Bố mẹ thường có tâm lý con còn nhỏ thì mới cần đặc biệt quan tâm đến những tai nạn con gặp phải, dù té ngã nhẹ cũng khiến họ quấn quýt cả lên và ngay lập tức đưa con đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi con đã trưởng thành, bố mẹ biết trẻ có thể tự chăm sóc tốt bản thân nên sẽ giảm đi sự chú ý dành cho con. Tuy nhiên, cũng chính vì sự chủ quan này mà trong một số hoàn cảnh, bố mẹ đã phải hối hận.
Điển hình như trường hợp của con gái cựu siêu mẫu Thuý Hằng mới đây được cô chia sẻ trên trang cá nhân, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cụ thể, Thuý Hằng cho biết cách đây 1 tháng, con gái cô bị ngã, nhưng có lẽ vì nghĩ chỉ là tai nạn nhỏ nên bố mẹ không quá để tâm cho đến khi chính sự cố này đã khiến cho cột sống của ái nữ bị biến dạng, từ đó kìm hãm sự phát triển về chiều cao.
“Đã hơn 1 tháng sau khi cô gái ý cao thêm 7cm sau 1 giấc ngủ… mừng vui vì ước mơ thành hiện thực, còn mẹ thì bao nhiêu tiếc nuối. Chỉ vì 1 khoảng thời gian lơ đãng trong lúc cô gái dậy thì, không để ý và kiểm tra khi cô ý ngã và dần dần gây biến dạng cột sống, giá mà kịp thời xử lý sớm hơn, giá mà quyết liệt hơn trong quyết định điều trị… thì cô ý phải cao được hơn 10cm.
Các bố mẹ có con lưu tâm, nếu bé có ngã, nhất là ngã dập mông thì nên theo dõi, đừng chủ quan nhé. Hãy nên thường xuyên kiểm tra sức khoẻ và hệ cột sống của con. Cảm ơn các cô chú y bác sĩ đã chăm sóc con trong thời gian lưu viện.
Với phương pháp mổ hạn chế xâm lấn, con hồi phục nhanh 1 cách thần kỳ, sau 2 tuần đã theo cả nhà đi Phú Quốc luôn được rồi, còn bây giờ sau hơn 1 tháng sắp chạy nhảy khắp nơi rồi, thi thoảng hơi nũng mẹ tý thôi. À cô ý thành Iron girl (tạm dịch: người sắt) rồi nha, trong người có mỗi 2 cái nẹp Titan và 16 cái vít thôi ạ” - cô viết.
Theo cựu siêu mẫu Thuý Hằng chia sẻ thì sau khi trải qua thời gian chữa trị, may mắn là hiện tại con gái Thanh Tuyền (hay còn gọi là bé Bông) đang hồi phục tốt. Ngoại hình của Bông cũng đã thay đổi bất ngờ khi tăng thêm được 7cm. Tuy nhiên, Thuý Hằng cũng tỏ rõ sự tiếc nuối khi đáng lẽ ra ái nữ sẽ cao được hơn 10cm nếu như bố mẹ không quá chần chừ, lo sợ trong quá trình đưa ra quyết định để bác sĩ chữa trị, cuối cùng bỏ lỡ thời điểm tốt nhất.
Trong hình ảnh cựu siêu mẫu Thuý Hằng đăng tải trên trang cá nhân, bức hình chụp chung 4 ái nữ - quý tử bao gồm con trai, con gái của cô và 2 nàng công chúa của em gái song sinh Thuý Hạnh đã cho thấy rõ sự thay đổi về thứ tự chiều cao của các con so với trước đây. Hiện tại, bé Bông đã vượt lên vị trí thứ 3, sau khi chữa trị biến dạng cột sống do chấn thương thì con gái Thuý Hằng đã cao hơn một chút so với Suli (ái nữ đầu lòng của cựu siêu mẫu Thuý Hạnh và nhạc sĩ Minh Khang), nhưng vẫn thấp hơn anh trai và cô em họ Suti (con gái thứ 2 của Thuý Hạnh).
Như đã nói ở trên, trẻ càng lớn thì bố mẹ sẽ càng tin rằng con có đủ khả năng tự bảo vệ bản thân tốt, chính vì vậy mà bố mẹ có chút lơ là trong quá trình chăm sóc con cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, tốt nhất là bố mẹ đừng bao giờ chủ quan trước bất kỳ sự cố nào xảy đến với con, đặc biệt là khi điều đó tác động trực tiếp đến cơ thể và sức khỏe của trẻ.
Vậy, chấn thương do té ngã gây biến dạng cột sống là tình trạng như thế nào?
Chấn thương do té ngã gây biến dạng cột sống là tình trạng mà cột sống bị tổn thương do tác động từ lực bên ngoài, thường xảy ra trong các vụ ngã hoặc tai nạn. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm:
1. Gãy đốt sống
Khi ngã, lực tác động có thể làm gãy một hoặc nhiều đốt sống. Gãy đốt sống có thể gây ra đau đớn dữ dội, hạn chế khả năng vận động và có thể dẫn đến biến dạng cột sống.
2. Biến dạng cột sống
Chấn thương có thể làm cho cột sống bị cong, lệch hoặc biến dạng. Biến dạng này có thể là do sự gãy xương hoặc do các mô mềm xung quanh cột sống bị tổn thương.
3. Tổn thương tủy sống
Nếu chấn thương nghiêm trọng, có thể làm tổn thương tủy sống, dẫn đến mất cảm giác hoặc khả năng vận động ở các chi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng tự chăm sóc bản thân.
4. Đau mãn tính
Chấn thương cột sống có thể dẫn đến đau mãn tính, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày. Đau có thể xuất hiện ở lưng, cổ, hoặc thậm chí lan tỏa xuống chân hoặc tay.
5. Hạn chế vận động
Biến dạng cột sống có thể làm giảm khả năng cử động linh hoạt, ảnh hưởng đến tư thế và khả năng thực hiện các hoạt động thể chất.
6. Tác động tâm lý
Chấn thương cột sống cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người bị chấn thương, dẫn đến lo âu, trầm cảm hoặc cảm giác không tự tin trong việc vận động.
Vì sao ở độ tuổi dậy thì phát triển chiều cao, trẻ cần tránh những chấn thương liên quan đến cột sống?
Ở độ tuổi dậy thì, sự phát triển chiều cao diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, vì vậy việc tránh những chấn thương liên quan đến cột sống là cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn này, xương và cột sống đang trong quá trình phát triển, và bất kỳ chấn thương nào có thể dẫn đến gãy xương hoặc biến dạng cột sống đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Ngoài ra, chấn thương cột sống có thể gây ra các vấn đề về tư thế, như gù lưng hay lệch cột sống, làm giảm chiều cao và gây ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Hơn nữa, chấn thương có thể hạn chế khả năng vận động, khiến trẻ không thể tham gia vào các hoạt động thể chất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể.
Những vấn đề này không chỉ có tác động tức thời mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, như đau lưng mãn tính và giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, sự lo âu và trầm cảm từ chấn thương có thể làm giảm động lực của trẻ, gây ảnh hưởng xấu đến lối sống và sự phát triển chiều cao. Do đó, việc bảo vệ cột sống cho trẻ trong giai đoạn dậy thì không chỉ giúp duy trì chiều cao, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe và sự tự tin trong tương lai.