“Nhà có cây, 10 nhà 9 giàu”, đây là câu tục ngữ xưa và không phải là không có lý. Từ thời xa xưa, những gia đình quyền quý đều thích trồng cây trong sân vườn. Họ không chỉ chọn những loài cây có hình dáng đẹp mà còn mang ý nghĩa phong thủy tốt, có thể trấn trạch, xua đuổi tà khí, lại giúp chiêu tài, tụ lộc.
Ngày nay, xu hướng trồng cây trong nhà cũng ngày càng phổ biến. Dưới đây là 5 loại cây được ví như “thần giữ của” trong mỗi gia đình, vừa làm đẹp không gian, vừa mang lại may mắn, tài lộc. Nếu nhà bạn có một trong số chúng, hãy trân trọng!
1. Cây phong
Cây phong là loại cây có dáng lá đẹp, thân cây thanh thoát, rất thích hợp để làm cây trang trí trong sân vườn, tạo nên cảnh quan sang trọng. Đây cũng là một trong những loại bonsai cao cấp được nhiều người ưa chuộng. Lá cây phong có thể chuyển sang màu đỏ rực, tượng trưng cho vận đỏ đang tới, mang ý nghĩa may mắn và đại cát đại lợi.
Khi trồng cây phong, nên sử dụng đất cát pha giàu mùn, tuyệt đối không dùng đất sét vì đất quá cứng, dễ gây đọng nước khi tưới, khiến rễ bị úng và thối do cây phong rất sợ úng nước. Ngoài ra, cần đảm bảo cây được đặt ở nơi có ánh sáng dồi dào, thoáng khí, đồng thời chú ý phòng ngừa sâu bệnh gây hại.
2. Cây tùng la hán
Tùng la hán là loại cây rất phù hợp để trồng trước cổng nhà, bởi theo phong thủy, nó có thể trấn trạch, xua đuổi tà khí. Nếu trồng chậu đặt trong phòng khách, cây toát lên vẻ sang trọng, đẳng cấp.
Đây là loài cây xanh quanh năm, có tuổi thọ cao, tượng trưng cho sức khỏe dồi dào và sự trường thọ. Dân gian còn có câu: “Nhà có tùng la hán, đời đời không nghèo”, cho thấy cây này được xem như “thần tài sống” trong nhà, rất đáng trân quý.
Tuy nhiên, khi trồng tùng la hán trong chậu, cần chú ý chế độ tưới nước, chỉ tưới khi đất đã khô mặt, không để ngập úng. Vào mùa sinh trưởng, nên bón thêm phân NPK mỗi tháng một lần. Cách tốt nhất là xới nhẹ mặt đất và trộn phân vào trong để duy trì độ phì nhiêu, giúp lá cây xanh mướt, bóng đẹp, tăng giá trị thẩm mỹ.
3. Cây mộc hương
Nếu nhà bạn có trồng cây mộc hương hay còn gọi là cây hoa quế, nhất định phải trân trọng, bởi đây là loài cây nổi tiếng mang lại vượng khí cho gia đình. Trong tiếng Hán, chữ “quế” đồng âm với “quý”, tượng trưng cho “phú quý đầy nhà, lấy hòa khí làm quý”.
Người xưa còn có câu: “Trước nhà trồng quế, trong nhà sinh quý tử”, cho thấy vị thế đặc biệt của cây hoa quế trong phong thủy, không chỉ trấn trạch mà còn đem lại phúc lộc, con cháu thành đạt. Vì vậy, đây là loại cây rất đáng để sở hữu.
Để cây phát triển tốt, nên trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Nếu trồng trực tiếp ngoài đất, cần bổ sung nước vào mùa khô. Với cây trồng chậu, chỉ nên tưới khi đất khô, có như vậy cành lá mới phát triển tươi tốt, cây ra hoa thơm ngát và đều đặn.
4. Cây vạn tuế
Vạn tuế là loài cây lá lớn, mang ý nghĩa phong thủy “lá to hút tài, nhà rộng việc lớn”, vì vậy rất được ưa chuộng làm cây trấn trạch. Không chỉ thích hợp trồng trong nhà, cây vạn tuế còn được nhiều cửa hàng, khách sạn chọn làm cây cảnh. Đặc biệt, nếu cây ra hoa, đó là điềm lành, báo hiệu nhiều may mắn đang đến.
Cây vạn tuế là cây ưa khí hậu nhiệt đới, dễ trồng ngoài đất tại miền Nam. Ở miền Bắc, nên trồng chậu để tiện di chuyển vào nơi ấm áp khi mùa đông đến, tránh cây bị rét hại.
Trong quá trình chăm sóc hàng ngày, nên đặt cây ở nơi có ánh sáng, tưới nước khi đất se khô để tránh bị úng. Giai đoạn sinh trưởng nên bón phân có đầy đủ đạm, lân, kali cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tán lá xanh mướt.
5. Cây mộc lan
Mộc lan là một trong những loài cây cảnh đẹp và thanh tao bậc nhất. Vào đầu mùa xuân, cây ra hoa rực rỡ trên khắp các cành mà không có lá, tạo nên khung cảnh một cây đầy hoa, vô cùng thu hút.
Nếu trồng cùng với cây hoa quế vàng (kim quế), sẽ tạo thành thế “kim ngọc mãn đường”, đây là biểu tượng cho phú quý, sung túc viên mãn. Còn khi trồng riêng, cây vẫn mang ý nghĩa "hoa khai phú quý", đại diện cho sự giàu sang.
Mộc lan có thể trồng trực tiếp trong sân vườn hoặc trồng chậu lớn để đặt ngoài ban công. Chỉ cần đủ ánh nắng, cây sẽ cho hoa thơm dịu và đều đặn hằng năm.
Cây mộc lan có thể trồng ngoài đất ở góc vườn, hầu như không cần chăm sóc nhiều mà đến mùa vẫn nở hoa. Nếu trồng trong chậu, nên dùng đất tơi xốp, thoát nước tốt, có thể trộn đất thịt, phân hữu cơ và tro trấu. Tưới nước theo nguyên tắc thấy khô mới tưới, đặt ở nơi nhiều nắng để cây phát triển khỏe, hoa nở nhiều và đẹp.