Giáo dục luôn song hành cùng y tế, được coi là nghề nghiệp "rèn giũa" con người, nền tảng của xã hội. Một ngành giáo dục dựa trên nguyên tắc "tất cả vì trẻ em" thì nơi đây được coi là trong sạch và thuần khiết nhất. Thế nhưng giữa sự phát triển của xã hội, nhiều tiêu cực trong giáo dục đã khiến niềm tin của phụ huynh vào giáo viên ngày càng giảm sút.
Câu chuyện được chia sẻ trên Sohu về một trường mầm non ở Thâm Quyến, Trung Quốc đang gây tranh cãi khắp đất nước tỷ dân. Chỉ từ một bài tập về nhà dưới hình thức khảo sát cho các bé mầm non 5 tuổi đã khiến nhiều phụ huynh - trong đó có cô Trương bức xúc.
Người phụ nữ 32 tuổi này không ngần ngại chia sẻ lên mạng xã hội về câu chuyện bài tập về nhà của con gái. Cô Trương cho biết, ngày 21/4, sau khi đón con gái đi học trở về, cô vô tình phát hiện một bức tranh trong cặp sách con gái cùng đề bài "Hãy vẽ logo chiếc ô tô nhà em".
Bên dưới cô giáo liệt kê các mô hình logo và trẻ nhìn lên đó để vẽ theo chiếc logo quen thuộc của gia đình, bài tập cũng yêu cầu phụ huynh dạy con nhận diện các mẫu logo của các hãng ô tô để giúp con phân biệt.
Bài tập về nhà "hãy vẽ logo ô tô nhà em" đang gây tranh cãi ở mầm non Trung Quốc
Sau khi đọc bài tập của con gái, cô Trương tham khảo trong group lớp cũng nhận được thông tin tương tự từ các vị phụ huynh khác về điều này. Cô giận dữ hỏi cô giáo thì nhận được câu trả lời "chỉ muốn bố mẹ đưa đến trường bằng phương tiện gì để đảm bảo an toàn cho các con".
Câu trả lời từ cô giáo chủ nhiệm nhanh chóng nhận về phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Cư dân mạng Trung Quốc đồng loạt phản đối bài tập "vô lý" của cô giáo mầm non, cho rằng đây thật ra là một cuộc khảo sát về điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình của các học sinh, từ đó họ sẽ có cách đối xử với từng em trong lớp.
"Trẻ con có thể không biết gì, nhưng hành động của cô giáo và nhà trường làm sao có thể qua mắt được những vị phụ huynh", một người dùng MXH viết.
Nhiều phụ huynh cho rằng, đây thật ra là một cuộc khảo sát về kinh tế và gia cảnh của các học sinh trong lớp
"Tại sao có thể nói rằng điều này nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, lẽ nào bố mẹ đi xe ô tô 500.000 tệ sẽ an toàn hơn ô tô 50.000 tệ, đi ô tô an toàn hơn đi xe đạp... chưa kể những gia đình không có ô tô thì các con sẽ phải đối mặt với bài tập về nhà này như nào?", cư dân mạng Trung Quốc tranh cãi.
"Cô giáo giao bài tập như này, vô tình khiến trẻ so sánh rồi tự ti về chính mình, tại sao không dạy trẻ biết bằng cố gắng phấn đấu, chứ nhìn vào vật chất để quyết định thái độ như thế này. Chính cách đối xử của cô giáo với từng em sau khi biết hoàn cảnh gia đình sẽ hình thành nên tính cách tương tự của trẻ", một người khác phân tích.
Thực tế, "bài tập về nhà khảo sát "em đi ô tô gì đi học" không chỉ xảy ra riêng ở trường mầm non ở Thâm Quyến mà còn ở rất nhiều trường mầm non khác ở Trung Quốc. Nếu bài tập này ở cấp 1, cấp 2 thì còn có thể lấy lý do để hỗ trợ những học sinh khó khăn nhưng ở mẫu giáo thì thật sự không phù hợp.
Qua câu chuyện bài tập về nhà "vẽ logo chiếc ô tô của gia đình", nhiều người giật mình về mặt trái của giáo dục, khi nhiều giáo viên coi trọng bệnh thành tích, săm soi điều kiện hoàn cảnh gia đình học sinh để có cách đối xử phân biệt với từng em.
Việc học sinh đi xe gì, ở nhà gì bỗng dưng trở thành mối bận tâm của nhiều giáo viên Trung Quốc
Mỗi ngày lướt mạng xã hội, có không ít tin tức tiêu cực về ngành giáo dục, với các cấp học lớn thì chạy điểm chạy thành tích, gây sức ép lên phụ huynh không cho những học sinh yếu kém thi chuyển cấp lên lớp 10 vì sợ ảnh hưởng đến kết quả chung của cả lớp.
Chưa kể những câu chuyện như nhận tiền cho điểm, cô giáo nhận phong bì, học sinh đi học thêm nhà cô sẽ quan tâm, kèm cặp hơn những em không học cô...
Trong khi cấp mầm non thì không ít tiêu cực bạo hành, đánh đập, nhiều đứa trẻ đã không qua khỏi vì gặp phải các "cô nuôi dạy hổ" không có tình người. Một bức tranh về giáo dục sẽ sáng sủa, tốt đẹp hơn nếu không có những câu chuyện như vậy.
Nhân cách con người được xây dựng và rèn giũa từ thưở nhỏ
Ngay từ nhỏ, gia đình nhà trường nên tạo cho con trẻ nền tảng nhân cách cho học sinh, mẫu giáo dạy con biết thương yêu, quan tâm người xung quanh, biết sống chan hòa, không so bì thực dụng. Khi nền tảng nhân cách văn minh này được xây dựng thì việc bồi đắp kiến thức ở các lớp học cao hơn sẽ tạo ra một thế hệ trẻ mạnh - khỏe - tốt đời đẹp đạo từ tài năng đến tính cách.