Sau bữa cơm tối, đang xem TV, tôi nghe thấy tiếng la mắng, quát tháo từ nhà hàng xóm vọng sang. Vội chạy sang xem có chuyện gì, đập vào mắt tôi là hình ảnh đôi vợ chồng trẻ đang phát hỏa với đứa con nhỏ của họ. Người vợ mặt mũi đỏ bừng, lăm lăm quyển sách vo tròn trên tay, chỉ thẳng vào mặt đứa bé vừa mới chân ướt chân ráo vào lớp 1, gắt gỏng đến khản cả giọng. Người chồng đứng chống nạnh, mặt phị ra. Còn thằng bé con ngồi co ro, mếu máo, không biết đúng sai thế nào. Một không khí ngột ngạt bao trùm cả căn phòng.
Thấy tôi vào hỏi có chuyện, người mẹ trẻ cũng giãn bớt cơn tức giận, đáp: "Đấy bác xem, vừa mới đi học có một buổi thôi mà nó đã nhác thế này rồi. Em bảo tập viết có mấy chữ nhưng nó cứ cầm bút rồi ngồi đực ra cả tiếng đồng hồ. Bác thấy có điên tiết không? Bảo nó chép thì cứ lơ nga lơ ngơ". Người bố đứng bên nói thêm vào: "Thằng này không đánh không được, hôm hè nhà em đã cho nó học trước ở trung tâm luyện chữ đẹp rồi, nó đã biết viết rồi, sao hôm nay nó cứ loay hoay hết cái này đến cái khác mà không chịu viết thế không biết?".
Tôi nhận ngay ra vấn đề. Trước khi vào năm học mới, ngay thứ tháng tư, bố mẹ thằng bé đã tìm lớp cho con đi học viết, học đọc, để vào lớp 1 có thể đọc thông viết thạo ngay cho theo kịp bạn bè. Đây là lý do tại sao khi lên lớp, cô giáo dạy chính thức hoặc ở nhà bố mẹ bắt con học bài thì đứa bé cứ ì ra, không chịu hợp tác. Vì những thứ này đâu còn gì hấp dẫn khi đứa trẻ đã biết viết, biết đọc cả rồi. Tâm lý trẻ con vẫn hay nhanh chán như vậy.
Có một điều mà hầu hết các bậc phụ huynh ít để ý đến tâm lý của trẻ, nhất là lứa tuổi vào lớp 1, là chúng chỉ cảm thấy hứng thú khi được học những kiến thức mới mà chúng chưa gặp trước đó. Việc bố mẹ đã cho con luyện chữ từ trước khi vào học lớp 1 cũng có thể gây ra sự nhàm chán, dẫn đến con không thích học. Có điều, trẻ con 6 tuổi không thể diễn đạt hết ý thành lời, mà chúng sẽ biểu hiện qua hành động chống đối, nhất là khi bố mẹ lại quát mắng to tiếng.
Việc cha mẹ lo lắng, dạy bảo, kèm cặp cho con cái học hành cũng là điều bình thường và là trách nhiệm của gia đình đối với trẻ, đối với nhà trường cũng như đối với toàn xã hội. Cha mẹ nào cũng muốn con cái được học hành tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp, kỹ năng dạy học thì sẽ gây tác dụng ngược lại, vừa gây hoang mang cho con cái, đôi khi mâu thuẫn gia đình lại xuất phát từ đây vì mỗi người một ý trong cách dạy con học hành, kiểu như trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Tôi không biết tình trạng hò hét, thúc giục con học bài, kể cả những cái bạt tai của người mẹ này khi nào thì sẽ kết thúc, vì đây chỉ là khởi đầu cho hành trình của sự nghiệp học tập của con. Trong khi đó, tâm lý lo âu, nôn nóng của các bậc cha mẹ không hề nguôi. Cứ tình cảnh này, không những mẹ tức, con sợ, bố tăng huyết áp, mà đến cả hàng xóm xung quanh như tôi cũng phải hứng chịu vì cảnh náo loạn mỗi buổi tối khi bố mẹ dạy con học bài.
Có một thực tế là hầu hết các bậc cha mẹ đêm đêm đều ngồi cạnh con cái để ép chúng học bài và trong số đó, ít ai đủ độ kiên nhẫn và kiềm chế dạy bảo con. Cứ 10 người dạy con thì có đến tám người sẽ la mắng, quát tháo. Và hơn nửa trong số đó sẵn sàng đánh con nếu như chúng làm sai, làm chậm. Tình trạng này là nỗi lo sợ và làm nhụt ý chí của con trẻ trong bước đầu học tập. Trong giáo dục, điều đó là tối kỵ.
Nếu như các bậc phụ huynh không biết cách dạy bảo, kèm cặp con cái học bài, làm tính, viết văn thì tốt nhất là thuê gia sư hoặc gửi con em đến các lớp có giáo viên đầy đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Vô hình chung, việc dạy bảo con cái phản khoa học sẽ không đem lại tác dụng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy không lường trước được.
Một trong những nguyên nhân cha mẹ thường la mắng con cái trong lúc học đó là chính các bậc phụ huynh cũng ít tập trung, ít dành hẳn thời gian để ngồi bên cạnh con. Tôi thường thấy các bậc cha mẹ vừa dạy con học nhưng trong tay vẫn lăm lăm chiếc điện thoại, chốc chốc lại Zalo, Facebook, TikTok, nên tâm lý cũng bị phân tán. Có người mẹ vừa dạy con học vừa nói chuyện làm ăn, khi câu chuyện làm ăn không đạt được kỳ vọng thì lại trút giận vào đầu con trẻ. Hậu quả là những đứa trẻ phải gánh chịu cơn tức giận có phần vô lý đó của bố mẹ.
Không phải cha mẹ nào cũng đủ phương pháp, cách truyền đạt kiến thức hay sự kiên nhẫn để dạy con cái học tập. Ví như cha mẹ chỉ cần hỏi con một phép tính đơn giản, nhưng sau mấy chục giây con mà chưa trả lời là cha mẹ đã thúc giục và la toáng cả lên, rồi văng tục, chửi bậy, rồi không kiềm chế, dang tay vụt vào người con. Con sợ, con mếu máo, con không tập trung, con không muốn học, gây nên áp lực tâm lý mỗi khi màn đêm buông xuống.
Việc thường xuyên bị la mắng hoặc đánh đập có thể gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho trẻ. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng, và thiếu tự tin, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học tập và sự phát triển cá nhân của chúng. Khi trẻ bị áp lực quá mức từ việc học và bị trừng phạt thay vì khuyến khích, động lực học tập của trẻ có thể giảm sút. Trẻ có thể trở nên chán nản và không còn hứng thú với việc học.
Việc thay đổi cách tiếp cận trong giáo dục trẻ không chỉ giúp nâng cao chất lượng học tập mà còn xây dựng một môi trường gia đình tích cực và hỗ trợ. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận thức rằng việc la mắng, quát tháo, và đánh đập không phải là giải pháp hiệu quả, mà là những cản trở lớn đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.