Bố mẹ gửi con đến trường học, ngoài việc ở ngôi nhà thứ hai này trẻ sẽ được thầy cô cung cấp kiến thức trong sách vở, thì việc rèn nề nếp cũng là một điều cực kỳ quan trọng. Bởi “tiên học lễ, hậu học văn”, trau dồi tốt thì trẻ mới có thể trưởng thành toàn diện, trở thành người ưu tú. Đó là lý do mà mỗi trường học đều sẽ có những quy định riêng, bắt buộc học sinh phải tuân thủ trong suốt quá trình đi học. Nếu trẻ vi phạm, việc bị nhắc nhở, thậm chí là nhận hình phạt từ thầy cô là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên mới đây, một phụ huynh đã đăng tải dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc, kèm với đó là đoạn tin nhắn trong nhóm lớp “tố” cô giáo chủ nhiệm của con trai có những lời lẽ không phù hợp khi nhắc nhở lỗi tác phong của học sinh, bài chia sẻ ngay sau đó trở nên viral trên các diễn đàn mạng xã hội, và tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt giữa các phụ huynh.
Đoạn tin nhắn của cô giáo tiểu học gây chú ý.
Theo đó được biết, quy định của trường là học sinh đi học phải tuân thủ tác phong nghiêm chỉnh, dép mang phải là loại có quai sau. Tuy nhiên, con trai của vị phụ huynh này lại mang dép lê đến trường, đây không phải là tình huống cố ý vi phạm nề nếp mà vị phụ huynh đã giải thích rõ là vì hoàn cảnh.
"Mấy hôm nay Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh mưa bão liên tục, con mình mới vào lớp 1 chỉ vì đi dép sai quy định mà giáo viên có những lời lẽ thiếu chuẩn mực vậy trong nhóm lớp” - người mẹ bức xúc cho biết. Trong nhóm lớp, cô giáo đã chụp hình cậu học sinh của mình và nhắn những dòng tin nhắc nhở, xét về lý và trách nhiệm thì cô giáo hoàn toàn đúng, cô có quyền làm điều đó vì học sinh vi phạm nội quy nhà trường
Tuy nhiên, lỗi sai của cô giáo ở đây là cách truyền tải, cách sử dụng ngôn ngữ của mình có phần không phù hợp, chưa chuẩn chỉnh cho lắm nên mới khiến cho phụ huynh cảm thấy khó chịu. Cụ thể, lời nhắc nhở của cô giáo như sau: “Vẫn còn 1 bạn chưa thực hiện nghiêm quy định của trường, của lớp, còn đi dép lê đến trường. Nếu phụ huynh nào thiếu không thể mua được thì gọi cho cô, cô sẽ mua để kỉ niệm nhé”.
Sau khi đoạn tin nhắn của cô giáo được đưa lên mạng xã hội, đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người, cộng đồng mạng rầm rộ những ý kiến, tranh cãi trái chiều. Đa số đều đồng tình rằng, học sinh vi phạm cô nhắc nhở là đúng nhưng lời ăn tiếng nói của cô trong tình huống này chưa khéo nên mới dễ khiến các phụ huynh hiểu lầm.
Cộng đồng mạng để lại nhiều tranh cãi trái chiều.
Trên thực tế, những lỗi trong giao tiếp, tương tác giữa phụ huynh và giáo viên, dù là trực tiếp nói chuyện hay gián tiếp thông qua nhóm lớp thì cũng là tình huống phổ biến chứ không hiếm gặp. Điều quan trọng là sau những lỗi sai này thì bố mẹ và cả giáo viên cũng cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại chính mình, để có thể dẫn đến những cuộc giao tiếp hiệu quả hơn về sau.
Ứng xử phù hợp giữa phụ huynh và giáo viên sẽ tạo dựng một môi trường học tập tích cực, và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý về cách ứng xử phù hợp giữa phụ huynh và giáo viên:
- Tôn trọng và lắng nghe
Tôn trọng quan điểm của nhau: Phụ huynh và giáo viên cần tôn trọng quan điểm và ý kiến của nhau, ngay cả khi có sự khác biệt. Điều này giúp xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Lắng nghe một cách chân thành: Khi một bên đang nói, bên kia nên lắng nghe một cách chân thành và không ngắt lời. Điều này giúp hai bên hiểu rõ vấn đề và tìm ra giải pháp thích hợp.
- Giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn
Thảo luận cởi mở: Cả phụ huynh và giáo viên nên thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề liên quan đến học sinh. Giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn giúp tránh những hiểu lầm không đáng có.
Đặt câu hỏi để hiểu rõ: Đừng ngại đặt câu hỏi nếu có điều gì chưa rõ ràng. Như vậy sẽ giúp đảm bảo rằng thông tin được truyền đạt một cách chính xác và đầy đủ.
- Giữ thái độ tích cực và xây dựng
Thể hiện thái độ tích cực: Khi thảo luận về bất kỳ vấn đề nào, phụ huynh và giáo viên nên giữ thái độ tích cực, trên tinh thần xây dựng. Tránh chỉ trích hoặc phê phán không mang tính tích cực.
Tìm giải pháp cùng nhau: Khi gặp vấn đề, hãy cùng nhau tìm kiếm giải pháp thay vì đổ lỗi cho nhau. Điều này giúp tạo ra một môi trường hợp tác và hỗ trợ.
- Thể hiện sự biết ơn và tôn trọng
Cảm ơn và ghi nhận công lao: Phụ huynh nên cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực của giáo viên, trong việc giáo dục và chăm sóc học sinh. Điều này giúp giáo viên cảm thấy được tôn trọng và động viên.
Tôn trọng thời gian và công việc của nhau: Cả phụ huynh và giáo viên nên tôn trọng thời gian và công việc của nhau. Tránh việc yêu cầu gặp gỡ hoặc liên lạc vào những thời điểm không phù hợp.
- Giải quyết mâu thuẫn một cách xây dựng
Giữ bình tĩnh: Khi có mâu thuẫn hoặc bất đồng, cả phụ huynh và giáo viên nên giữ bình tĩnh và không để cảm xúc chi phối.
Thảo luận để tìm giải pháp: Cùng nhau thảo luận để tìm giải pháp tốt nhất cho học sinh. Hãy lắng nghe nhau và tìm ra những điểm đồng thuận.
- Thể hiện sự đồng lòng trong việc giáo dục trẻ
Thống nhất về phương pháp giáo dục: Phụ huynh và giáo viên nên thống nhất về phương pháp giáo dục, và cách thức xử lý các vấn đề liên quan đến học sinh. Điều này giúp học sinh có được sự nhất quán trong việc học tập và rèn luyện.
Hỗ trợ lẫn nhau: Phụ huynh và giáo viên nên hỗ trợ lẫn nhau trong việc giáo dục và chăm sóc học sinh, tạo ra một môi trường học tập và phát triển toàn diện.