lên khoảng 3-4 tháng…, lại mất.
Thế rồi cô lại mang thai lần thứ 4 đến gặp tôi. Tôi nhớ lúc đi khám thai, cô có dẫn theo một bé gái khoảng 3-4 tuổi gì đó. Cô có kể với tôi rằng thầy bói nói phải nhận 1 đứa con nuôi rồi mới có được con. Quá trình thai kỳ xét nghiệm tiền sản… và cả chọc ối đều không có vấn đề gì. Tôi mổ cho cô ấy và em bé chào đời bình thường. Thế nhưng khoảng 3 tháng sau, cô ấy gọi điện trong đêm cho tôi “Bác sĩ Trung ơi, con em tự dưng tím tái”. Tôi nghe, biết chuyện chẳng lành và khuyên cô ấy đưa con vào bệnh viện Nhi Đồng gấp… Cuối cùng, cô vẫn không giữ được con. Ca này tôi nhớ hoài vì sau đó bệnh nhân đi tái khám lại nói với tôi rằng “Bác sĩ Trung ơi, em buồn lắm trong nhà em có 4 bàn thờ con nít”. Sau đó cô ý hoàn toàn không có con được nữa. Trường hợp này tôi nhớ mãi, nhớ cả tên họ cô ấy, không quên được.
Trường hợp thứ 3 là trường hợp những người phụ nữ nghèo đánh đổi thanh xuân để mang thai hộ. Họ được trả tiền để mang thai hộ 9 tháng 10 ngày nhưng lại không nhận được bao nhiêu tiền vì thông qua môi giới.
Như mọi người được biết mang thai hộ có thể áp dụng đối với người không thể mang thai được. Luật pháp quy định mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo không phải vì thương mại. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều trường hợp biến tướng lắm. Có lần khi khám tại bệnh viện, một người đàn ông dẫn một người phụ nữ đến xin khám xem người này có mang thai được không. Khi đưa thông tin, người phụ nữ cho tên, năm sinh thật nhưng số điện thoại lại là của người dẫn đi. Khi hỏi cô ấy những chi tiết về bản thân, cô luôn trả lời là không biết gì hết. Tôi đoán đây là người được trả tiền mang thai hộ nên từ chối khám. Tuy nhiên tôi biết rằng, không khám được chỗ này họ sẽ đi chỗ khác, đến khi xác định bình thường hết sẽ được dẫn ra nước ngoài để thực hiện mang thai hộ. Tôi thấy việc này khó can thiệp được và hiện nay luật pháp nghiêm cấm việc thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng chỉ có thể cấm ở phạm vi trong nước.
Trong lĩnh vực sản phụ khoa, bác sĩ Trung nhớ nhất tai biến của bệnh lý viêm tắc ối.
Bác sĩ từng đỡ đẻ cho những người nổi tiếng như diễn viên Lê Phương, người mẫu Kim Cương – bà xã ca sĩ Ưng Hoàng Phúc,… vậy việc đỡ đẻ cho người nổi tiếng khác nhiều so với người bình thường không, thưa bác sĩ?
Từ lâu, tôi luôn nghĩ làm bất kỳ việc gì, cũng phải làm cho tốt. Cho nên, đối với tôi, những công việc chuyên môn trên những người nổi tiếng, các ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh, tôi thấy không có áp lực gì. Họ cũng giống những bệnh nhân bình thường đi khám thai, mình cần giữ tối đa những thông tin cá nhân của họ. Tôi nghĩ đây là yêu cầu chính đáng của bất kỳ ai. Để đạt được điều đó, phòng khám phải sắp xếp sao cho hợp lý, khoa học, hạn chế tối đa việc tiếp xúc của họ với những người khác: khám theo hẹn lúc ít khách nhất, lối đi riêng dành cho họ…
Những nghệ sĩ ấy, tôi thấy họ rất hiền hòa, dễ thương, không có gì đặc biệt đâu. Mình làm sao để kín đáo cho họ. Có những người theo tôi từ những ngày mang thai con đầu lòng cho đến sinh con lần thứ 2,3… Tôi trân trọng tình cảm của những người nổi tiếng dành cho mình.
Bác sĩ Trung đã đỡ đẻ cho nhiều nghệ sĩ Việt.
Vẫn biết rằng đặc thù nghề nghiệp buộc các bác sĩ phải ưu tiên hàng đầu cho công việc, nhưng có lúc nào bác sĩ buồn vì không thể dành thời gian cho gia đình?
Ngành bác sĩ nói chung và ngành sản phụ khoa nói riêng đều vất vả lắm, kể cả nam giới hay nữ giới, chiếm thời gian nhiều trong công việc, không có đủ thời gian cho gia đình. Riêng trong ngành sản phụ khoa, đối với những người theo đuổi lĩnh vực điều trị hiếm muộn, vô sinh, thời gian dành cho gia đình càng khó hơn nữa. Sản phụ khoa thì liên quan đến những công việc không kể giờ giấc, đêm hôm… Hiếm muộn thì liên quan đến những công việc gọi là có kế hoạch nhưng rất khó trì hoãn.
Những bệnh nhân hiếm muộn được sử dụng thuốc kích thích buồng trứng để chuẩn bị chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tốn chi phí rất cao. Khi đến ngày “trứng” đạt yêu cầu, để chọc hút trứng, nếu việc trì hoãn thêm chỉ 1,2 ngày, chi phí điều trị cho bệnh nhân tăng lên vài triệu đồng mà nhiều khi kết quả điều trị sẽ giảm đi… Để chuẩn bị cho những kỳ nghỉ, dù chỉ 3-4 ngày, nhiều khi phải lên kế hoạch trước cả tháng để sắp xếp công việc.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ 3-4 ngày, bác sĩ sản khoa phải lên kế hoạch trước cả tháng.
Hai bạn nhỏ nhà bác sĩ có bao giờ tâm sự muốn ba ở nhà dành thời gian cho con nhiều hơn không?
Hầu như các con trong bất kỳ gia đình nào cũng mong muốn cha mẹ dành nhiều thời gian. Chúng cần người bên cạnh để nói chuyện, hỏi han, chỉ dạy. Tuy nhiên, do đặc thù của công việc, thật sự tôi cũng không dành được thời gian nhiều cho tụi nhỏ. Con trai lớn của tôi trước đây cũng từng nói khi thấy cha cứ đi như vậy: “Con sẽ không làm nghề giống ba đâu!”. Tuy nhiên, gần đây, khi tôi nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của cháu, tôi cũng biết cháu cũng có nguyện vọng vào ngành y. Tôi nghĩ con tôi cũng đã dần dần hiểu được những công việc của tôi.
Trong các việc của tôi, tôi thấy công việc có ý nghĩa nhất, đem lại niềm vui cho tôi nhất là công việc giảng dạy cho các đàn em và việc điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng. Việc giảng dạy chiếm nhiều thời gian trong đó có việc sửa đề cương, luận văn… cho các em. Tuy nhiên, nhiều khi ngẫm nghĩ, mình phải có trách nhiệm đào tạo cho các thế hệ bác sĩ đàn em giỏi hơn mình. Trong việc điều trị hiếm muộn, một ca thành công, không phải chỉ mang lại niềm vui cho cặp vợ chồng mà còn mang lại niềm vui cho cả một gia đình. Có người chồng sau khi có con, nhắn tin cho tôi: “Bác đã cứu cả một gia đình”. Đây thực sự không chỉ là lời cám ơn mà còn là lời động viên cho những người bác sĩ tiếp tục con đường của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!