Bé trai Hải Dương nát bàn tay vì thói quen dùng điện thoại nhiều người vẫn làm hằng ngày

Trong quá trình chơi game, bé trai 14 tuổi liên tục sạc pin khiến chiếc điện thoại phát nổ, làm bàn tay trái em bị dập nát phải nhập viện cấp cứu.

Ca cấp cứu trên vừa được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ngày 4/12. Nạn nhân là bé trai 14 tuổi, ở Hải Dương. Khi vào viện, bàn tay trái của bệnh nhân bị tổn thương nặng nổ điện thoại.

Gia đình cho biết, tai nạn xảy ra khi bệnh nhân đang dùng điện thoại chơi game. TS.BS Ngô Thái Hưng, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nam bệnh nhân bị nát bàn tay trái, vết thương dập nát da gan tay và hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn. Vụ tai nạn còn khiến trẻ dập nát 5 ngón, nát hết phần mềm.

Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng trở lại…

Hình ảnh bàn tay bị dập nát của bệnh nhân sau khi được bác sĩ xử lý. 

Theo TS.BS Hưng các dạng tổn thương này thường phức tạp, ngoài các tổn thương dập nát trực tiếp còn các tổn thương do sóng nổ. Do đó, các tổn thương thường có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi tiếp.

Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị tổn thương nặng do vừa dùng điện thoại vừa sạc, thậm chí nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi chơi điện tử trong thời gian liên tục gây cụt chi, bỏng mặt... TS.BS Ngô Thái Hưng lưu ý mọi người cẩn trọng khi sử dụng điện thoại để tránh sự cố: 

- Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin.

- Để điện thoại ở nơi thoáng mát khi sạc pin (lý tưởng ở 25 độ C).

- Không sử dụng các loại củ sạc, dây sạc, pin, pin dự phòng không chính hãng hoặc không phải của các hãng uy tín.

- Khi thiết bị không sử dụng trong thời gian dài cần sạc pin lên tối thiểu 50%. Sau 6 tháng không sử dụng cần sạc lại pin.

- Với công nghệ pin Li-ion hiện tại thì có thể sạc lại pin ở bất kỳ dung lượng nào, nhưng khuyến cáo nên sạc đầy pin rồi sử dụng, tránh việc cắm đi cắm lại nhiều lần, có thể gây chai pin.

- Khi phát hiện pin có dấu hiệu bất thường (pin bị phồng, pin sụt nhanh bất thường…) cần liên hệ với nhà sản xuất thiết bị để được thay thế.

- Pin Li-ion phổ biến trên điện thoại di động hiện nay dùng trên 2 năm, dù dùng đúng cách thì dung lượng pin cũng bị giảm đi, thường chỉ còn khoảng 80%. Lúc này dù pin không có dấu hiệu bất thường thì cũng nên xem xét thay thế.

Dùng điện thoại khi đang sạc nam thanh niên bị nổ mù mắt, cháy sém toàn thân, thủng màng nhĩ