Cây vạn tuế thường được coi là biểu tượng của sự kiên cường và trường thọ, phúc lộc. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, nhiều người yêu hoa đã phát hiện ra rằng loại cây này không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài của nó. Thực tế, cây vạn tuế gặp phải nhiều vấn đề khiến người trồng cảm thấy bất lực, và ngày càng nhiều người đã đưa nó vào danh sách đen.
Trước đây tôi cố chấp trồng loại cây cảnh này trước cổng nhà, nhưng sau 10 năm chăm sóc, tôi cũng đành từ bỏ nó.
Lý do khiến cây vạn tuế bị nhiều người đưa vào danh sách đen
- Khả năng ra hoa thấp
Cây vạn tuế với khả năng ra hoa cực kỳ thấp, đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người yêu thích trồng cây. Việc cây vạn tuế ra hoa được coi là một sự kiện đáng nhớ, thậm chí nhiều người tin rằng đó là dấu hiệu của vận may sắp đến. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Cây vạn tuế thường phải mất từ 10 năm đến hàng chục năm mới có thể ra hoa một lần, khiến nhiều người trồng cây cảm thấy sự kiên nhẫn của họ bị thử thách.
Ngay cả ở những vùng phía Nam, nơi có khí hậu thuận lợi, việc cây vạn tuế ra hoa cũng không phải là điều thường thấy. Còn ở miền Bắc, với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp, việc mong chờ thấy hoa vạn tuế gần như là một giấc mơ xa vời. Nhiều người yêu hoa đã bày tỏ sự chán nản khi chăm sóc một loại cây không thể ra hoa, và cho rằng nên dành không gian cho những loại cây dễ ra hoa hơn, như nhài hay cẩm tú cầu, hoa hồng,... để có thể thưởng thức vẻ đẹp của hoa quanh năm.
- Có thể trở thành mối nguy hiểm vì lá sắc nhọn
Cây vạn tuế nổi bật với những chiếc lá sắc nhọn và cứng cáp, mang hình dáng giống như lưỡi kiếm, tạo nên vẻ đẹp hoang dã. Tuy nhiên, độ cứng và các cạnh sắc của lá có thể khiến người chăm sóc cảm thấy không thoải mái. Khi chạm vào, lá cây có thể gây cảm giác đau rát, và nếu không cẩn thận, bạn có thể bị trầy xước, để lại vết thương.
Đặc biệt, đối với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng, cây sắt có thể trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng. Hơn nữa, tốc độ phát triển của lá cây rất chậm, sau nhiều năm chăm sóc, bạn có thể chỉ thấy vài chiếc lá, không mang lại cảm giác tươi mới, sinh động.
Vì những lý do này, nhiều người đã mất hứng thú với việc trồng cây vạn tuế. Thay vào đó, họ có thể lựa chọn những loại cây khác có lá mềm mại và tính thẩm mỹ cao hơn, như cây trầu bà hoặc cây lan ý, vừa an toàn vừa đẹp mắt.
- Khả năng chịu lạnh, chịu nắng kém
Cây vạn tuế còn được gọi là "cây sắt", nhưng nó lại có khả năng chịu lạnh rất kém. Khi nhiệt độ xuống dưới 10°C, sự phát triển của cây sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. Nếu cây phải sống trong môi trường lạnh kéo dài, lá sẽ chuyển sang màu vàng, khô héo và thậm chí có thể dẫn đến cái chết của toàn bộ cây.
Để đảm bảo cây có thể vượt qua mùa đông an toàn, người trồng thường phải di chuyển cây đến những nơi ấm áp và chú ý đến việc kiểm soát nhiệt độ cũng như độ ẩm. Đối với những người sống ở vùng núi miền Bắc, việc chăm sóc cây này thực sự trở thành một gánh nặng.
Bên cạnh đó, cây vạn tuế cũng không chịu được nắng nóng. Nếu để cây tiếp xúc với nắng nóng trong thời gian kéo dài, lá cây dễ bị quăn, chuyển sang màu vàng hoặc héo.
- Dễ bị thối rễ
Cây vạn tuế mặc dù có vẻ ngoài mạnh mẽ với bộ rễ dày, nhưng thực tế lại rất nhạy cảm và dễ bị thối rễ. Chỉ cần tưới nước hơi nhiều, rễ cây có thể bị ngập úng, dẫn đến tình trạng thối rễ và khó cứu chữa. Khi cây gặp vấn đề về rễ, khả năng phục hồi rất thấp, dễ khiến cây bị chết.
Nhiều người yêu hoa để tránh tình trạng ngập úng đã giảm tần suất tưới nước. Tuy nhiên, môi trường quá khô cũng khiến cây vạn tuế ngừng phát triển và lá trở nên xỉn màu. Đặc điểm "uống nước không đúng cách sẽ nổi cáu" của cây vạn tuế khiến nhiều người cảm thấy việc chăm sóc trở nên phức tạp, không dễ dàng như các loại cây khác.
Chăm sóc cây vạn tuế theo quy tắc "1 ít - 1 nhiều - 2 không" để cây sớm nở hoa
- Tưới ít nước
Nhiều người khi chăm sóc cây vạn tuế thường mắc phải sai lầm là tưới nước quá nhiều, lo sợ cây sẽ khô héo. Hệ quả là đất ẩm ướt kéo dài khiến rễ cây không chịu nổi, dẫn đến lá vàng úa và ngừng phát triển. Cây vạn tuế có khả năng chịu hạn tốt. Vì vậy, chỉ tưới nước khi đất hoàn toàn khô.
- Nhiều ánh sáng
Cây vạn tuế cần ánh sáng mặt trời để phát triển mạnh mẽ và nở hoa. Nếu đặt cây ở những nơi có ánh sáng yếu như phòng khách hoặc góc tối thì việc thiếu ánh sáng trực tiếp trong thời gian dài sẽ khiến cây phát triển chậm và khó nở hoa.
- Không bón phân bừa bãi
Một trong những nguyên nhân chính khiến cây vạn tuế không nở hoa là bón phân không đúng cách. Nhiều người nghĩ rằng cây phát triển chậm nên cần phải bón nhiều phân đạm, dẫn đến tình trạng lá cây phát triển mạnh nhưng hoa thì không thấy đâu.
Nhưng thực tế, ngoài việc chăm sóc cho lá, cần bổ sung thêm phân lân và kali để kích thích sự hình thành nụ hoa. Tốt hơn hết nên bón một ít phân kali dihydro photphat mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu cho cây.
- Không cắt tỉa bừa bãi
Nhiều người thường thấy lá già chuyển màu vàng thì vội vàng cắt tỉa, nhưng việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tổng thể của cây. Với cây vạn tuế, mặc dù lá già có màu sắc nhạt hơn, nhưng chúng vẫn thực hiện quá trình quang hợp và cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Do đó, bạn chỉ nên cắt tỉa những lá đã hoàn toàn khô héo và dễ rụng khi chạm vào, còn lại thì giữ nguyên. Phương pháp này giúp cây phát triển ổn định hơn và tăng khả năng ra hoa.