Bố mẹ lo lắng khi thấy trẻ ngủ nhiều, ngủ ít: Không cần thiết!
Thay đổi môi trường từ thế giới bên trong bụng mẹ ra thế giới bên ngoài đòi hỏi trẻ sơ sinh cần một thời gian nhất định mới có thể thích nghi tốt. Khi trẻ phải đối mặt với quá nhiều điều mới mẻ lẫn việc không có “ngôn ngữ chung” với bố mẹ, điều cần thiết để chăm sóc con tốt chính là sự chủ động quan sát và nắm bắt hành vi của trẻ. Có rất nhiều người lần đầu sinh con chia sẻ lo lắng với Bác sĩ về việc bé sơ sinh ngủ quá nhiều hoặc ngược lại ngủ quá ít, liệu biểu hiện này có bình thường hay không. Tuy nhiên lo lắng này là không cần thiết.
Thực tế, từ lúc mới sinh đến khi lên 2, hầu hết trẻ dành thời gian ngủ nhiều hơn thức. Trong những tháng đầu đời, trẻ ngủ trung bình từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, giấc ngủ không liên tục mà ngắt quãng để thức dậy bú. Cơ bản là vì dạ dày của trẻ rất nhỏ và không thể chứa được nhiều thức ăn, sau khi no bụng thì trẻ sẽ ngủ, cứ như vậy khi tiêu hóa xong trẻ lại thức và đòi bú. Nếu trẻ ngủ nhiều hơn 3 giờ mỗi giấc, bố mẹ cũng đừng quá lo lắng và đánh thức trẻ dậy. Ngược lại, nếu trẻ có giấc ngủ ngắn và thức thường xuyên hơn thì bố mẹ cũng hãy an tâm rằng tình trạng này chỉ là tạm thời. Từ sau 3 tháng tuổi, khi dạ dày bé đã lớn hơn và chứa được nhiều thức ăn hơn, giấc ngủ của trẻ cũng sẽ dài hơn.
Dưới đây là một số lưu ý, bố mẹ có thể dựa theo đó để hiểu khi nào trẻ muốn ngủ, cũng như theo dõi giấc ngủ của trẻ một cách dễ dàng hơn:
Khi trẻ buồn ngủ trẻ sẽ ngáp, mắt chớp liên tục, lim dim hoặc khóc
Bố mẹ đặt trẻ lên giường khi trẻ bắt đầu buồn ngủ và lưu ý không nên ru trẻ ngủ rồi mới cho trẻ nằm xuống giường.
Cho trẻ ngủ đúng giờ để tạo thói quen và tập cho bé cách phân biệt ngày và đêm. Bởi khi còn trong bụng mẹ, trẻ ăn và ngủ thụ động, không có khái niệm về ngày và đêm, do vậy để trẻ thích ứng tốt với môi trường bên ngoài, việc giúp con hiểu khi nào là ngày – khi nào là đêm có thể xem là “giáo dục đầu đời” dành cho trẻ. Vào ban ngày nên mở cửa để có ánh sáng, thường xuyên nói chuyện và chơi đùa với con. Mẹ cũng tập thói quen làm vệ sinh, thay quần áo cho con vào cùng thời điểm mỗi buổi sáng để bé hiểu rằng đã bắt đầu một ngày mới. Vào ban đêm nên tắt đèn hoặc để ánh sáng mờ dịu mắt, giữ cho không gian yên tĩnh và không nói chuyện với trẻ.
Cho trẻ ăn no trước khi ngủ: Với trẻ sơ sinh, mẹ lưu ý cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, không nên cho trẻ uống bất cứ loại nước nào khác ngoài sữa mẹ. Các mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu, khoảng 3 tiếng bú 1 lần, không nên ép trẻ quá dẫn đến trớ, sặc.
Không nên “ủ” trẻ bằng quá nhiều lớp quần áo sẽ gây bí, nóng. Nên chọn các loại quần áo thoáng mát, dễ thoát mồ hôi, mềm mại và dễ chịu.
Nhiệt độ phòng phù hợp khoảng 25-27 độ C.
Sắp xếp giường, chăn gối êm, mềm mại.
Chọn tã phù hợp với trẻ sơ sinh, bố mẹ chú ý các đặc điểm: mềm mại, vừa vặn với cơ thể nhỏ nhắn để trẻ luôn thoải mái, thấm hút tốt để chất bẩn không bám lên da của trẻ gây nên tình trạng hăm bí.
Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Văn Hiền cho rằng nhịp sinh học của trẻ sơ sinh, đặc biệt là giấc ngủ, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho tiền đề phát triển của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.
Một chiếc tã phù hợp giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn
Việc chọn tã phù hợp cũng là điều quan trọng giúp trẻ thoải mái và ngủ ngon giấc. Trước khi chọn lựa tã cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần hiểu đặc điểm sinh lý của trẻ: Làn da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm (gấp 3 lần bình thường), đặc biệt với những trẻ sơ sinh non tháng. Trẻ sơ sinh đi tiêu, đi tiểu rất nhiều lần trong ngày (6-8 lần) và phân thường lỏng, do vậy việc chọn tã phù hợp, thay tã thường xuyên sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đến da của con. Dưới đây là những tiêu chí để bố mẹ lựa chọn loại tã dán sơ sinh phù hợp với trẻ nhỏ:
Tã dán sơ sinh cần mềm mại và dịu nhẹ: Một số chất liệu vải không đạt tiêu chuẩn có thể gây kích ứng, là tiền đề gây nên dị ứng da và hăm tã. Bố mẹ chú ý lựa chọn tã dán sơ sinh có bề mặt làm bằng cotton để tạo sự mềm mại. Hiện nay, tã dành cho trẻ sơ sinh có cải tiến bổ sung thêm Vitamin E thân thiện hơn với làn da mỏng manh, ngăn hăm bí da, bố mẹ có thể lựa chọn cho con.
Tã dán sơ sinh cần ôm vừa vặn, hệ thun co giãn linh hoạt: Nếu tã không ôm vừa vặn sẽ khiến trẻ khó chịu, da bị cấn/hằn đỏ. Do vậy bố mẹ hãy lựa chọn cho con loại tã sơ sinh vừa vặn, mềm mại tạo cảm giác dễ chịu cho trẻ, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng tràn tã có thể xảy ra khi bé sơ sinh liên tục xì xoẹt.
Chọn tã dán sơ sinh, bố mẹ cần quan tâm trước nhất về độ mềm mại và thiết kế vừa vặn với cơ thể nhỏ nhắn.
Tã dán sơ sinh cần thấm hút nhanh: Nếu phân và nước tiểu không được thấm hút hết có thể trào ra ngoài, chất tiêu bẩn tạo ra môi trường ẩm, giảm khả năng bảo vệ của lớp biểu bì, có thể gây hăm tã và phát ban. Do vậy, bố mẹ lưu ý chọn các loại tã có thiết kế với bề mặt dạng sóng 3D giúp giảm diện tích tiếp xúc giữa da và chất bẩn. Hiện nay trên thị trường có các loại tã mang cải tiến đáng chú ý về công nghệ thấm hút, điển hình như rãnh thấm kim cương. Công nghệ này trên bề mặt tã hộ trợ thấm nhanh chất tiêu bẩn, dàn đều chất bẩn theo các rãnh thấm và ngăn cho thấm ngược trở lại.
Tã dán sơ sinh nên có thiết kế hỗ trợ giữ cho cuống rốn khô thoáng: Tuy là vấn đề nhỏ, song việc giữ vệ sinh cho cuống rốn của trẻ sơ sinh cũng là một trong những vấn đề băn khoăn của bố mẹ. Bố mẹ cần nhớ rằng cuống rốn của trẻ sơ sinh không cần vệ sinh quá kĩ bằng xà phòng hay bôi thêm bất kỳ loại thuốc bôi nào, chỉ cần được vệ sinh sạch bằng nước ấm và giữ khô thoáng. Bố mẹ có thể dùng tã dán sơ sinh có thiết kế rãnh rốn Oheso (phần khoét mặt trước tã) để tránh cho cuống rốn tiếp xúc với chất tiêu bẩn, giữ cho nó được khô thoáng và mau lành.
Nắm được nhịp sinh học của con cũng như cách lựa chọn các vật dụng tốt, đơn cử như một chiếc tã phù hợp sẽ giúp cho trẻ có giấc ngủ ngon hơn, việc chăm sóc trẻ sơ sinh dễ dàng hơn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Hiền
Giám đốc phòng khám Sản Phụ khoa Hiền Đức, cố vấn cấp cao Bệnh viện Hạnh Phúc