"Tôi thực sự không nên đưa thằng bé đến với thế giới này. Tôi quá hối hận vì đã sinh con thứ 2 nhưng tiếc rằng thế giới này không có thuốc hối tiếc" - đó là tâm sự của chị Zhang Xiao (42 tuổi, sống tại Hồ Bắc, Trung Quốc) khi ôm đứa con thứ 2 trong tay.
Năm 2017, chị Zhang bất ngờ phát hiện mang thai dù trước đó hai vợ chồng không hề có kế hoạch sinh thêm con thứ 2. Chồng chị chưa có một công việc chính thức và ổn định, thu nhập cũng không cao nên vốn chỉ định tập trung nuôi dạy con trai đầu lòng thật tốt. Hai vợ chồng cũng đều đã suýt soát 40 khi biết mang thai, tâm trạng chung là vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng.
Vợ chồng chị Zhang đều rất lo lắng khi phát hiện mang thai lần 2.
Chị Zhang sợ nhất chính là việc mình đã lớn tuổi nên có thể sinh con sẽ không được khỏe mạnh, nhanh nhẹn như những bà mẹ khác. Vậy nhưng rồi chị lại nghĩ: "Đây có lẽ là cái duyên trời định". Thấy cậu con trai lớn cũng rất hào hứng khi biết sắp có em, vợ chồng chị cuối cùng quyết định giữ lại đứa bé.
Chấp nhận giữ thai, chị Zhang còn phải đối mặt với vấn đề sức khỏe yếu khi mang bầu. Bác sĩ khuyên chị nên nghỉ ngơi nhiều nhất có thể nên mẹ bầu 40 tuổi đã nghỉ việc để ở nhà dưỡng thai. Gánh nặng kinh tế để nuôi gia đình đều đặt lên đôi vai của chồng chị.
Cả hai đều tưởng rằng mọi khó khăn sẽ qua đi khi cậu bé Yixia chào đời khỏe mạnh.
Những tưởng mọi khó khăn, mệt mỏi đều đã được đền đáp khi chị Zhang sinh con thành công vào ngày 16/4/2018. Nhìn con trai chào đời bình thường, khỏe mạnh, vợ chồng chị Zhang cũng buông được nỗi lo lắng. Vậy nhưng họ không bao giờ tưởng tượng được "cơn ác mộng" chỉ đến muộn chứ không phải không đến.
Bắt đầu từ năm 1 tuổi, bé Yixia - con trai thứ 2 của chị Zhang bắt đầu bị đau ốm liên tục với nhiều căn bệnh khác nhau như sốt, ho, loét miệng, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang... Cứ 2 - 3 ngày, hai vợ chồng lại phải cho con vào viện, dùng đủ các loại thuốc để khỏi bệnh nhưng chỉ vừa về nhà là lại có vấn đề về sức khỏe.
Chị Zhang cũng đưa bé đến khắp các bệnh viện lớn để tìm ra nguyên nhân nhưng không được. Vài tháng trời, ngón tay cậu bé hơn 1 tuổi toét ra vì lấy máu xét nghiệm quá nhiều, tiền trong nhà cũng "trôi tuột" đi sau mỗi lần đi viện nhưng bệnh vẫn không thể phát hiện.
"Cơn ác mộng" bắt đầu khi cậu bé được 1 tuổi và thường xuyên mắc bệnh.
Mãi đến ngày 12/8/2019, các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Trung ương mới chẩn đoán được bé Yixia mắc chứng Tăng đường huyết liên kết X (X linked Hyperglycemia). Đây là một căn bệnh gây suy giảm miễn dịch bẩm sinh hiếm gặp. Các bé mắc bệnh bị thiếu Globulin miễn dịch và cuối cùng có thể mất mạng do các kiểu nhiễm trùng khác nhau. Điều khiến vợ chồng chị Zhang thắc mắc nhất là đây vốn là căn bệnh di truyền nhưng trong gia đình cả hai người chưa ai gặp phải.
Niềm hy vọng duy nhất của cậu bé Yixia là phẫu thuật ghép tủy để tái tạo lại hệ miễn dịch. Hiện tại, cả gia đình chị Zhang đang chờ đợi tủy thích hợp để ghép cho Yixia. May mắn thay, số tiền phẫu thuật đã được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Vậy nhưng vấn đề chính là dịch Covid-19 đang làm chậm tiến trình tìm kiếm tủy và cậu bé có thể không chờ đợi thêm được nữa.
Yixia mắc căn bệnh gây suy giảm miễn dịch và chỉ có thể chữa bằng cách ghép tủy.
Nhìn con hàng ngày bị "tra tấn" đầy đau đớn bởi hàng chục vị trí nhiễm trùng khác nhau, chị Zhang và chồng chỉ biết lén lau nước mắt.
"Chính tôi là người đã đưa con đến với thế giới này. Tôi không biết đó có phải lựa chọn chính xác không. Có lẽ tôi không nên mang bầu và sinh con khi đã quá lớn tuổi. Tôi thật sự hối hận", chị Zhang rớt nước mắt khi thổ lộ những lời từ đáy lòng.
Vợ chồng chị Zhang đều rơi nước mắt khi nhìn con phải chịu đau đớn.
Những rủi ro khó lường khi mang thai sau 40 tuổi Phụ nữ lớn tuổi khi có ý định sinh con cần biết trước những nguy cơ để chuẩn bị tâm lý, sức khỏe vượt qua bởi chắc chắn rằng quá trình mang thai, sinh nở sẽ vất vả hơn bình thường. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Những nguy cơ cho thai phụ: Nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo. Gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỉ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỉ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm. Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu Quá trình mang thai cũng dễ khiến các bệnh mãn tính đã mắc phải trước đó (nếu có) trở nên tăng nặng. Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Nguy cơ cho thai nhi: Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định. Đối với việc thụ thai thông thường, nguy cơ bé sinh ra chậm phát triển trí tuệ và vận động cao (do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng dễ bị dính vào nhau, gây các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…). Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên với phương pháp này, trứng được thụ tinh là trứng hiến tặng của người phụ nữ độ tuổi dưới 35, có chất lượng tốt không có nghĩa là con sinh ra chắc chắn khỏe mạnh. Trường hợp này, thai nhi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể, bằng tỷ lệ mắc của thai nhi có mẹ cùng độ tuổi của người cho trứng. |