Cơn đau chuyển dạ vật vã kéo dài hàng giờ đồng hồ cùng khoảnh khắc rặn đến kiệt sức mới sinh được con có lẽ là nỗi ám ảnh chị em phụ nữ khó có thể quên. Vậy nhưng bên cạnh đó vẫn có không ít bà mẹ may mắn có ca sinh cực nhanh và suôn sẻ. Chị Trâm Nguyễn (33 tuổi, sống tại Mỹ) - khách mời trong chương trình Chat với mẹ bỉm sữa Cali số mới nhất là một bà mẹ như vậy.
Chị Trâm là một bà mẹ 2 con với một bé gái 5 tuổi và bé trai hơn 2 tuổi. Cả hai lần mang thai, chị đều từng thót tim với những thông báo từ bác sĩ nhưng bù lại khi "vượt cạn" lại cực kỳ dễ dàng.
Hai lần mang bầu như "ngồi trên đống lửa" với tin dữ từ bác sĩ
Chị Trâm tâm sự sau 1 năm kết hôn thì vợ chồng chị quyết định có con. Mọi việc dường như rất suôn sẻ khi chị có "tin vui" theo đúng kế hoạch. Những tháng đầu thai kỳ, chị cũng không hề ốm nghén mà rất khỏe mạnh. Vậy nhưng đến lần đi siêu âm 16 tuần, bác sĩ thông báo một tin như "sét đánh ngang tai" với gia đình chị.
Hai lần mang thai, chị Trâm đều thót tim với "tin dữ" từ bác sĩ.
"Sau khi siêu âm, lúc đầu bác sĩ chúc mừng vợ chồng mình sắp đón một bé gái. Vậy nhưng sau đó khi đang ngồi chờ thì một bác sĩ khác tới, đưa cho mình phim siêu âm và thông báo rằng con gái mình có nguy cơ bị hội chứng Down. Mình đau đớn không thể nào chấp nhận được, cứ ngồi nhìn tấm ảnh siêu âm và rơi nước mắt", chị Trâm kể lại.
Sau đó, bác sĩ chuyên khoa đã có buổi tư vấn cho vợ chồng chị Trâm. Có hai sự lựa chọn để xác định chính xác bé có bị hội chứng Down hay không là chọc ối hoặc xét nghiệm máu. Chọc ối cho kết quả chính xác 100% nhưng có thể ảnh hưởng đến em bé trong bụng nên chị Trâm quyết định xét nghiệm máu trước.
Sau khi lấy máu, 1 tuần chờ đợi kết quả là những ngày chị Trâm luôn thấp thỏm, lo âu như "ngồi trên đống lửa". Khi mẹ gọi điện hỏi tình hình sức khỏe của bé, chị chỉ thấy tim mình thắt lại, cổ họng nghẹn đắng không nói nên lời.
May mắn thay, kết quả cho thấy em bé 90% là khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh Down thấp. Sau đó, bác sĩ có khuyên tiếp tục làm chọc ối để kiểm tra kĩ càng nhất nhưng gia đình chị Trâm từ chối. Cuối cùng, con gái đầu lòng của chị chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
May mắn cả hai con chị Trâm đều chào đời khỏe mạnh.
Đến lần mang thai thứ 2, chị Trâm cũng tiếp tục thót tim khi đi siêu âm ở tháng thứ 3, bác sĩ cho biết không tìm thấy tim thai. Chị được siêu âm kĩ càng hơn ngay sau đó nhưng kết quả lại không có ngay mà tiếp tục phải chờ đợi 1 tuần. Vậy là lại thêm một tuần căng thẳng, nặng nề, dài như cả năm đối với chị và ông xã.
"Hết hẹn 1 tuần rồi mà mình còn chưa nhận được thông báo nên mới gọi điện cho bác sĩ để hỏi, lúc này bác sĩ lại thản nhiên cho biết con rất khỏe mạnh, tim thai bình thường và là một bé trai. Thật sự hai lần mang thai mình đều đau tim với những tin dữ từ bác sĩ", chị Trâm kể tiếp.
Không chỉ vậy, chị Trâm còn thêm phần căng thẳng khi chỉ số đường huyết từ tháng thứ 6 thai kỳ luôn bất ổn, lúc cao lúc thấp. Khi đến 38 tuần, bác sĩ yêu cầu chị tiêm thuốc để ổn định chỉ số đường huyết nhưng chị chưa vội tiêm mà cố đợi thêm một ngày. Và không ngờ chỉ một ngày chờ đợi đó thì chị Trâm cũng sinh con luôn. Sau sinh mức đường huyết trở lại bình thường nên không phải điều trị gì cả.
Hai lần đi đẻ "dễ như gà", bác sĩ Mỹ khen "mẹ siêu nhân"
Thai kỳ "thót tim" là vậy nhưng chị Trâm lại có hai lần sinh con đều suôn sẻ đến mức bị bạn bè trêu là "đẻ dễ như gà".
Lần đầu tiên chị dự sinh vào ngày 11/6 nhưng chồng có nói đùa với con gái trong bụng là ra vào ngày 8/6 cho đẹp. Vậy mà không ngờ lời nói đùa lại thành sự thật. Sáng sớm ngày 8/6, chị nghe tiếng "bóc" và sau đó là nước ối ào ra.
"Lúc đó mới 4 giờ sáng, mình mới quay sang chồng gọi dậy để đưa đi viện. Vậy mà chồng mình tỉnh tỉnh mê mê lại nhấc ngay chân mình lên, nhìn vào rồi hỏi: "Đâu đâu, con đâu?". Mình không nhịn nổi cười mới bảo: "Trời ơi, con chưa ra, anh nhìn cái gì". Sau đó, mình đi tắm rửa sửa soạn rồi mới đến bệnh viện", chị Trâm kể lại kỉ niệm vui ngày đi sinh.
Chị Trâm sinh con gái đầu lòng chỉ đau 15 phút và rặn 3 hơi là xong.
Đến bệnh viện, y tá hỏi chị Trâm có muốn sử dụng thuốc giảm đau không thì chị lập tức trả lời không vì đã được mẹ chồng khuyên trước là dùng thuốc sẽ ảnh hưởng về sau. Và có vẻ đó là lựa chọn đúng đắn vì sau đó, chị Trâm chỉ đau dữ dội đúng 15 phút và rặn 3 hơi là con chào đời. Các bác sĩ y tá của bệnh viện còn phong cho chị là "super woman" (siêu nhân) vì sinh con không cần giảm đau mà quá nhanh.
Tới bé trai thứ 2 thì ca "vượt cạn" càng gấp gáp hơn. Sau một ngày dọn nhà, chị Trâm thấy đau bụng theo cơn rồi ra huyết hồng nên lập tức kêu chồng đưa đến bệnh viện. Trong 35 phút đi xe, chị đã thấy cơn đau dữ dội và khi đến bệnh viện thậm chí còn phải đi khép chân vì cảm giác như con sắp "rơi ra". Sau đó vừa vào khám là y tá đẩy ngay chị sang phòng sinh và cũng chỉ vài hơi rặn là con trai chào đời, thậm chí không kịp đợi bác sĩ đã chọn tới mà phải nhờ bác sĩ thực tập đỡ sinh.
Gia đình hạnh phúc của bà mẹ 2 con hiện tại.
Chị Trâm cho biết bí quyết để sinh dễ như chị có lẽ là đi bộ nhiều và hoạt động đều đặn suốt thai kỳ. Đến nay, câu chuyện đi sinh suýt "rơi" con của chị vẫn là chủ đề bàn tán của bạn bè trong mỗi bữa tiệc.