1. Hoa trường sinh
Hoa trường sinh hay còn gọi là cây sống đời, cây lá bỏng,... có lá xanh mọng nước, hoa có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ thẫm, hồng, vàng, cam,... Tuy vẻ bề ngoài nhỏ nhắn nhưng hoa trường sinh mang một sức mạnh bền bỉ đúng như tên gọi.
Hoa trường sinh rất dễ sống, lá cây chạm đất sẽ bén rễ và nhanh chóng mọc thành cây con, nên loài hoa này tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự trường thọ và vĩnh hằng theo thời gian. Bên cạnh đó, nhiều người đặt hoa trường sinh trong nhà để cầu mong gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, công thành danh toại.
Bên cạnh những ý nghĩa tốt lành trong phong thủy, hoa trường sinh còn là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Cụ thể, người ta dùng lá sống đời để đắp lên mụn nhọt, cầm máu, chữa bỏng, đau mắt đỏ, đi tiểu ra máu, chữa viêm ruột. Tuy nhiên, đây là những bài thuốc được lưu truyền trong dân gian, muốn sử dụng bạn nên tìm hiểu kỹ.
Ngoài ra, hoa trường sinh còn được biết đến như một loại thuốc kháng sinh có tác dụng tốt cho ruột, đồng thời hỗ trợ chữa các bệnh ngoại khoa, nhiễm trùng mà không gây ra tác dụng phụ.
2. Kim ngân hoa
Cây kim ngân hoa hay còn được gọi là cây vàng bạc, nhẫn đông, thuộc họ dây leo bằng thân quấn, mọc thành bụi, dàn, có thể cho mọc leo ở bờ tường, ban công vô cùng đẹp mắt. Loài cây này có lá xanh tốt hầu như quanh năm, mùa đông không bị rụng lá vì khả năng chịu rét rất tốt.
Hoa kim ngân khi mới nở có màu trắng tinh, sau vài ngày lại ngả sang màu vàng óng nên trên cành luôn có 2 màu, trông rất thu hút. Hoa nở khá thơm, mùi thơm dịu.
Trong tiếng Hán, “kim” có nghĩa là vàng, hiện kim, còn “ngân” tức là ngân lượng, tiền của. Hai chữ này đi cạnh nhau ngụ ý tiền bạc dồi dào, ngày càng đong đầy nên rất thích hợp để trồng trước cửa nhà, giúp gia chủ thu hút tài lộc.
Bên cạnh đó, kim ngân hoa còn là vị thuốc quý trong Đông y. Kim ngân hoa có vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, quy kinh tại 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Trong dân gian, đây là một vị thuốc thường được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc, chữa sốt, trị mụn nhọt, tả, lỵ, giang mai… Ở một số nơi, hoa của loại cây này còn được dùng để pha nước uống thay trà, nhưng những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
3. Cây lộc vừng
Lộc vừng là cây thân gỗ, là loại cây thuộc tam Đa gồm cây Sung ( Phúc), cây Lộc vừng (Lộc), cây Vạn tuế (Thọ). Vì có chữ Lộc trong tên nên đây là loại cây được rất nhiều người trồng trước cửa nhà, trong sân vừa để che bóng mát vừa hút tài lộc, mang đến bình yên, sự thịnh vượng cho gia đình.
Hoa lộc vừng có 2 màu phổ biến là trắng và đỏ, mọc thành chùm và kéo dài thành chuỗi nhìn rất đẹp mắt. Hoa thường nở vào tháng 3, kết thúc vào tháng 8, mang hương thơm thoang thoảng.
Ngoài có giá trị làm cảnh hay mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, cây lộc vừng còn là một loại dược liệu quý, có nhiều công dụng đặc biệt với sức khỏe. Trong Đông y, cây lộc vừng có tính bình, vị ngọt, hạt thơm, thường được dùng để điều trị cơ thể bị suy nhược, tóc bạc sớm.
Ngoài ra, quả lộc vừng còn được dùng để trị ho, hen suyễn, chữa chàm, đau răng; rễ cây chữa trị viêm, nấm da, bào chế thuốc trị sởi, thanh nhiệt; lá cây là dược liệu trị bệnh trĩ hiệu quả; vỏ cây có thể dùng làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ.