Vật dụng kim loại
Sử dụng lò vi sóng kiêng kỵ nhất là cho những đồ dùng bằng kim loại vào lò. Tốt nhất nên để những đồ vật ấy tránh xa khi lò đang hoạt động. Sóng vi ba của lò vi sóng không xuyên qua được kim loại mà bị phản xạ lại vào thành lò, làm nóng xung quanh, dẫn tới cháy nổ, hư hỏng lò và có thể gây bỏng hoặc bị thương đối với những người xung quanh.
Bình giữ nhiệt
Bình giữ nhiệt thường làm bằng thép không gỉ sẽ ngăn hơi nóng của lò vi sóng tiếp xúc với chất lỏng bên trong, thậm chí có thể làm lò bị hỏng hóc. Nếu bình thủy làm bằng nhựa, bạn cần kiểm tra kĩ xem chất liệu có an toàn với lò vi sóng không.
Giấy bạc
Không ít những gia đình chế biến các món nướng bằng cách bọc thực phẩm bằng giấy bạc rồi cho vào lò vi sóng. Nhưng đây là điều không nên, bởi bọc giấy bạc cho thực phẩm để trong lò vi sóng, sóng vi ba không xuyên qua được, tạo nên các tia lửa điện tóe lên dễ làm lò bị cháy.
Túi nilon
Trong quá trình rã đông hay nấu, tốt nhất là không để túi nilon dính trực tiếp vào thực phẩm mà phải để thực phẩm vào bát sau đó bọc kín bằng túi nilon hoặc đậy bằng đồ thủy tinh hoặc sành sứ lên miệng bát. Làm như vậy sẽ giữ kín được hơi, khiến việc gia nhiệt tản đều. Trước khi lấy thức ăn ra hãy chọc rách màng nilon bảo quản để khỏi dính vào thức ăn.
Trứng có vỏ, trái cây
Các loại trái cây, trứng còn trong vỏ, hạt tiêu hay thực phẩm đóng hộp… đều không nên cho vào lò vi sóng, chúng sẽ làm giảm chất lượng hoặc nổ (với trứng). Những thực phẩm có vỏ dày như khoai tây, táo, bí hay hạt dẻ phải được lột vỏ trước khi cho vào lò.
Đồ dùng bằng nhựa
Chúng ta đều biết, đồ ăn nóng khi được cho vào hộp nhựa rất có hại cho sức khỏe. Việc cho hộp nhựa hoặc những đồ dùng bằng nhựa như bát, thìa, đĩa,… vào lò vi sóng cũng vậy, nó sẽ gây hậu quả tương tự như thế, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Bạn chỉ nên cho đồ nhựa vào lò vi sóng nếu đồ nhựa đó được dán nhãn là "an toàn với lò vi sóng".