Trẻ nhỏ chưa có nhận thức, việc tè dầm khi ngủ là chuyện bình thường và không có gì lạ cả. Tuy nhiên khi trẻ lớn hơn, nhận thức và kỹ năng tự phục vụ nhu cầu cá nhân cũng sẽ thành thạo hơn, tình trạng này sẽ dần biến mất. Thế nhưng điều kỳ lạ là cậu bé nhà hàng xóm của tôi, dù đã 12 tuổi nhưng vẫn tè dầm, và câu chuyện đằng sau khiến tôi vừa sợ vừa đau lòng.
Gia cảnh của thằng bé rất đáng thương, bố mẹ mất sớm khi cậu nhóc mới bước vào tiểu học. Bà nội một mình nuôi cháu trai. Gọi là bà nội nghe có vẻ đã già, nhưng bà của cậu bé đó thực sự rất trẻ, chỉ mới 45 tuổi. Cách đây gần một năm, bà ấy dẫn một người đàn ông về sống chung như vợ chồng, nhưng lớn tuổi cả rồi nên không cưới hỏi gì cả.
Hai người sống với nhau khá hoà thuận, tôi là hàng xóm kế bên chưa nghe gia đình cãi nhau bao giờ. Cháu trai được bà nội và chồng mới của bà nuôi dạy tốt, họ lo cho thằng bé chu toàn nên đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành lắm. Tôi cũng có thiện cảm với thằng bé đó.
Ảnh minh hoạ
Nhưng rồi thời gian dạo gần đây tôi bỗng nghe bà nội đứa trẻ kể lại, hơn một tháng nay cháu trai bà bỗng rất hay tè dầm mỗi đêm. Nghe bà nói lại tôi rất bất ngờ, thằng bé lớn tướng vậy rồi mà sao còn tè dầm được cơ chứ. Sợ đứa trẻ có bệnh nên tôi đã ngay lập tức khuyên bà nội đưa cháu đến bệnh viện kiểm tra.
Nói rồi ngày hôm sau tôi thấy hai bà cháu bắt xe lên bệnh viện thành phố khám. Tuy nhiên tại đây, bác sĩ đã kết luận rằng đứa trẻ không có vấn đề gì về sức khoẻ thể chất cả. Điều đó càng khiến bà nội cảm thấy hoang mang, vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
Vị bác sĩ kia đã tư vấn với bà về việc có thể đứa trẻ đang gặp trở ngại về tâm lý. Trong nhiều trường hợp, trẻ tè dầm là do bất ổn ở bên trong, bé đang cảm thấy lo lắng hay sợ hãi một điều gì đó. Nghe bác sĩ nói, bà nội tá hoả. Ban đầu dỗ mãi thằng bé vẫn im lặng, cúi mặt xuống đất. Tuy nhiên sau một hồi bác sĩ và bà cùng kiên nhẫn thuyết phục, đứa trẻ cũng chịu nói sự thật.
Ảnh minh hoạ
Bà nội đứng không vững khi nghe cháu trai ấm ức kể bị chồng mới của bà thường xuyên đánh đòn, chửi bới và hăm doạ khi bà vắng nhà. Mỗi lần khó chịu, không vui là ông ấy lại "trút giận" lên người thằng bé. Hay nếu đứa trẻ làm việc gì mà ông ta không hài lòng, thường xuyên sai vặt cháu nhưng bị cháu từ chối là sẽ "kiếm chuyện" với thằng bé.
Sau khi biết toàn bộ sự thật về bộ mặt đáng sợ này của chồng mới, bà nội vì chịu đả kích lớn nên đã không do dự đuổi ông ta ra khỏi nhà, thậm chí còn nhờ sự can thiệp của pháp luật. Cậu chuyện của hai bà cháu khiến hàng xóm xung quanh, kể cả tôi được một phen điếng người.
Giờ mỗi lần nhìn thấy thằng bé là tôi lại vừa buồn vừa thương, dù thế nào đi chăng nữa thì chuyện này chắc chắn cũng sẽ để lại "vết sẹo" lớn trong tâm hồn đứa trẻ, một nỗi ám ảnh tâm lý khó chữa lành.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trong thực tế cuộc sống, không ít trẻ em phải đối mặt với những tình huống đau lòng khi bị người trong gia đình đánh đập, hành hạ. Những trải nghiệm đáng buồn này khiến cho việc làm cha mẹ trở nên vô cùng quan trọng, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm yêu thương và bảo vệ con cái của mình, tạo dựng một môi trường sống an toàn, nơi mà con trẻ có thể tìm thấy tình yêu thương, sự ấm áp và hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc đảm bảo một môi trường gia đình an toàn chỉ là một phần trong quá trình chăm sóc con cái. Bố mẹ cần dạy cho con cách tự bảo vệ bản thân khi đối mặt với bạo lực hoặc những điều xấu xa, gây hại cho chính mình. Điều quan trọng là khuyến khích con lên tiếng, tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Bằng cách trang bị cho con kiến thức về quyền tự bảo vệ và khả năng phản ứng đúng mực, bố mẹ đang giúp con xây dựng sự tự tin và khả năng đối mặt với những tình huống khó khăn hàng ngày.
Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, một đứa trẻ được sinh sống trong môi trường đầy yêu thương và quan tâm, dù không có một gia đình trọn vẹn thì cũng sẽ phát triển tốt hơn so với một đứa trẻ có đủ bố mẹ, nhưng lại cảm thấy cô đơn và bất hạnh trong ngôi nhà của mình. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh. Đối với cha mẹ, mục tiêu quan trọng là tạo ra không chỉ một không gian vật lý an toàn, mà còn tạo cơ hội cho con trải nghiệm tình yêu, sự chăm sóc và sự hiểu biết.
Để tạo dựng một môi trường gia đình tích cực, phụ huynh cần tạo ra một không gian giao tiếp mở, nơi mà con có thể tự tin chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và nhận sự hỗ trợ từ cha mẹ. Việc lắng nghe và hiểu con là điều quan trọng để con cảm thấy được yêu thương và chăm sóc. Đồng thời, bố mẹ cần đảm bảo rằng con sẽ cảm nhận được bản thân là người có giá trị, và luôn có nguồn cảm hứng để phát triển tự do, theo đuổi tiềm năng riêng của mình.