Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Mang thai đã 40 tuần nhưng chị Trần Thanh Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Trong thai kỳ khi đi thăm khám, các bác sĩ cho biết chị Hà hoàn toàn có thể sinh thường. Tuy nhiên khi vào viện, ám ảnh với quá trình đau đẻ, chị Hà đã đề nghị bác sĩ được sinh mổ nhưng bác sĩ không đồng ý, bảo trường hợp cần thiết mới cho mổ, sinh thường sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
Ở tuần thứ 41, chị Hà có dấu hiệu đau đẻ nên nhập viện chờ sinh. Khi thăm khám, bác sĩ cho biết tử cung đã mở 2 phân. Nhưng sau 2 tiếng, cơn đau mỗi lúc 1 dồn dập mà sản phụ cũng chỉ mở thêm được 2 phân nữa. Suốt cả ngày hôm ấy, chị Hà vẫn chỉ mở được 5-6 phân. Mặc dù tử cung mở chậm, chị Hà xin mổ song bác sĩ vẫn động viên chị phải kiên nhẫn chờ.
(Ảnh minh họa)
Đến sáng hôm sau tử cung của chị Hà đã mở được 9 phân. Lúc này chị được lên bàn đẻ. Dù biết sắp được gặp con yêu nhưng chị vẫn không thể rặn đẻ được. Sau một hồi loay hoay, bé vẫn chẳng thể nào ra khỏi bụng mẹ, cuối cùng bác sĩ đưa ra giải pháp dùng kẹp sản khoa để lôi đầu bé ra.
Lần đầu nhìn thấy con, chị Hà khá hoảng hốt. Trước mặt chị là một em bé sơ sinh có chiếc đầu méo xệch và có cả vết bầm tím do kẹp quá chặt, người con thì tím tái. Nhìn con mà bà mẹ này sốt ruột.
Tuy nhiên, cũng may mắn vì con chị Hà sinh bằng kẹp sản khoa nhưng không sao. Các vết bầm tím chỉ 1-2 ngày đã hết. Nhưng mỗi khi nghĩ lại ngày đi đẻ của mình, chị Hà không khỏi ám ảnh và kinh hoàng khi phải sinh con bằng dụng cụ kẹp sản khoa.
Đỡ đẻ bằng kẹp forceps liệu có gây hại cho thai nhi?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu sản phụ không thể rặn đẻ, hoặc chuyển dạ có suy thai thì nếu đủ điều kiện chuyên môn, có thể được các bác sĩ trưởng kíp trực chỉ định đẻ bằng kẹp forceps hay giác hút sản khoa.
Bác sỹ Thành cũng chia sẻ rằng, các thủ thuật sản khoa như forceps và giác hút thể hiện rõ nỗ lực của các bác sĩ để đảm bảo hỗ trợ sinh an toàn cho bé.
Các thủ thuật sản khoa như forceps và giác hút thể hiện rõ nỗ lực của các bác sĩ để đảm bảo hỗ trợ sinh an toàn cho bé (Ảnh minh họa)
Việc sử dụng kẹp forceps sẽ được các bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện trong giai đoạn “rặn đẻ”. Ở giai đoạn này, thời gian kéo dài thường chỉ khoảng 30 phút vì nếu lâu hơn, bé có thể gặp nguy hiểm. Do đó, nếu có dấu hiệu bất thường như suy thai mà thai nhi đã lọt thấp, bác sĩ sẽ chỉ định đỡ đẻ bằng forceps để hỗ trợ sản phụ trong quá trình rặn đẻ và sổ thai.
Ngoài ra, forceps còn được chỉ định trong những trường hợp như: Thai suy, mẹ gặp khó khăn khi rặn đẻ hoặc không thể rặn đẻ do kiệt sức hay mắc các bệnh lý như bệnh tim, huyết áp cao; Tầng sinh môn rắn, không giãn nở; Mẹ rặn nhưng không sổ…
Mặc dù việc đỡ đẻ bằng kẹp forceps phổ biến ở các nước phương Tây nhưng ở Việt Nam thủ thuật này bị nhiều sản phụ đang bài xích vì lầm tưởng nghĩ thủ thuật này gây nhiều rủi ro cho bé mới sinh. Vì thế, một số ít các trường hợp bắt buộc bác sĩ mới phải dùng đến phương pháp này.
Yêu cầu khó nhất khi làm thủ thuật forceps là chẩn đoán đúng độ lọt của thai nhi cũng như kỹ thuật đặt kẹp forceps sao cho tránh tổn thương cho đầu em bé nhất. Có thể nói đẻ forceps vẫn là 1 thủ thuật khó về sản khoa và có thể tiềm ẩn một số tai biến cho thai nhi như: sang chấn hàm mặt, hốc mắt, chấn thương vùng sọ não, chảy máu não. Do đó đây là 1 thủ thuật phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề của bác sỹ.
Thạc sĩ bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Có thể nói chỉ định đẻ forceps luôn là 1 quyết định khó khăn và cân nhắc của các bác sỹ phụ sản, bởi bệnh nhân thường trong tình trạng cấp cứu rặn đẻ mãi không được, sức khỏe mẹ thì kiệt sức, em bé có thể trong tình trạng suy thai do đó không cho bác sỹ nhiều lựa chọn:
Một là mổ lấy thai khi cổ tử cung đã mở hết, đầu thai nhi đã đi vào trong âm đạo, đây là lựa chọn được nhiều bệnh nhân và gia đình mong muốn. Tuy nhiên với bác sỹ sản khoa thì mổ đẻ thời điểm này tiềm ẩn nhiều tai biến gây rách ống đẻ và các cơ quan xung quanh như: rách cổ tử cung, rách tử cung, tổn thương bàng quang niệu quản. Chưa kể là chất lượng sẹo mổ thường không tốt do tử cung đã phù nề do chuyển dạ kéo dài, hay gây khuyết sẹo mổ lấy thai.
Hai là đẻ forceps và giác hút do bệnh nhân không rặn đẻ được. Tuy nhiên bác sỹ thường chịu nhiều áp lực. Nếu cuộc đẻ diễn ra dù suôn sẻ an toàn, thì bệnh nhân và gia đình cũng thường lo lắng bất an. Nếu có tai biến cho cháu bé, người bác sỹ sẽ đối mặt với rất nhiều áp lực.
Làm thế nào để đẻ thường và tránh phải rơi vào những tình thế khó xử cho cả bệnh nhân và bác sỹ như thời điểm chỉ định làm forceps?
Để có cuộc đẻ an toàn, mẹ bầu cần có cả hành trình quản lý thai khoa học, chứ không chỉ dựa vào thời điểm cuộc chuyển dạ. (Ảnh minh họa)
Có thể nói để có cuộc đẻ an toàn thì các mẹ cần có cả hành trình quản lý thai khoa học, chứ không chỉ dựa vào thời điểm cuộc chuyển dạ:
Thứ 1: Ăn uống đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt khi bầu bí nhưng mẹ không bồi dưỡng quá nhiều để con sinh ra không quá to. Bé sơ sinh khoảng 3-3,2kg là dễ đẻ nhất.
Thứ 2: Mẹ bầu không tăng cân nhiều: Trong thai kỳ mẹ bầu không nên bồi bổ quá mức để bị béo phì, tiểu đường thai kỳ.
Thứ 3: Chăm tập các bài tập thể dục như squat, đi bộ, đứng lên ngồi xuống giúp khung chậu giãn nở, đủ sức khỏe để rặn đẻ thường thành công.
Thứ 4: Quan hệ tình dục thường xuyên ở quý 3 của thai kỳ giúp cho âm đạo giãn nở, ít có nguy cơ phải mổ lấy thai.
Thứ 5: Massage tầng sinh môn sẽ giúp tầng sinh môn được nong giãn mềm mại, thuận lợi cho quá trình chuyển dạ.