1. Ruột cá, vảy cá
Vảy cá, ruột cá luôn được coi là rác thải nhưng với hoa, cây cảnh thì đó lại là một “kho báu”. Những thứ này chứa nhiều protein, chất béo, vitamin, khoáng chất,… sau khi phân hủy sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cực tốt cho cây trồng. Nó giúp cải thiện đất, giúp đất màu mỡ hơn, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, từ đó giúp cây xanh tốt hơn, dễ ra hoa, đậu quả.
Tuy nhiên, bạn không được đổ trực tiếp ruột cá, vảy cá vào đất mà cần phải ủ lên men rồi mới được sử dụng. Để ủ lên men ruột cá, vảy cá, bạn hãy cho chúng vào chai sạch hoặc thùng sạch, đổ một lượng nước thích hợp vào để làm ngập ruột cá, vảy cá tới khi chai đầy 80% là được. Đậy nắp lại và đặt trong bóng râm. Mỗi tuần nên mở nắp một lần để khí bên trong thoát ra bớt. Sau khoảng 2-3 tháng là bạn có thể sử dụng được rồi.
Khi dùng, hãy đào vài hố nhỏ xung quanh gốc cây rồi đổ nước vảy cá, ruột cá lên men vào đó để cây hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ. Lưu ý, nước này có mùi hôi thối khó chịu nên bạn cần phủ lên trên cùng một lớp đất sau khi nước thấm vào đất để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Hoặc trong quá trình ủ lên men vảy cá, ruột cá, bạn có thể cho thêm vào đó chế phẩm vi sinh để khử mùi hôi thối.
2. Bã trà
Thông thường sau khi pha trà xong, mọi người đều đổ bã trà vào thùng rác. Tuy nhiên bã trà chứa nhiều chất diệp lục, có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, giúp lá xanh tươi hơn. Nó còn chứa nitơ, phốt pho, kali, magie và các chất dinh dưỡng khác nhau, tất cả đều tốt cho sự sinh trưởng của cây trồng. Axit tanin trong bã trà còn có tác dụng trung hòa độ pH của đất, cải thiện cấu trúc đất, giúp đất tơi xốp hơn.
Song, bạn không được đổ trực tiếp bã trà vào gốc cây mà cần được ủ cho lên men, tốt nhất nên trộn bã trà cùng men vi sinh và vỏ chuối chín để đạt được kết quả tốt hơn. Để lên men bã trà, bạn nên cho thêm một chút nước sạch vào, đậy kín rồi đem đi phơi nắng khoảng 30 ngày. Khi sử dụng, bạn hãy vùi bã trà vào chậu đất.
Ngoài ra, pha bã trà với nước rồi phun dung dịch này lên bề mặt lá cây còn có tác dụng ngăn chặn nấm, xua đuổi sâu bọ, ngăn được một số bệnh hại cho cây vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng, chỉ nên dùng với lượng vừa phải nếu không có thể gây ảnh hưởng tới cây trồng.
3. Vỏ cam, vỏ bưởi và các loại vỏ trái cây khác
Nhiều người tận dụng vỏ cam, chanh, bưởi để làm mứt hoặc chế biến thành các món ăn khác, nhưng không ít người bỏ nó đi mà không biết rằng đó cũng là một “báu vật” để trồng hoa. Bạn hoàn toàn có thể chế biến vỏ trái cây thành một loại phân bón hữu cơ để dùng cho cây trồng.
Để biến vỏ trái cây thành phân bón, bạn hãy cắt nhỏ vỏ trái cây ra, cho vào chai nhựa sạch, mỗi lớp rắc thêm một thìa đường nâu. Lặp lại như vậy cho đến khi hết vỏ trái cây hoặc chai/thùng đạt khoảng 50%.
Để yên như vậy khoảng 8 tiếng rồi cho nước sạch vào, khoảng 80% chai là được. Vặn nắp lại rồi đặt chai nhựa ở nơi có nhiều ánh sáng như ban công, bậu cửa sổ, sân nhà. Sau khoảng 30 ngày, khi vỏ trái cây phân hủy hết bạn hãy lấy nước này, pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:2 để tưới cây. Loại nước này không chỉ giúp cây phát triển tốt, ra hoa đậu quả, mà còn giúp cải thiện đất trồng một cách hiệu quả.