Ý nghĩa phong thủy của bể cá
Trong thiết kế nội thất trong các không gian sống, bể cá hay bể thủy sinh có vai trò không hề nhỏ trong việc kết nối, tạo sự hòa hợp với thiên nhiên. Tuy nhiên, khác với nhiều vật trang trí khác, bể cá lại có ý nghĩa tốt trong phong thủy. Nếu như bể cá hay bể thủy sinh được đặt ở những vị trí phù hợp sẽ mang tới tài lộc cho các thành viên trong gia đình.
Với quan niệm ‘Tưới tiêu vạn vật không thể thiếu nước’, trong phong thủy học, bể cá thuộc hành thủy tương ứng với nước. Nước có ý nghĩa là tài lộc, mang may mắn. Đồng nghĩa với đó, nó sẽ cần đặt ở vị trí tốt để phát huy tác dụng, tránh hướng xấu sẽ gây ra những nguy hại, điềm xấu cho gia chủ
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, ngoài tác dụng về thẩm mỹ trang trí trong căn nhà, bể cá hay bể thủy sinh có tác dụng tiếp khí và hóa sát. Cá và nước cộng sinh mang lại cho không gian nhiều sức sống. Tuy nhiên nếu bạn không nuôi được cá, cá hay chết hoặc không có kĩ thuật chăm sóc thì chỉ nên để bể thủy sinh để kích hoạt. Với điều kiện nguồn nước thường xuyên được luân chuyển, làm sạch.
7 lưu ý khi bài trí bể cá, bể thủy sinh
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà nhấn mạnh, khi bài trí bể cá hay bể thủy sinh, mọi người cần lưu ý những điều tối kỵ này:
+ Thứ 1: Bể cá không được quá cao. Trong phong thủy, nước rất quan trọng nhưng nước nhiều quá không nên và nước ở thế quá cao cũng rất tối kị. Chiều cao của bể cá cao hơn tầm mắt của một người trưởng thành được xem là quá cao. Do đó, trong phòng khách, nhất là phòng có diện tích nhỏ hẹp không nên đặt bể cá hay bể thủy sinh quá cao lớn.
+ Thứ 2: Không đặt bể cá hay bể thủy sinh ở chính hậu của ngôi nhà. Chính hậu của ngôi nhà cần sự tĩnh tại, tránh quá hoạt khí. Phường hậu nhà là phương vị chủ quản về nhân đinh, nhân sự và sức khỏe, tuổi thọ của mọi thành viên trong gia đình. Đây là khu vực của chính khí Huyền Vũ tại vị. Cửa hậu cũng ít khi mở thoáng thường xuyên nên việc để bể cá là không nên.
+ Thứ 3: Không đặt bể cá hay bể thủy sinh sau ghế của chủ nhân ngồi. Phía sau ghế mà người chủ hay ngồi cần một thế vững chắc, hàm ý gia chủ sẽ không có nỗi lo về sau. Nếu chỗ dựa là nước sẽ không phù hợp, khó cầu sự ổn định. Kể cả trong mặt bằng của những người làm văn phòng, khi mà ghế ngồi ở sau lưng có bể cá cũng là thất cách. Trong trường hợp không gian chật thì có thể đặt ở bên cạnh phía tay trái của gia chủ ngồi.
Ảnh minh họa
+ Thứ 4: Bể cá và bể thủy sinh tương xung với bếp và bàn thờ. Cần hiểu bể cá tượng trưng cho bếp, còn bếp, bàn thờ tượng trưng cho Hỏa. Trong phong thủy học, Thủy – Hỏa tương xung. Nếu bài trí bể cá và bếp trên một đường thẳng thì phạm đại kỵ Thủy Hỏa tương xung dễ khiến người trong gia đình sức khỏe bị tổn hại. Ngoài ra, bàn thờ cũng là nơi thuộc Hỏa nên cũng cần tránh một đường thẳng tương xung khi bài trí.
Khi chúng ta bài trí bể cá trong phòng bếp hay trong không gian thờ cúng mà quá gần thì cũng càng tối kỵ. Bởi Thủy – Hỏa không nên quá gần gũi nhau. Nhiều gia đình còn dùng bể cá, bể thủy sinh để ngăn cách giữa phòng bếp và phòng khách hoặc ngăn cách giữa phòng thờ - phòng khách là vô cùng cấm kỵ.
+ Thứ 5: Bể cá đặt quá gần ban thờ Thần Tài. Bể cá và bể thủy sinh trong phong thủy kích hoạt tài lộc nhưng mang hành Thủy. Còn ban thờ Thần Tài mang thuộc tính hành Hỏa nên không nên để quá gần hoặc sát cạnh. Việc này sẽ gây ra sự xung phá khiến tài chính của gia đình bất ổn.
+ Thứ 6: Bể cá hay bể thủy sinh đặt quá gần két sắt. Bể cá, két sắt đều là vật phẩm phong thủy nhưng không để cạnh nhau, càng không được đặt bể cá ở trên két sắt. Bởi két sắt thuộc kim, mà Kim gặp Thủy là chiều sinh, Kim sinh Thủy là tượng hao tài, tốn của. Hiện tượng này dễ gây ra hiện tượng mất tiền vì tình ái đào hoa, mất tiền vô ích cho người khác phái.
+ Thứ 7: Bể cá hay bể thủy sinh đại kỵ đặt ở 8 khu vực đại sát trạch trong mặt bằng. Nhà hướng Nam tọa Bắc đại kỵ khu vực sơn Thìn thiên bàn đặt bể cá hoặc bể thủy sinh; Nhà hướng Bắc tọa Nam đại kỵ khu vực sơn Hợi thiên bàn đặt bể cá; Nhà hướng Đông tọa Tây đại kỵ khu vực sơn Tị thiên bàn; Nhà hướng Đông Nam hoặc Tây Bắc đại kỵ khu vực sơn Dậu thiên bàn; Nhà hướng Tây tọa Đông đại kỵ khu vực sơn Thân thiên bàn; Nhà hướng Tây Bắc tọa Đông Nam đại kỵ khu vực sơn Ngọ; Nhà hướng Tây Nam tọa Đông Bắc đại kỵ khu vực sơn Dần; Nhà hướng Đông Bắc tọa Tây Nam đại kỵ khu vực sơn Mão thiên bàn đặt bể cá.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!